Thấy gì khi FED hạ lãi suất khẩn cấp?

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa hạ lãi suất cơ bản từ 1,5 - 1,75% xuống còn 1 - 1,25%.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc hạ lãi suất cơ bản lần này của FED sẽ tác động tới nhiều nền kinh tế từ tăng trưởng, đến chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán...
Bất ngờ về thời điểm FED hạ lãi suất
Nguyên nhân việc cắt giảm lãi suất cơ bản của FED được các chuyên gia nêu ra đó là chỉ số chứng khoán Mỹ đã rời khỏi đỉnh đã đạt được trong vài tuần trước, có loại còn giảm khá sâu, kéo chỉ số chứng khoán nhiều nước giảm theo. Thống kê cho thấy, mức vốn hóa giảm hàng nghìn tỷ đô la.
 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa hạ lãi suất cơ bản xuống sẽ khiến tỷ giá giữa VNĐ-USD biến động đáng kể. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó, lý do FED giảm lãi suất còn do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và so với dự báo trước đây (xuống dưới 3% so với trên 3%).
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được dự báo chỉ còn trên dưới 4% so với 5,6% của năm trước. Tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng. Lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước sẽ gia tăng…
Nhiều chuyên gia khá bất ngờ về thời điểm hạ lãi suất cơ bản của FED. Bởi trước đó, khi FED đưa lãi suất về 1,5 - 1,75%, nhiều người đã dự đoán lạc quan việc giảm sẽ dừng ở mức này và có thể tăng trở lại do Mỹ vẫn có nền kinh tế tăng trưởng tốt, tỷ lệ lạm phát còn thấp hơn định hướng (2%/năm), tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm…
Đến đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn ra ở Trung Quốc, tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia vẫn dự đoán việc hạ lãi suất của FED sẽ diễn ra vào tháng 6. Hoặc xấu nhất, việc cắt giảm này sẽ diễn ra vào ngày 18/3 - ngày FED họp về chính sách…
Bên cạnh đó, mức cắt giảm lần này khá lớn so với các lần trước (50 điểm so với 25 điểm). Tuy mức cắt giảm khá lớn, nhưng mức lãi suất cơ bản của Mỹ vẫn còn khá cao so với mức lãi suất gần bằng 0 của Nhật Bản, EU, Australia…
Nhiều dự đoán còn bi quan cho rằng, lãi suất cơ bản của Mỹ có thể còn giảm xuống mức thấp nữa trong thời gian tới; nếu giảm thêm 2 lần nữa có thể chỉ còn 0,5-0,75% trong năm 2020.
Tác động tới nhiều nền kinh tế
Việc FED cắt giảm lãi suất cơ bản ngay lập tức tác động lớn tới nhiều nền kinh tế. Trước hết đối với nước Mỹ, việc cắt giảm lãi suất sẽ góp phần ngăn chặn sự sụt giảm đà tăng trưởng kinh tế cũng như sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán và vốn hóa trên thị trường; ngoài ra còn tác động giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần hạn chế tác động của dịch Covid-19 tại Mỹ. Tuy nhiên, cắt giảm lãi suất là một trong những nội dung của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, cùng với các gói kích thích kinh tế có thể được đưa ra... sẽ làm cho lạm phát ở Mỹ tăng lên, thậm chí có thể vượt qua mức định hướng cả năm (2%), kéo CPI của Mỹ tăng lên.
Đối với thế giới, việc cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD sẽ làm cho giá hàng hóa, dịch vụ trên thế giới tính bằng USD cao lên, kéo giá nhập khẩu hàng hóa tính bằng nội tệ của các nước tăng (vừa tăng do giá tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá nội tệ/USD tăng), dẫn đến lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn tăng. Việc hạ lãi suất của FED sẽ làm chỉ số chứng khoán và vốn hóa thị trường chứng khoán nhiều nước bị sụt giảm.
Kéo theo tăng trưởng kinh tế của nhiều nước được dự báo bị sụt giảm, cộng hưởng với tác động của dịch Covid-19. Khi giá hàng hóa tăng, giá chứng khoán giảm, bất động sản không tăng,… thì giá vàng sẽ tăng.
Đối với Việt Nam, khi FED hạ lãi suất sẽ tác động chủ yếu trên một số mặt, rõ nhất là tỷ giá VND/USD. Trong điều kiện nhiều đồng tiền bị giảm giá so với USD và bản thân đồng tiền so sánh giảm giá, đồng VND sẽ bị mất giá. Mức mất giá của VND so với USD có thể sẽ vượt quá mốc định hướng là 2% và cao nhất so với 3 năm trước đó (2017 tăng 1,4%, 2018 tăng 1,29%, 2020 tăng 0,99%), thậm chí có thể còn cao hơn tốc độ tăng 2,23% của năm 2016. Tỷ giá VND/USD sẽ tác động đến lạm phát, dự trữ ngoại hối…
Tỷ giá tăng làm cho lạm phát tăng xét về 2 mặt: Một mặt do giá nhập khẩu tính bằng VND tăng kép; mặt khác là yếu tố tâm lý tác động cộng hưởng. Cùng với đó sẽ làm cho tốc độ tăng của giá vàng trong nước cao hơn tốc độ tăng của giá vàng thế giới và vượt qua đỉnh cũ (49 triệu đồng/lượng), thậm chí còn được dự đoán ở mức 50 - 55 triệu đồng/lượng.
Do đó, tâm lý găm giữ ngoại tệ, găm giữ vàng đã được kiềm chế trong mấy năm qua sẽ có điều kiện gia tăng trở lại. Ngoài ra, tỷ giá VND/USD tăng sẽ làm cho dự trữ ngoại hối liên tục tăng trong mấy năm qua sẽ không tăng trong năm 2020, thậm chí còn bị giảm.

Giá vàng thế giới tính đến nay đã ở mức 1.640 USD/ounce, tăng gần 25% so với cuối năm 2019; đang được dự báo sẽ vượt qua mốc 1.700 USD/ounce và sẽ vượt đỉnh cũ 1.900 USD/ounce, thậm chí còn vượt qua mốc 2.000 USD/ounce.