Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thất bại của ngành giáo dục

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt nhiều năm liền, điểm thi môn Lịch sử trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Kỳ thi THPT Quốc gia đều "đội sổ" trong số các môn thi.

Đây không chỉ là nỗi buồn mà còn là sự thất bại của giáo dục Lịch sử và giáo dục phổ thông Việt Nam.
Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, dư luận xã hội bắt đầu mổ xẻ môn Lịch sử bởi đề thi năm nay được cho là dễ hơn hẳn so với năm 2018 nhưng có đến 70% bài thi dưới điểm trung bình. Nhớ lại, thời gian qua, tại rất nhiều cuộc hội thảo quốc gia, các đại biểu đã tranh luận gay gắt để đưa Lịch sử từ chỗ là môn phụ trở thành môn học có vị thế trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội 3 năm nay.
Dù ở nhiều nơi đã thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử với những sơ đồ tư duy, kiểm tra và thi ít bắt buộc học sinh phải nhớ các sự kiện, diễn biến, ngày, tháng, năm nhưng sự thay đổi chưa nhiều.
Lại có không ít ý kiến chỉ ra, cách thi trắc nghiệm chưa hẳn đã phù hợp với môn Lịch sử. Với đề thi Lịch sử có 40 câu trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài trong 50 phút, một GS Sử học cho rằng rất phục những em đã đạt điểm 10. Bởi theo dõi đề thi cho thấy, có những câu hỏi khá lắt léo. Có câu chỉ cần đọc nội dung hỏi đã hết một phút mà vẫn chưa hiểu đề hỏi gì.
Điều đáng nói hơn, thi gì thì học nấy, với cách thi trắc nghiệm, đã khiến cho học sinh lười học Lịch sử hơn. Giờ đây, học sinh học Lịch sử không phải để hiểu biết, mà để thi trắc nghiệm. Thực trạng này dẫn đến các thầy cô dạy Sử ít tâm huyết hơn, tình yêu dành cho môn khoa học xã hội này cũng phai nhạt dần.
Bộ GD&ĐT kỳ vọng, thi trắc nghiệm giảm tải áp lực cho học sinh nhưng sau 3 năm thi THPT quốc gia cho thấy, hình thức thi này chưa thực sự phù hợp, chưa đánh giá hết được năng lực của học sinh. Nhiều em làm bài trắc nghiệm Lịch sử theo kiểu võ đoán, số em tự tin trả lời hết các câu hỏi trong đề không nhiều.
Con số 569.905 thí sinh dự thi môn Lịch sử không thể hiện được tình yêu đối với bộ môn này. Đó chỉ là sự lựa chọn có tính toán dựa trên năng lực của các em, thi bài khoa học xã hội có môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân dễ kiếm điểm hơn bài thi Khoa học tự nhiên.
Trong khi ở trên lớp, số tiết học Lịch sử rất ít, lượng kiến thức trong sách giáo khoa lại nhiều nên giáo viên phải dạy theo kiểu chạy đua với thời gian mới đảm bảo. Môn học này cũng chẳng được nhiều phụ huynh và học sinh tạo điều kiện để ôn luyện nhiều trước khi thi. Cho nên, kết quả 70% thí sinh có bài thi Lịch sử điểm dưới trung bình không gây bất ngờ cho các giáo viên dạy Sử.
Với kết quả điểm thi Lịch sử năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên nhìn thẳng vào sự thật để tiếp tục mổ xẻ nguyên nhân và tìm giải pháp khả thi. Làm sao để Lịch sử phải trở thành môn học chính được mọi người coi trọng? Làm sao để học sinh chọn thi Lịch sử bằng sự yêu thích, niềm đam mê môn học này chứ không phải để đối phó.