Thay đổi thói quen tiêu dùng thịt lợn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, tuy nhiên mọi nỗ lực vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chính là thiếu hụt nguồn cung, bên cạnh đó là thói quen sử dụng thịt lợn của người Việt trong bữa ăn hàng ngày.

Người tiêu dùng lựa chọn mua thịt lợn tại chợ Hà Đông. Ảnh: Phương Nga
Thịt lợn chiếm 70% cơ cấu giỏ thực phẩm
Thịt lợn hiện đang là thực phẩm chiếm tỷ lệ áp đảo trong giỏ tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, thịt lợn chiếm tới 65 – 70% trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình, trong khi thịt gia cầm chỉ chiếm từ 15 – 20%, số còn lại là thịt bò và thủy hải sản.
Người dân và thị trường cần chia sẻ, thay đổi thói quen tiêu dùng thịt lợn sang các thực phẩm thay thế khác như cá, thủy sản, trứng… Có như vậy, vừa bảo đảm được chỉ số CPI vừa góp phần phát triển bền vững khu vực chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản. Đây cũng là xu thế phát triển chung của ngành chăn nuôi trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Chị Thái Thị Thu ở phường Văn Phú, quận Hà Đông chia sẻ: “Mặc dù giá cả đắt đỏ nhưng hầu như bữa ăn nào gia đình tôi cũng phải có thịt lợn. Vừa qua giá gia cầm rẻ, tôi cũng chủ động đổi bữa nhưng do không hợp khẩu vị nên không ăn hàng ngày được”. Cùng quan điểm này, chị Nguyễn Ngọc Linh ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân bày tỏ: “Thịt lợn là món ăn quen thuộc hàng ngày của gia đình tôi, để cắt hẳn món này không phải chuyện dễ. Từ ngày thịt lợn tăng giá, tôi cũng giảm lượng mua hàng ngày”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thói quen sử dụng nhiều thịt lợn hàng ngày của người tiêu dùng đang tạo nên sức ép trong việc bình ổn giá thịt lợn. Thời điểm này, mặc dù 99% số xã, phường qua 30 ngày không phát sinh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương đẩy mạnh công tác tái đàn, đáp ứng 80% tổng đàn so với trước khi có dịch, tuy nhiên tổng lượng vẫn đang thiếu. 
Quản nguồn nhập, mở rộng khâu phân phối
Để bình ổn giá thịt lợn, ngoài đẩy mạnh tái đàn, giải pháp tăng cường nhập khẩu thịt lợn cũng được thực hiện trong thời gian vừa qua. Hiện có khoảng hơn 100 DN nhập thịt lợn để bổ sung nguồn thịt trong nước đang thiếu. Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng thịt tươi (thịt "nóng") của người Việt nên các DN vẫn còn dè dặt trong việc nhập hàng.
Chia sẻ về vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phân tích, người dân Việt Nam vẫn giữ thói quen dùng thịt lợn "nóng", phần đông người tiêu dùng không thích sử dụng thịt nhập khẩu đông lạnh. Do đó, các DN đều dè dặt trong việc nhập khẩu thịt lợn. Tổng lượng thịt nhập khẩu từ đầu năm tới hết tháng 4 chỉ đạt 45.000 tấn, trong khi chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm là 100.000 tấn.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại việc điều phối và quản lý thị trường. Hiện nay, thịt lợn nhập khẩu đã xuất hiện tại một số cửa hàng, siêu thị với giá thấp hơn ở chợ từ 20 – 40%. Đơn cử, thịt thăn nhập từ Canada tại hệ thống siêu thị BigC có giá 161.000 đồng/kg; sườn lợn Italia có giá 143.000 đồng/kg; ba chỉ nhập từ Nga có giá 142.000 đồng/kg. Song, lượng thịt lợn nhập khẩu trong siêu thị không đáng kể. Trong khi đó, trên các diễn đàn Zalo, Facebook, chợ online, các loại thịt lợn nhập khẩu đang được rao bán tràn lan với giá rẻ hơn tại các siêu thị. Tuy nhiên, khi được hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, những người bán hàng online này không có.
Điều này đã tăng thêm rào cản, khiến người tiêu dùng Việt e dè trong việc lựa chọn thịt lợn nhập khẩu. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần kiểm soát tốt việc phân phối sản phẩm nhập khẩu, tăng cường phân phối sản phẩm ở các địa chỉ uy tín, tạo thêm niềm tin với người tiêu dùng Việt.