Kiến nghị của Bộ GTVT nằm trong văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai dự án thu phí tự động không dừng mới được Bộ GTVT gửi đi. Theo đó, Bộ này xin Chính phủ gia hạn tiến độ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 và các trạm của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đến năm 2020.
Xin gia hạn ngay trước “giờ G”
Theo Bộ GTVT, dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Đến nay, đã lắp đặt vận hành 25 trong số 26 trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác.
Tuy nhiên, 5 tuyến đường cao tốc do VEC quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại 15 làn thu phí, dự kiến vận hành trong năm 2019. Còn 4 tuyến khác chưa thể triển khai, do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư hệ thống thu phí tự động khi hiệp định vay vốn các dự án đã hết thời hạn. Bộ GTVT nhận định sẽ không thể hoàn thành thu phí tự động trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng đối với 4 tuyến cao tốc này.
Đối với giai đoạn 2 của dự án, Bộ GTVT cho hay sẽ thực hiện ở 33 trạm thu phí gồm 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 23 trạm trạm trên các tuyến cao tốc, các quốc lộ khác. Hiện đã chọn được nhà đầu tư liên danh Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Vietinf, Công ty CP thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương, Công ty CP công nghệ Tiên Phong (VietinF). Công tác lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện qua công tác đầu thầu và thực hiện giai đoạn 2 dự án từ tháng 5/2019.
Tuy nhiên, Bộ GTVT bất ngờ đề nghị Thủ tướng hạn thực hiện thu phí không dừng tại các trạm thu phí giai đoạn 2 và các trạm thu phí tại giai đoạn 1 thuộc các tuyến cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020. Lí do được Bộ GTVT đưa ra là hiện nhà đầu tư chưa hoàn thiện thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định. Do vậy, dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ GTVT lập luận rằng, việc chậm thành lập doanh nghiệp dự án không phải lỗi của nhà đầu tư BOT, nên Bộ GTVT không đủ cơ sở dừng thu phí các trạm thuộc giai đoạn 2 không kịp triển khai thu phí không dừng trước ngày 31/12/2019 như chỉ đạo của Thủ tướng trong công điện ngày 15/7/2019. Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí do VEC quản lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Đòi trả dự án bì bị thất hứa?
Không những gặp vướng mắc trên, Bộ GTVT cho biết thêm tại 4 tuyến cao tốc của VEC còn tồn tại một số vướng mắc khiến nhà đầu tư dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 là Công ty TNHH thu phí tự động VETC đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc Nhà nước nhận lại dự án. Bộ GTVT khẳng định không đồng ý cho nhà đầu tư này rút lui theo đề xuất mà sẽ cùng với họ phối hợp, đàm phán để tháo gỡ khó khăn.
"Nguyên nhân do nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị thu phí không dừng tại các trạm thu phí do hiệp định vay vốn các dự án đã hết. Việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng" - Bộ GTVT phân tích.
Bộ GTVT khẳng định các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã được lắp đặt, vận hành thu phí không dừng, bước đầu tạo sự thuận lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là doanh thu hoàn vốn cho dự án thu phí không dừng không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm cũng như việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án thu phí tự động không dừng. Đây cũng là nguyên nhân VETC đã đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông cho rằng, việc VETC đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc Nhà nước nhận lại dự án thu phí không dừng không phải chỉ bắt nguồn từ việc doanh thu giảm ảnh hưởng đến phương án tài chính hay những lí do mà Bộ GTVT đưa ra, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do cách làm của Bộ GTVT.
“Rõ ràng Bộ GTVT đã có lời hứa với họ trước khi triển khai dự án nhưng sau đó lời hứa đã không được đảm bảo” – TS Nguyễn Hữu Đức nói. Theo phân tích của chuyên gia giao thông này, vướng mắc đang tồn tại ở dự án thu phí không dừng hiện nay xuất phát từ Bộ GTVT và cũng chỉ cơ quan này mới giải quyết được. Đó là bài toán làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư thiết bị thu phí không dừng.
Có thể thấy, tranh cãi giữa các bên xảy ra trong thời gian qua đều xuất phát từ câu chuyện lợi ích. Ban đầu nhà đầu tư BOT phản ứng vì cho rằng phần trăm trích lại cho VETC là quá cao cùng với nhiều ưu đãi khác mà Bộ GTVT dành cho đơn vị này. Sau đó đến lượt VETC đòi trả lại dự án cũng không ngoài câu chuyện lợi ích. Việc nhà đầu tư BOT hay nhà đầu tư lắp đặt thu phí không dừng tuyên bố muốn trả lại dự án cho Nhà nước vốn là câu chuyện không phải hiếm.
Trước VETC cũng từng có nhà đầu tư BOT “dọa” sẽ trả lại dự án cho Nhà nước nếu quyền lợi của họ không được đảm bảo. “Bộ GTVT phải thật sáng suốt và công minh để đưa ra phương án tháo gỡ này. Tất nhiên đây sẽ là việc làm không hề đơn giản nhưng vẫn bắt buộc phải làm chứ không phải dọa phạt xe không dán thẻ đầu cuối đi vào làn thu phí không dừng nhằm ép buộc chủ xe dán thẻ như vừa qua” – TS Nguyễn Hữu Đức nhận định.