Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấy gì từ việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam “tố” bị “đẩy đến đường cùng”?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không giao trực tiếp kinh phí bảo trì về cho VNR đang khiến DN này bị đẩy “đến đường cùng” và đứng trước bờ vực phá sản.

 Công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đang gặp khó vì chậm được giao vốn (Ảnh: Lê Thanh).
Tăng thêm thủ tục hành chính và giấy phép con
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ liên quan việc xây dựng Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Trong văn bản này, VNR cho biết các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt khiến DN khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.
Cụ thể, theo VNR, hiện 3.143km đường sắt cả nước do cơ quan này quản lý và chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì nhưng các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia 2021 vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
VNR cho rằng, Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ tới thời điểm này vẫn tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản.
Trong đó, bất cập lớn nhất từ đề án này là khiến gia tăng cấp phép, phê duyệt đề án con (giấy phép con) khi đề xuất cơ chế giao dự toán kinh phí bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam.
Trong khi đó, Cục Đường sắt Việt Nam hiện chỉ có hơn 100 nhân lực, VNR cho rằng, nếu giao vốn về Cục Đường sắt rồi mới phân bổ về VNR sẽ làm chậm trễ, ách tắc công tác bảo trì.
Thậm chí, Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh còn thẳng thắn cho rằng, đề xuất giao thêm cấp trung gian là Cục Đường sắt Việt Nam sẽ phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, làm đình trệ hoạt động vận tải đường sắt, triệt tiêu vận tải đường sắt.
 Lãnh đạo VNR cho rằng, DN này đang bị ''đẩy đến đường cùng'' (Ảnh: Hòa Thắng).
Đứng trước bờ vực phá sản
Những bất cập trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngành đường sắt. VNR cho biết, theo dự toán hàng năm, phần vốn ngân sách dành cho bảo trì phân về đường sắt là 2.800 tỷ đồng, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa được giao xuống.
Chính vì thế, hiện nay, 20 công ty con của VNR làm nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện đang nợ lương công nhân nhiều tháng, cũng như chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì.
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh khẳng định: “Nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy DN đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021”.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho hay, từ 1/1 đến nay, 20 đơn vị bảo trì đường sắt trong cả nước đều không có nguồn thu do VNR chưa được Bộ GTVT giao vốn như các năm trước. 
Tính xa hơn một chút thì trong 2 năm nay, VNR bị giảm doanh thu do dịch Covid-19 nên không có tiền cho các đơn vị vay. Các đơn vị trong ngành đều phải tự vay tiền ngân hàng để chi trả lương công nhân.
Ông Phạm Sỹ Mạnh khẳng định: "Chúng tôi chưa có hợp đồng, chưa giao nhiệm vụ, dự toán cho các đơn vị bảo trì đường mà vẫn phải yêu cầu họ đi làm, đảm bảo an toàn đường sắt".
 Nhiều công nhân, người lao động ngành Đường sắt cố bám trụ lại vì tình yêu với nghề (Ảnh: Lê Anh).
Bộ GTVT cố tình “làm khó” VNR?
Theo VNR, đề xuất của Bộ GTVT tại Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là một trong những nguyên nhân khiến ngành đường sắt vốn đang khó khăn lại càng thêm khó.
Đây không phải lần đầu tiên VNR kêu cứu vì vướng mắc chậm được phân bổ vốn bảo trì. Trước đó, vào tháng 2/2020, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết chưa nhận được dự toán, khiến 11.315 người lao động không có tiền lương, dẫn đến nguy cơ phải dừng chạy tàu.
Nguyên nhân cũng do vướng mắc là cơ chế giao dự toán bảo trì. Bởi theo VNR thì thay vì giao thẳng cho cho DN này như trước đây, Bộ GTVT lại đặt hàng cho VNR thông qua Cục Đường sắt.
Một chi tiết đáng chú ý liên quan đến Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia của Bộ GTVT. Đó là khi cho ý kiến thẩm định về đề án này, Bộ Tư pháp cho rằng phương án Bộ GTVT giao dự toán cho VNR như trước đây không những không trái quy định mà còn giúp giảm các khâu trung gian không cần thiết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên nhân chính khiến VNR không được giao thẳng vốn bảo trì đường sắt như trước đây là do DN này đã chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT.
Trong khi đó, theo quy định, Bộ GTVT là cơ quan phụ trách tiếp nhận, giao vốn và thanh quyết toán vốn bảo trì đường sắt nhưng lại không được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
Được biết, Bộ GTVT đã kiến nghị xin ý kiến Chính phủ về việc giao vốn trực tiếp cho VNR hay qua Cục Đường sắt Việt Nam như đề xuất của Bộ. Phương án chính thức sẽ do Chính phủ quyết định.