Thay đổi thái độ với Trung Quốc: Tổng thống Trump đã... hết bài?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách tiếp cận một loạt vấn đề quốc tế quan trọng của ông Trump đã trở nên mềm mỏng. Trong đó, đáng kể nhất là chính sách ngoại giao với Trung Quốc.

Tuần trước, ông Trump đã gửi một lá thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vừa cảm ơn ông Tập chúc mừng nhân dịp ông nhậm chức vừa bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ có lợi song phương. Đây được coi là động thái "phá băng" đầu tiên trong quan hệ 2 nước, sau một loạt các phát ngôn cứng rắn của tân Tổng thống Mỹ về các cạnh tranh thương mại với Trung Quốc. Bất ngờ hơn nữa, vừa qua, ông Trump cũng tuyên bố tôn trọng chính sách Một Trung Quốc, điều mà trước đây, chính ông đã có những phát ngôn trái ngược.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "dịu giọng" về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.
Trong quá trình tranh cử, đắc cử và chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã có nhiều tuyên bố gây “shock” với thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Trong đó có chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc là “không công bằng” và xem xét tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên, trong một tuần gần đây, lãnh đạo Mỹ lại tỏ ra dịu giọng. Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã phát biểu, ưu tiên các biện pháp ngoại giao trong vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông. Về phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngại giao Vương Nghị tuyên bố, mối quan hệ Mỹ - Trung đã vượt qua "tất cả các khó khăn" trong nhiều thập kỷ và ủng hộ tuyên bố của ông James Mattis.
Động thái này khiến cộng đồng quốc tế khá bất ngờ bởi trước đó, ông Trump đã có những phát ngôn vô cùng cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Lý giải điều này, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng viện Chiến lược, Bộ Công an cho hay, ông Trump trở thành Tổng thống khi chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị. Do vậy, vẫn còn mắc nhiều sơ hở trong phát ngôn, cả trong chính sách đối ngoại và đối nội. 
Bên cạnh đó, về cơ bản, Tổng thống Trump không có nhiều lựa chọn trong chính sách đối ngoại với Bắc Kinh, Thiếu tướng Cương nhận định. Nếu như cách đây khoảng 25 năm, khi tương quan giữa Washington và Bắc Kinh còn là một khoảng cách dài, ông Trump sẽ có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, tiềm lực Mỹ đã suy yếu sau khi sa lầy tại cuộc chiến ở Afghanistan và Pakistan và đã qua thời hoàng kim trong khi Trung Quốc đã trỗi dậy như một siêu cường trên thế giới.
Vì vậy, các lựa chọn chính sách của ông Trump đối với Bắc Kinh là rất hạn chế. “Những người tiền nhiệm đã để lại cho ông một nước Mỹ sa sút. Do vậy, ông Trump bắt buộc phải đối thoại với Bắc Kinh”.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng cho rằng, trong tương lai, chính sách ngoại giao của Washington với Bắc Kinh sẽ vừa cạnh tranh, vừa dè dặt nhưng vẫn sẽ giữ quan hệ trong khuôn khổ kiểm soát được.
Nhận định về thông tin giới chức quân sự Mỹ sẽ điều tàu tuần dương tên lửa và các tàu khu trục đến gần một số đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, Thiếu tướng Cương cho rằng, dưới chính sách đối ngoại với Bắc Kinh như ông Trump đã thể hiện, động thái này cũng sẽ không vượt quá giới hạn được đặt ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Obama.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần