Thấp thỏm thị trường hoa, cây cảnh Tết

Nam Nga Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu nhưng thời điểm này thị trường hoa, cây cảnh phục vụ Tết vẫn khá trầm lắng do dịch Covid-19 tái bùng phát, khiến người trồng hoa, cũng như tiểu thương thấp thỏm, âu lo.

Chợ hoa Hàng Lược vắng khách vì dịch Covid-19.
Giảm giá vẫn vắng người mua
Khác với dịp cận Tết những năm gần đây, không khí mua bán hoa, cây cảnh tại chợ hoa Mê Linh khá trầm lắng. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết: Toàn huyện có khoảng 600 ha trồng hoa, cây cảnh phục vụ dịp Tết Tân Sửu 2021, những ngày qua khi địa phương liên tiếp ghi nhận các ca mắc Covid-19, việc giao thương cũng trở nên khó khăn hơn do khách hàng thưa thớt. Chị Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương tại chợ hoa Mê Linh cho hay: So với Tết 2020, hiện giá hoa giảm gần 50%. Cụ thể, một bó hoa cúc 50 bông của năm trước bán được 180.000 – 200.000 đồng, thì nay chỉ bán được khoảng 90.000 – 100.000 đồng/bó (50 bông). Không chỉ hoa cúc, các loại hoa hồng cũng giảm giá sâu tương tự. Những ngày chưa có dịch Covid-19 bùng phát, hoa hồng bán được với giá trung bình khoảng 3.200 đồng/bông. Nhưng nay giá hoa giảm chỉ còn khoảng 1.500 đồng/bông.

Nhưng lo nhất là bà con nông dân và tiểu thương trồng, buôn bán hoa ly. Với khoản đầu tư lớn, mỗi cành hoa ly cỡ lớn (5 bông) phải bán với giá 30.000 đồng mới có lãi. Tuy nhiên, giá hoa ly hiện nay chỉ khoảng 20.000 – 25.000 đồng/cành (5 bông). Mấy ngày nay, chị Nguyễn Hạnh Thúy, tiểu thương bán hoa Tết tại Mậu Lương, Hà Đông như ngồi trên đống lửa vì trót đầu tư hơn 500 triệu đồng tiền nhập hoa, cây cảnh bán Tết. Để giải tán hết chỗ hàng đã nhập, hiện, chị đang giảm 30% toàn bộ hàng, chẳng hạn trà ngũ sắc 350.000 đồng giảm xuống còn 250.000 đồng/chậu; trạng nguyên 120.000 đồng; phát lộc 110.000 đồng.

Tương tự, những nhà vườn trồng hoa đào, quất phường Nhật Tân, Quảng Bá cũng trong tình trạng ế ấm, vắng khách mua, anh Nguyễn Văn Hải - chủ vườn đào, quất Dần Hải (phường Quảng Bá - Tây Hồ) chia sẻ: Chưa bao giờ đào, quất ế ẩm như bây giờ. So với các năm trước, sức mua cũng kém hơn hẳn nhất là khi có tin dịch Covid-19 bùng phát, các gian hàng lại càng vắng khách. Tại các gian hàng kinh doanh hoa trên đường Lạc Long Quân cũng chỉ lác đác vài người mua mặc dù giá bán khá rẻ. Hiện quất cảnh nhỏ dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/cây, quất trung bình có tán lá rộng 700.000 - 800.000 đồng/cây. Các cây quất cỡ lớn, dáng đẹp, nhiều lộc giá từ 1,2 - 4 triệu đồng/cây. “Hy vọng thị trường sẽ sôi động vào những ngày cuối năm 29, 30 Tết khi người dân có thời gian đi sắm đào, quất và dịch Covid-19 được khống chế để người dân an vui đón Tết cổ truyền thì thị trường hoa và cây cảnh sẽ nóng dần theo”- anh Hải mong mỏi.

Chuyển hướng bán online

Nắm bắt tâm lý này của khách hàng có nhu cầu mua sắm hoa, cây cảnh nhưng không muốn đến những nơi tập trung đông người, nhiều tiểu thương, chủ vườn đã chuyển sang bán hàng online, đăng bán trên các diễn đàn, trang mạng xã hội hoặc livestream để khách hàng có thể trực tiếp lựa chọn cây cảnh ưng ý.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu: Việc tiêu thụ hàng hóa trong đó có hoa Tết thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội như Zalo, Facebook là hướng đi đúng đắn bởi người bán, người mua không phải trực tiếp tiếp xúc, qua đó hạn chế lây Covid-19 nhưng vẫn chọn được loại sản phẩm thích hợp một cách nhanh chóng bởi tất cả giá cả đều có sẵn. Do không mất nhiều chi phí thuê cửa hàng và nhân viên nên giá bán tại các website thường thấp hơn so với ngoài thị trường, giúp người tiêu dùng có thể hạn chế được chi tiêu.

Chị Nguyễn Thu Hương, một người trồng đào, quất ở Hưng Hà, Thái Bình cho biết: Vụ Tết năm nay gia đình chị đầu tư trồng hàng trăm gốc đào, quất. Nếu như mọi năm, ngay từ đầu vụ các thương lái đã đến tận vườn để đặt mua. Nhưng năm nay do dịch Covid-19, thương lái bỏ hợp đồng và vào ép giá xuống chỉ còn 100.000 – 120.000 đồng/gốc. Với mức giá này không đủ chi phí sản xuất, nên chị và một số hộ trồng đào, quất ở địa phương quyết định livestream đăng bán hàng online và trực tiếp chuyển hàng lên Hà Nội bán. Đặc biệt, để tiêu thụ hàng nhanh hơn chị còn thiết kế các combo quất kết hợp trạng nguyên, hoặc quất kết hợp hoa trà. Với những người mua theo combo sẽ được giảm giá thêm từ 5 - 10% và miễn phí ship trong bán kính 5km. “Sau 2 ngày đăng thông tin, tôi đã nhận được gần 200 đơn hàng. Tôi hy vọng sẽ bán hết hàng trong những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu” – chị Hương chia sẻ.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, toàn TP Hà Nội có khoảng 7.000 ha hoa, cây cảnh, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện: Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Đông Anh, Thường Tín… Theo ông Mỹ, giá hoa, cây cảnh thấp chỉ diễn ra trong ít ngày qua khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Trước đó, bà con, tiểu thương vẫn tiêu thụ khá tốt. “Hiện, chúng tôi đã nắm bắt tình hình, đang nghiên cứu hình thức hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, đặc thù của Hà Nội khác với các tỉnh, TP, khi lượng hoa, cây cảnh do bà con nhập về tiêu thụ dịp Tết rất lớn, chứ không giống như tại Hải Dương, chỉ chủ yếu là tự sản – tự tiêu” – ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.
Việc mua sắm online không chỉ tạo thuận tiện giảm bớt thời gian mua hàng mà còn đảm bảo an toàn cho khách hàng bởi người mua có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán khác nhau như thanh toán trực tuyến (thanh toán bằng thẻ tín dụng, ghi nợ nội địa, ví điện tử); trả tiền mặt khi giao hàng, chuyển khoản ngân hàng. Hoặc có thể sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến như Paypal, Ngân lượng, Bảo kim… với tính năng thanh toán tạm giữ, khách hàng có thể đổi hàng, có thể khiếu nại, góp ý và được hỗ trợ 24/7, đảm bảo độ an toàn tuyệt đối cho khách hàng trong quá trình mua và nhận hàng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng