Thay đổi căn bản từ “Năm kỷ cương hành chính”

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại một năm thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017", có thể thấy kết quả nổi bật chính là tư duy, thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) đã thay đổi căn bản.

Tinh thần chung từ TP đến cấp xã là “lấy sự hài lòng của người dân, DN làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”.
Chuyển biến từ ý thức đến hành động

Chủ động xây dựng kế hoạch, quán triệt tới mọi CBCCVC, NLĐ, nhiều đơn vị còn tổ chức đăng ký thi đua, ký cam kết thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” theo bộ phận trực thuộc, cam kết với từng cá nhân. Các sở, quận, huyện... cũng triển khai thực hiện “Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan thuộc TP” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP” bằng nhiều hình thức, gắn với thanh, kiểm tra công vụ...

Công chức UBND phường Đội Cấn (quận ba Đình) hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính.

Điển hình tại quận Cầu Giấy, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Việt Hà cho biết, 100% phòng, ban, UBND phường đã ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ theo nguyên tắc “3 theo” (điều hành theo quy chế, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, giải quyết công việc theo quy trình) và “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả). Thực hiện xây dựng quy trình giải quyết nội bộ để xác định rõ trách nhiệm từng phòng, bộ phận, từng CBCCVC, đến nay mỗi đơn vị tại quận Hai Bà Trưng đã xây dựng một quy trình thí điểm, sau khi rút kinh nghiệm, sẽ triển khai với mọi quy trình giải quyết công việc nội bộ còn lại.

Cùng với siết kỷ luật nội bộ, các cơ quan từ cấp huyện đến xã có giao dịch với công dân đều ban hành quy trình giải quyết TTHC theo “một cửa”, “một cửa liên thông”; gửi “Thư xin lỗi” nếu quá hẹn trả kết quả... Bên cạnh đó, một kết quả không thể không nhắc tới trong “Năm kỷ cương hành chính 2017” là Hà Nội đã thực hiện tốt sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ phận, đầu mối trực thuộc từ TP đến cấp xã, đảm bảo “một đầu mối - một việc xuyên suốt”. “Đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy lớn nhất từ trước đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên triển khai quyết liệt và thành công, được T.Ư, dư luận đánh giá rất cao”- Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng khẳng định.

Xử lý nghiêm vi phạm

Đã có chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ CBCCVC, song nhìn lại, một số nơi chưa thực hiện tốt kế hoạch của TP về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cũng còn đâu đó, CBCC, NLĐ giải quyết công việc cho công dân chưa tròn trách nhiệm, vi phạm kỷ luật công vụ, ứng xử thiếu chuẩn mực, như những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây bức xúc dư luận. Trước những vi phạm kỷ cương của một số CBCCVC, NLĐ, các cấp chính quyền TP đã kịp thời xử lý nghiêm, có tính răn đe. Đơn cử, ngay sau việc một số CBCC, NLĐ phường Văn Miếu ứng xử không phù hợp với người dân; để lao động hợp đồng (LĐHĐ) tiếp nhận giải quyết TTHC, Chủ tịch UBND quận Đống Đa đã nghiêm khắc rút kinh nghiệm từ quận đến 21 phường, kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo UBND phường Văn Miếu, chấm dứt hợp đồng với nhân viên LĐHĐ vi phạm. Quận cũng ra ngay một văn bản siết lại việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”, trong đó, yêu cầu những CBCC phải thường tiếp xúc, giải quyết TTHC cho người dân thay đổi ngay lề lối làm việc, văn hóa ứng xử...

Hay tại Long Biên, Chủ tịch UBND quận Vũ Thu Hà khi đối thoại với người dân mới đây cũng nghiêm túc thừa nhận, trong “Năm kỷ cương hành chính 2017”, việc giảm số lượng cuộc họp vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, “năm 2018, UBND quận sẽ thực hiện nghiêm giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu: Lãnh đạo phải có quan điểm rõ ràng khi chỉ đạo giải quyết công việc, chịu trách nhiệm quyết định của mình, tránh họp nhiều”- bà Hà khẳng định.

Theo Ban Cán sự Đảng UBND TP, để duy trì, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, năm 2018, TP sẽ tiếp tục chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong, kỹ năng ứng xử của CBCCVC, nhất là Trưởng, Phó phòng; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; Công chức thường xuyên giải quyết công việc cho người dân, DN. Tăng kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý trách nhiệm CBCCVC vi phạm.
Năm 2017, nét riêng tại Gia Lâm là sau khi kiểm tra đơn vị nào đều thông báo cụ thể để những nơi chưa được kiểm tra nhìn vào rút kinh nghiệm. Những đơn vị được thông báo chính là đã 1 lần được kiểm tra, để lần sau nếu được kiểm tra mà vẫn mắc lỗi đó, coi như tái phạm và những lần tái phạm sau sẽ bị xử lý nặng hơn.
Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết
Rút kinh nghiệm sự việc tại phường Văn Miếu, quận đã quán triệt: Mỗi khi tổ chức họp tại quận mà phải triệu tập CBCC các phường, cần cân đối để phường đảm bảo có công chức đúng chuyên môn trực bộ phận một cửa. Tuy nhiên, khó nhất với các phường vẫn là bố trí công chức chuyên môn, vì hầu hết đều thiếu, kể cả phường loại I cũng chỉ được định biên 14 công chức, trong khi có những phường mới có 9 công chức, lại phải chia ra 6 chức danh chuyên môn.
Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Đống Đa Vũ Trà Vinh