Thế "đi trên dây" của Thủ tướng Canada

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Canada diễn ra trong bối cảnh những chính sách của Ottawa đang dần hiện rõ sự khác biệt với Washington.

 Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải).

Khác biệt còn tồn tại

Ngày 13/2 (giờ Mỹ), Thủ tướng Justin Trudeau đã tới Washington, gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền. Một nhà cầm quyền ủng hộ bình đẳng giới, tự do thương mại với chính sách mở cửa biên giới Canada với hàng chục nghìn người di cư. Bên kia là nhà lãnh đạo yêu cầu khắt khe với chính sách cho phép phá thai, đe dọa hủy bỏ Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và gây tranh cãi với sắc lệnh chống nhập cư với 7 quốc gia Hồi giáo. Cuộc gặp gỡ của hai nguyên thủ này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau vì thế có nhiều lý do để trông chờ.

Bất chấp những khác biệt trong đường lối chính sách giữa hai bên, cho tới nay Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu hàng đầu của Canada, góp phần tạo thêm hàng triệu công việc cho người dân nước này. Cụ thể, 75% kim ngạch xuất khẩu của Canada tới thị trường Mỹ và gần 2,5 triệu công việc của Ottawa thuộc lĩnh vực thương mại với Mỹ. Giữa hai quốc gia là đường biên giới với hơn 400.000 công dân thông thương mỗi ngày. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Canada dự kiến sẽ là bước đi thận trọng để xác định quan điểm của ông Trump, hóa giải khác biệt hai bên, đảm bảo những lợi ích của Canada trước “người láng giềng” phức tạp này. Chuyên gia John Higginbotham của Đại học Carleton nhận xét, “vị thế Canada hiện nay như trong một vụ cướp máy bay với vai trò hành khách và cần hành động thận trọng trước “phi công” là Mỹ để được bảo toàn lợi ích”.

Thế “đi trên dây” của Canada

Việc duy trì quan hệ với cường quốc láng giềng vốn là một trong những trọng tâm hàng đầu trong nhiều đời Tổng thống Canada. Nhưng có lẽ ông Trudeau sẽ phải đối diện với bài toán kỳ lạ nhất từ trước tới nay mang tên “Tổng thống Donald Trump”. Ít nhất ông sẽ phải thận trọng “trông gương người trước” là Thủ tướng Australia. Khác biệt trong chính sách di cư đã khiến cuộc điện đàm vừa qua giữa Tổng thống Australia Malcolm Turnbull và ông Trump thất bại, trong khi mối quan hệ đồng minh Canberra – Washington dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama còn thân thiết hơn Ottawa. Thời gian gần đây, khi một vài nguyên thủ thế giới lên tiếng phản đối sắc lệnh nhập cư của ông Trump, Thủ tướng Canada đã tránh chỉ trích trực tiếp hành động này. Cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ do đó phần lớn sẽ tập trung nhằm thiết lập mối quan hệ cá nhân trước khi đề cập đến những vấn đề chính sách hay hợp tác lớn hơn. Giới chức Canada coi đây là cơ hội để thăm dò cam kết tái đàm phán hiệp định NAFTA ông Trump đưa ra khi còn tranh cử và hướng đi quan hệ hai nước thời gian tới.

Theo các nhà phân tích, ông Justin Trudeau không có lựa chọn khác ngoài việc "đi trên dây" giữa mục tiêu theo đuổi lợi ích kinh tế của Canada, mặt khác hóa giải những khác biệt với chính quyền ông Donald Trump. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần