Thất thoát đất công: Ai lợi ích nhóm, ai móc ngoặc?

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, sáng 5/6, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đặt câu hỏi: “Chúng ta còn bao nhiêu DN sau cổ phần hóa đã bán trao tay thì chúng ta còn thu được lại tiền hay không? Cái nữa là xử lý trong vụ việc này thế nào, ai là móc ngoặc, ai là lợi ích nhóm?”

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, ĐB Nguyễn Tiến Sinh nêu vấn đề: Trong các hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp đoàn giảm sát đã chỉ ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý và sử dụng đất, xác định giá đất khi giao gây thất thoát lớn tài sản nhà nước.
ĐB đoàn Hòa Bình băn khoăn: “Có ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát đất đai, biến đất công thành đất tư. Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới và làm sao để thu hồi các khoản thất thoát này xử lý vi phạm của các tổ chức vi phạm đến đâu?”.
 ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình).
Một vấn đề nữa được ĐB Nguyễn Tiến Sinh rất quan tâm là làm sao để thu hồi thất thoát.
ĐB dẫn chứng: Ví dụ Công ty TNHH MTV Giao thông công chính thuộc Tổng công ty cấp thoát nước Sài Gòn trong cổ phấn hóa đã bán luôn lô đất không đầu tư gì thu lời 40 tỷ.
“Vậy chúng ta còn bao nhiêu doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã bán trao tay thì chúng ta còn thu được lại tiền hay không? Cái nữa là xử lý trong vụ việc này thế nào, ai là móc ngoặc, ai là lợi ích nhóm?”, ĐB đoàn Hòa bình chất vấn Tư lệnh ngành TNMT.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà thừa nhận có nhóm lợi ích trong chuyện này. Bộ trưởng bày tỏ cũng đồng tình với ĐB Nguyễn Tiến Sinh trong việc quản lý đất đai không chặt chẽ.
Bộ trưởng nói: Trước cổ phần hóa, các DN đã sử dụng đất không đúng mục đích cho thuê cho mượn đấy thuộc trách nhiệm của người đứng đầu DN đó. Trong và sau cổ phần hóa, còn có trách nghiệm của ngành TNMT, Bộ TNMT, và UBND các cấp.
 Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà. 
Cũng theo Tư lệnh ngành TNMT: Trong quá trình cổ phần hóa, có tình trạng chưa rà soát lại và có phương án sắp xếp lại để một doanh nghiệp hoạt động quỹ đất bao nhiêu là đủ và sử dụng như thế nào hiệu quả. Hai là trước đây giao đất không thu tiền, nay các doanh nghiệp đều phải thu tiền, nên phải tính toán hiệu quả khi sử dụng đất. Vì thế, các tính toán đó sẽ lấy lại các quỹ đất không có nhu cầu sử dụng để sử dụng mục đích khác. Nếu DN cần thì sẽ có cơ chế để họ tiếp tục phát triển.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ thêm: Việc cổ phần hóa vừa rồi thất thoát nguồn lực cái chính là chưa làm tốt công tác quản lý đất và đang để đất đai ở tình trạng không quản lý. Ngay khi cổ phần hóa thì doanh nghiệp đó đã chuyển đổi mục đích sử dụng.
Bộ trưởng cho hay: Điều này vi phạm 2 vấn đề. Một là không đúng tiêu chí hoạt động, chuyển sang kinh doanh thương mại bất động sản đã sai với mục tiêu cổ phần hóa. Hai là quá trình chuyển mục đích lại không qua đấu giá mà áp đặt giá rất thấp không theo thị trường, cơ quan quản lý thẩm định thấy sai vẫn để chuyện đó xảy ra. Sau khi chuyển đổi mục đích giá tăng rất nhiều so với trước cổ phần hóa đây là thất thoát trong việc sử dụng đất công.
“Nghị định 01, 126 đã khắc phục cơ bản triệt để tình trạng này. Hiện nay chỉ cần đảm bảo khâu đấu giá, định giá để đáp bảo giá đất đúng với thị trường, công khai với nhân dân”, Bộ trưởng Bộ TNMT nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần