Thau rửa bể nước ngầm: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau sự cố nước sạch bị nhiễm dầu, nhiều người dân Thủ đô rục rịch thau rửa lại bể ngầm chứa nước của gia đình để đón "nước sạch". Tuy nhiên, trong quá trình thau rửa lại bể nước ngầm, anh N.V.A. (phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đã bị ngất và tử vong ngay sau đó. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng trong việc thau rửa bể chứa, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Ảnh minh họa.
Rình rập những mối hiểm nguy
Dưới góc nhìn của chuyên gia, những bể ngầm chứa nước, cũng như giếng nước là một môi trường luôn tiềm tàng rủi ro với sức khỏe. Trên thực tế, đã từng có không ít trường hợp tử vong thương tâm do thiếu hiểu biết về an toàn lao động, khi làm việc ở những môi trường này.
Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Trung Nguyên cho biết, mặc dù đã được cảnh báo nhưng năm nào cũng có các trường hợp tử vong khi thau bể nước, thau giếng, vệ sinh hầm tàu... Các trường hợp này đều do ngộ độc khí Sunfua hydro (H2S) hay còn gọi là khí hầm hố (khí độc).
Theo bác sĩ Nguyên, H2S được tạo ra tự nhiên từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ, thường có ở các khoang ngầm hoặc kín (ví dụ hang, đường ống nước rác, giếng, hầm than, suối nước nóng), nước thải, núi lửa và phân hủy lưu huỳnh bởi các vi khuẩn trong đất, phân hủy các protein trong các khoang chứa cá trên tàu biển, có trong thành phần của khí tự nhiên (có thể chiếm tới 22%) và hít một hơi thở có thể dẫn tới tử vong. Hydro sunfua còn được gọi là khí hầm hố (pit gas) và thường tập trung ở các vị trí sâu hoặc thấp hơn mặt đất.
"Loại khí này rất độc với hệ thần kinh cũng như toàn cơ thể, xâm nhập qua đường hô hấp. Với nồng độ thấp còn ngửi thấy mùi thối, nhưng ở nồng độ cao, loại khí này gây liệt thần kinh khứu giác, nạn nhân không kịp thấy mùi và xâm nhập nhanh, gây ngộ độc cấp tính ngay lập tức, gây hôn mê co giật, ngừng thở, trụy tim mạch và tử vong rất nhanh…. Loại khí này có tác động rất mạnh và nhanh đến cơ thể gần giống chất độc xyanua"- bác sĩ Nguyên cho hay.
Thực tế, ở nước ta chưa có nghiên cứu và khảo sát đầy đủ nhưng có lẽ đây là loại khí đã gây nên các trường hợp ngộ độc và tử vong khi vào các khoang kín của tàu biển cũ, xuống giếng bỏ hoang, bồn rác thải nhà máy giấy hay cơ sở sản xuất có xử lý lông gia cầm…
Trong khi đó, TS Phạm Thị Kim Giang - giảng viên ngành Sư phạm Hóa, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, ở những bể ngầm đậy kín lâu ngày, cũng như giếng nước luôn tồn tại một lượng thán khí nhất định, phát sinh từ các hợp chất tồn tại trong nước, từ các hoạt động của vi sinh vật, từ lớp bùn đọng bên dưới lớp đáy… Những khí này có thể bao gồm: CH4, SO2, CO2, H2S, CO và thi thoảng có C2H2, NH3 (thường phát sinh từ lớp bùn). Tùy vào và tỷ lệ của các chất này mà không khí bên trong bể nước ngầm hoặc sâu bên dưới giếng nước có thể có mùi khó chịu (nhiều H2S, SO2,NH3) hoặc đôi khi chỉ là mùi nhẹ và thậm chí là còn khó phát hiện được.
“Hầu hết các trường hợp tử vong khi đang làm việc dưới giếng nước hoặc bể ngầm chứa nước đều do bị ngạt khí, bởi sự hiện diện ở nồng độ cao các thán khí kể trên đã chiếm hết oxy cần thiết cho việc hô hấp” – TS Giang cho hay.
Lưu ý khi thau rửa bể ngầm
Theo TS Giang, những thán khí bên trong bể ngầm chứa nước có thể dễ dàng loại bỏ bằng cách mở rộng nắp bể, tạo khoảng hở cho khí này tự bay ra. “Trước khi xuống bể nước ngầm thau rửa, người dân nên mở rộng nắp bể nước và chờ ít nhất 30 phút” – TS Giang khuyến cáo.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng lưu ý, khi làm việc trong các môi trường tiềm tàng khí độc như bể chứa nước hay giếng, không nên làm một mình, ít nhất cần có người đứng bên ngoài giám sát phòng trường hợp xấu xảy ra. Nên trang bị khẩu trang có lớp lọc than hoạt tính khi xuống bể nước thau rửa, trong trường hợp làm việc dưới giếng sâu, tốt nhất cần trang bị mặt nạ chuyên dụng.
Trong quá trình làm việc nếu ngửi thấy mùi khó chịu hoặc cảm thấy khó thở, tức ngực, mệt mỏi hay có dấu hiệu bất thường, cần phải báo cho người làm cùng, người giám sát, đồng thời thoát ra bên ngoài ngay.
Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyên, để phòng tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc khi muốn thau bể nước, nhất là khi một phần dân cư của Hà Nội đang có nhu cầu làm sạch bể chứa sau vụ việc nước sinh hoạt nhiễm bẩn vừa qua, điều quan trọng nhất là các gia đình cần nhận diện rõ bể nước chính là nơi chứa nhiều khí độc. Do vậy, trước khi tiến hành thau bể cần mở tung cửa, thổi quạt, phun dưỡng khí (oxy) vào hầm, bể, thổi quạt, để không khí loãng, thoáng. Tiếp đến, khi có người xuống cống, bể nước, hầm... làm việc phải có người ở trên quan sát người ở dưới, có thiết bị cảnh báo kết nối ví như dây thừng buộc vào người, để xử trí kịp thời.
"Trong tình huống xấu, người bên ngoài chỉ vào cứu khi được trang bị đủ thiết bị bảo hộ. Nếu nạn nhân may mắn đưa được ra ngoài, thường là trong tình cảnh yếu - ngừng thở, thì cần hỗ trợ hô hấp, cấp cứu ngừng tim, bằng cách ép tim, khai thông đường hở, móc đờm dãi trong họng, rồi gọi cấp cứu đến. Không nên bế đưa ngay đi bệnh viện, bởi chỉ cần vài phút thiếu oxy là nạn nhân chết não, mất cơ hội sống"- bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần