Thấy gì khi dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng: Cốt yếu nằm ở ý thức!

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đừng để phải nhìn lại những gì đau buồn như nhiều quốc gia khác trên thế giới đã phải “trả giá”, một cái giá quá đắt vì ý thức, trách nhiệm trước dịch Covid-19. Chúng ta đã làm được kỳ tích để cả thế giới phải ghi nhận, đơn giản vì chúng ta từng ý thức về sức khỏe, gia đình sự quý giá của bình an.

 Nếu chúng ta thiếu ý thức về phòng dịch chúng ta sẽ phải trả giá đắt, sống trong lo lắng, bệnh tật và đối diện với rủi ro.

Những hậu quả khủng khiếp  

Gần đây cả thế giới phải sững sờ trước những thiệt hại mà Ấn Độ đang phải đối diện với dịch bệnh Covid-19. Làn sóng đợt một vừa quét qua, mới đây thêm một lần nữa người dân đất nước này lại rơi vào làn sóng bùng phát dịch dữ dội lần thứ 2 khủng khiếp. Và khủng khiếp tới mức đại bộ phận người dân nước này rơi vào tuyệt vọng, với những khả năng chống chọi cực kỳ yếu ớt trước sự tàn sát kinh hoàng do Covid-19 gây ra.

Ngày 5/5, Ấn Độ đã báo cáo kỷ lục 3.780 trường hợp tử vong. Trong những tuần gần đây, cảnh tượng người tử vong la liệt bên ngoài các lò hỏa táng, người bệnh hấp hối ở khắp nơi và bệnh viện từ chối bệnh nhân vì quá tải đã vẽ nên bức tranh về một quốc gia ngập trong khủng hoảng.

Bên cạnh Ấn Độ, người bạn láng giềng Nepal được giới chuyên gia nhận định, có thể sẽ tái diễn ổ dịch lớn như Ấn Độ. Báo cáo mới nhất của Nepal cho thấy, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày tại nước này đạt kỷ lục 9.070 ca. Quốc gia này có tỷ lệ dương tính trung bình ở mức 47% - mức cao đáng báo động.

Đó là câu chuyện liệt kê về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới mà tôi chỉ điểm sơ qua. Để nhấn mạnh thêm rằng quá khủng khiếp, quá kinh hoàng và chúng ta cần “thức tỉnh” ngay lập tức, để không phải rơi vào tình trạng như nhiều quốc gia trên thế giới và những hệ lụy khủng khiếp kéo theo.

Các bạn trẻ tại Hà Tĩnh tuyên truyền, phát khẩu trang... phòng chống dịch Covid-19.

Việt Nam ta thì sao? Chỉ sau mấy ngày lễ 30/4 và 1/5, bất chấp danh sách những ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng liên tục tăng. Thông tin từ bản tin 18 giờ ngày 7/5 của Bộ Y tế cho biết, ngày 7/5 Việt Nam đã ghi nhận thêm 46 ca mắc Covid-19, trong đó 6 ca nhập cảnh được cách ly ngay, 40 ca cộng đồng. Đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 3.152 bệnh nhân Covid-19. Một con số tăng nhanh khi các ca lây nhiễm trong do lây lan trong cộng đồng liên tục được các địa phương thông tin. Và nếu như việc truy vết, cách ly, dập dịch không làm tốt, chúng ta sẽ tiếp tục phải nhìn những con số đó “nhảy múa” - điều mà chúng ta chẳng mong và nó khiến chúng ta sợ nhất ngay lúc này.

Tất cả chỉ gói gọn trong hai từ “ý thức”

Trở lại câu chuyện những ca nhiễm cộng đồng tại Việt Nam. Vâng! thật đáng buồn vì nó đã xảy ra và chỉ cách đây vài tuần chúng ta còn tự tin bước ra đường, làm việc, du lịch... thì hiện tại mọi thứ đã thay đổi. Nhiều địa phương đã phải phong tỏa, khoanh vùng, cách ly xã hội theo khu vực, thậm chí tỉnh Thái Bình đã phải thực hiện giãn cách xã hội trước những mối đe dọa, nguy cơ sự bùng phát từ những ổ dịch trong cộng đồng.

Vì sao xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng, tất cả có lẽ chỉ gói gọn trong hai từ “ý thức”. Dẫu biết bản thân mình đang phải tự cách ly, nhưng vẫn trốn cách ly, đi “khắp nơi, khắp chốn” để thỏa mãn nhu cầu ích kỷ của cá nhân. Và khi ta phát hiện ra bản thân mình nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng là lúc hàng trăm người khác rơi vào cảnh thấp thỏm, cách ly và chờ đợi trong hoang mang vì sợ lây nhiễm...

Đó là sự dối trá, thiếu trung thực trong khai báo về lịch trình dịch tễ. Đó là câu chuyện trường hợp một bệnh nhân tại tỉnh Hà Tĩnh, ngay sau khi lịch trình di chuyển của bệnh nhân được công bố, nhiều người ngã ngửa vì trong đó có sự gian dối. Đi hát karaoke, đi ăn đêm... tất cả lại bị giấu nhẹm khi có quan chức năng xác minh thông tin dịch tễ để truy vết các F1, F2...

 Nếu chúng ta thiếu ý thức, thì ít nhất có cả làng, cả xã phải cách ly, nguy cơ bùng dịch diện rộng, nguy cơ chồng rủi ro.

Đó là sự cố tình trốn cách ly, từ những nước láng giềng đang bùng phát dịch, nhập cảnh về nước thông qua những con tiểu ngạch nhằm lẩn trốn sự kiểm soát y tế. Vì sợ phải cách ly, sợ phải chịu đựng chỉ 21 - 28 ngày. Trong khi đó nó lại có thể cứu được chính bản thân, gia đình và xã hội nếu như bạn trung thực.

Đó là trường hợp hơn 50F1 và hơn 700F2 đang đối diện với lo lắng thường nhật sau đêm 6/5 vừa qua tại Nghệ An. Khi ca nhiễm từ ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được công bố tại xã Quỳnh Lập. Người dân mới tá hóa bởi bệnh nhân cũng đã đi và tiếp xúc rất nhiều.

Tất cả chỉ là ý thức, chúng ta ý thức được sự nguy hiểm của dịch Covid-19, chúng ta ý thức được sức khỏe của bản thân, của người thân bên cạnh và xa hơn là của làng xóm, cộng đồng. Khi đó chúng ta sẽ thận trọng hơn, sẽ hạn chế hơn. Bỏ bớt những việc tụ tập đông người ăn nhậu, lễ lạt ở nhà, hạn chế tiếp xúc khi không thật sự cần thiết... và chúng ta ý thức được sự nghiêm trọng, sự quan trọng trong việc khai rõ hành trình dịch tễ để cơ quan chức năng truy vết, dập dịch hiệu quả.

Chúng ta ý thức được và từ đó sẽ tự có trách nhiệm với hành vi của bản thân mình trước gia đình, cộng đồng và có như vậy, bản thân ta, người thân bên cạnh ta và Việt Nam ta mới bình an trước đại dịch khủng khiếp này. Mỗi gia đình, cá nhân là một pháo đài mà nếu chúng ta ý thức, trách nhiệm thì chẳng thể dịch bệnh nào đánh bại chúng ta. Chúng ta đừng để phải ân hận với những gì mình gây ra, mà hãy tự hào với những gì mình đã góp sức cho “cuộc chiến không khoan nhượng” với dịch Covid-19.