8 ca dương tính trong một quán bar
Sau khi bay về Việt Nam vào ngày 8/3, đến tối 14/3 người đàn ông quốc tịch Anh (43 tuổi, trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh, làm phi công cho hãng hàng không Vietnam Airlines) vào Buddha bar ở số 7 đường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh) để ăn chơi. Đến ngày 17/3, người này sốt, ho. Ngày hôm sau, phi công này đi khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và nhập viện trong tình trạng tổn thương nhu mô phổi phải. Qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 20/3. Viên phi công này được xác định là bệnh nhân số 91.
Từ bệnh nhân 91, những người đã tới ăn nhậu tại Buddha bar, đặc biệt là những người bạn của bệnh nhân này mới giật mình đi khám và có thêm 7 người được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có một người Việt Nam là phục vụ của quán
. Điều đáng buồn và đáng lo là những người bị lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân 91 (các số 97, 98, 120, 124, 125, 126 và 127) hầu như nhớ không rõ trong quãng thời gian từ tối 14/3 đến khi có kết quả dương tính, họ đã tiếp xúc với ai, ở đâu? Đặc biệt nam bệnh nhân số 124 (52 tuổi, quốc tịch Brazil, trú tại quận 2), mỗi ngày di chuyển đến 2 chi nhánh của Công ty TNHH giày Gia Định (TP Hồ Chí Minh về Đồng Nai) để làm việc và đến nhiều quán cà phê, quán ăn, trung tâm thương mại ở 2 địa phương này nhưng không đeo khẩu trang!
Ngay sau khi xét nghiệm có 8 người dương tính với Covid-19, từng đến Buddha bar, lập tức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh điều tra và xác định 126 người có mặt ở quán bar này vào ngày 14/3, đưa vào các khu cách ly tập trung để phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ chiều 24/3 UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn để gửi đến các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện với yêu cầu tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn TP lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, cắt tóc; các tổ chức tôn giáo, tu hành tại gia… và không tiến hành các nghi lễ tập trung đông người đến hết ngày 31/3. Đến ngày 25/3, rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: TP Hà Nội, Hải Phòng, Bình Phước…, cũng áp dụng biện pháp này để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Phạt tù nếu biết có bệnh truyền nhiễm nhưng cố tình lây bệnhĐiều mà người dân quan tâm là nếu các quán bar, dịch vụ đông người không chấp hành hoặc cố tình lén lút hoạt động thì xử lý như thế nào? Luật sư Trần Thị Ánh - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
Cũng theo luật sư Trần Thị Ánh, nếu người đã mắc bệnh truyền nhiễm, biết mình bị bệnh nhưng vẫn cố tình đến những nơi tập trung đông người nhằm để lây bệnh, có thể bị xử lý hình sự theo điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, bị phạt từ 50 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm; nếu cố tình làm lây nhiễm làm chết người, khiến Chủ tịch UBND cấp tỉnh/thành hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch thì phạt tù từ 5 - 10 năm.
“Nếu người cố tình lây nhiễm bệnh truyền nhiễm làm chết 2 người trở lên, dẫn đến việc công bố dịch thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ, thì bị phạt tù từ 10 - 12 năm và bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng” - luật sư Ánh cho biết.