Thể chế hoàn thiện, kinh tế số sẽ phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng 2/5 diễn ra hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và gần 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.
Các đại biểu đồng chủ trì hội thảo chuyên đề 2. Ảnh: Khắc Kiên
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, hội thảo xoay quanh những vấn đề trọng tâm về phát triển nền kinh tế số Việt Nam như thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số; xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam; giải pháp phát triển thanh toán không dung tiền mặt; hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng số cốt lõi, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số; thiết lập xác thực - định danh điện tử tại Việt Nam và nhiều vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý.
Do đó, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng yêu cầu làm rõ 4 nhóm vấn đề chính: Đột phá đổi mới thể chế, chính sách, pháp luật; Phát triển và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; Đổi mới và phát triển hệ thống thể chế phù hợp là quan trọng và quyết định nhất.
Chia sẻ về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách đã quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng phát triển ngành công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là xu thế tất yếu khách quan đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Kinh tế số phát triển cùng các hiện tượng mới nổi như công nghệ blokchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp chính xác…
Song, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) Phan Đức Hiếu, hiện Việt Nam cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh liên quan như: Khung pháp lý, an toàn an ninh mạng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực ICT có chất lượng cao, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển Chính phủ điện tử… Đặc biệt là khuôn khổ pháp lý, chính sách và cơ chế để phát triển kinh tế số, nhất là cho các doanh nghiệp tư nhân.