Thay đổi để bước tới nền kinh tế 4.0

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6/2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký yêu cầu các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện văn bản liên quan đến cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện đầu tư kinh doanh để các cấp có thẩm quyền ký ban hành trước ngày 15/8, sớm hơn hạn cũ là ngày 30/10/2018.

Thủ tướng nhấn mạnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu. Đồng thời chỉ đạo “kiên quyết không làm phát sinh những điều kiện kinh doanh mới trong thể chế chính sách, pháp luật mới ban hành”.

Tuy nhiên, nhiều Bộ vẫn chậm cải cách thủ tục kinh doanh. Mới đây, tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ khác vẫn trong quá trình xây dựng. Mới có khoảng 6% mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành trong khi yêu cầu đưa ra là 50%, vẫn chưa có động thái tích cực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. DN vẫn than phiền về sự chậm trễ trong cải cách, giải quyết thủ tục của các bộ, ngành, địa phương. Báo cáo FDI thế hệ mới, môi trường kinh doanh ở Việt Nam được đánh giá chỉ ở mức 2.0.

Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 tổ chức trong hai ngày 12 - 13/7, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã thảo luận nhiều tới nền kinh tế số hóa, song trước khi với tới những mục tiêu vĩ đại, cách mạng 4.0... quan trọng vẫn là tư duy con người. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo nhiều cơ hội để cơ quan quản lý dũng cảm từ bỏ thói quen cũ, tư duy cũ, rũ bỏ những ách tắc, trì trệ trong quản lý để thay đổi, thích ứng và chủ động nắm bắt thời cơ mới.