Dạy học trên truyền hình không dễ!

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Vẫn còn lầm tưởng, cứ đứng lớp như nào, lên truyền hình như thế, nhưng không phải, đó là hai người thầy rất khác nhau”.

Là chia sẻ của thầy Nguyễn Quốc Hùng (Đại học Hà Nội, chuyên gia tư vấn Đề án ngoại ngữ Quốc gia năm 2020, người đã quen thuộc với chương trình dạy tiếng Anh trên phát thanh, truyền hình).
Thầy Hùng cho rằng, giáo viên đứng lớp và trên truyền hình là rất khác nhau. Ảnh: Kenh 14
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về chương trình dạy học trên truyền hình do Sở GD&ĐT TP Hà Nội kết hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sáng 9/3, thầy Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo thầy Hùng, chương trình dạy học trên truyền hình cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, để có được các thầy, cô giáo truyền hình là điều không dễ.
“Thời chúng tôi phải mất 2 năm để được đào tạo các kỹ năng giảng dạy trên trình hình. Khi đó, muốn giảng một bài thật tốt, phải chuẩn bị kịch bản kỹ lưỡng, kết hợp với các kỹ thuật, kỹ xảo truyền hình” - thầy Hùng cho biết.
Theo kinh nghiệm của thầy Hùng, để có được một bài giảng truyền hình chất lượng, giáo viên phải tìm mọi cách đơn giản hóa nội dung và cách truyền tải vì “chỉ được nói 1 lần”.
Với các lớp học trên truyền hình vừa qua, thầy Hùng cho rằng, do giáo viên mới làm quen nên chưa thể tránh khỏi những va vấp. Do đó, ngành giáo dục cần có các lớp đào tạo để lứa giáo viên này làm tốt nhiệm vụ của mình.
Phản hồi về buổi dạy tiếng Anh sáng 9/3, em Nguyễn Huy Hoàng (học lớp 9 ở quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết, cô giáo nói hơi nhanh và bài giảng còn ít các hình ảnh minh hoạ và nội dung bài tập triển khai hơi nhiều với một buổi giảng trên lớp thông thường.