Thay đổi phương thức quản lý cư trú: Nên có quy định chuyển tiếp phù hợp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần một số quy định chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời, tránh làm phát sinh thêm thủ tục cho người dân sau khi các quy định đổi mới phương thức quản lý cư trú có hiệu lực. Đó là vấn đề được các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý khi tiếp tục thẩm tra nhiều nội dung quan trọng của Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Công an phường Thành Công nắm tình hình an ninh, nhân khẩu trên địa bàn. Ảnh: Hải Linh
Đề xuất cho phép duy trì giá trị sổ hộ khẩu giấy đến 31/12/2022
Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã qua nhiều vòng cho ý kiến hoàn thiện, tại cuộc họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa diễn ra, các ý kiến thống nhất tinh thần đổi mới của Dự Luật, đó là đổi mới phương thức quản lý cư trú. Việc không tiếp tục duy trì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nhưng không có nghĩa là không quản lý cư trú mà đây là đổi mới từ phương thức thủ công sang quản lý theo phương thức ứng dụng khoa học công nghệ, thông qua số định danh cá nhân.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục duy trì giá trị của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự đến hết ngày 31/12/2022. Bởi trong giai đoạn đầu, khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú với các bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, thì khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, để có sự chuyển tiếp phù hợp, để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan Nhà nước liên quan, không gây khó khăn cho người dân, Chính phủ nên thống kê rõ sau khi luật thông qua, có bao nhiêu thủ tục cần giữ lại sổ hộ khẩu, trong số đó bao nhiêu thủ tục thuộc ngành công an, bao nhiêu thủ tục thuộc ngành khác, các ngành đó cam kết phối hợp ra sao. Trên cơ sở có tính toán về định lượng thì mới có căn cứ để xác định vấn đề chuyển tiếp một cách phù hợp. 
Điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở thuê, mượn
Liên quan đến quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc cho biết, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người thuê, mượn, ở nhờ, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn, giúp giảm áp lực cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, cần giao HĐND tỉnh, TP quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu trong trường hợp đăng ký thường trú này. Mức diện tích nhà ở tối thiểu này được giới hạn không thấp hơn 8m2 sàn/người. Có ý kiến đề nghị lựa chọn tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định, thể hiện sự gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký.
Một số ý kiến cho rằng, nếu quy định về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu với đối tượng này sẽ tạo ra sự không bình đẳng, bởi người đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc sở hữu của cá nhân sẽ không chịu ràng buộc này. Giải trình về nội dung này, đại diện Bộ Công an cho biết, quy định điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu trong đăng ký thường trú nhằm bảo đảm điều kiện sống của con người, không làm hạn chế quyền tự do cư trú của họ. Quy định này cũng nhằm tránh xảy ra tình trạng chủ hộ lợi dụng cho quá nhiều người đăng ký để trục lợi, thực tế đã nhận được thông tin có căn hộ cho thuê đăng ký thường trú không đủ 1m2 sàn/người.
Các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhất trí xóa bỏ các điều kiện riêng về đăng ký thường trú đối với các TP trực thuộc T.Ư. Bởi lẽ, việc đặt ra các điều kiện riêng như luật hiện hành sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận đang sinh sống, làm việc tại các TP lớn. Trong khi đó, các điều kiện riêng này trong thời gian qua cũng không hạn chế được người dân đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát Dự Luật để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân.
Khi hoàn thiện toàn bộ những vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, người dân đã quen với việc không tiếp tục có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì lúc đó mới bỏ, khi đó những giấy tờ đó mới hết giá trị. Như vậy bảo đảm tính khả thi và bảo đảm quá trình chuyển đổi, không dẫn tới những xáo trộn quá lớn trong cuộc sống của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần