Thế giới bất an trước ngày ông Trump nhậm chức

Lan Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo NATO lo lắng, đối tác tại Liên minh châu Âu (EU) cảnh giác trong khi các đồng minh châu Á vẫn chưa chắc chắn về tương lai mối quan hệ với Washington.

Trước ngày ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, thế giới vẫn bất an trước các phát ngôn và chính sách khó đoán của ông.
Phát ngôn chiến thuật hay “nói bừa”?
Chỉ vài ngày trước lễ tuyên thệ nhậm chức, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại tiếp tục khiến cả thế giới lo lắng bởi những phát ngôn của mình. Các tuyên bố của ông trên Twitter đang trái ngược hoàn toàn, thậm chí là đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm: Căng thẳng với Trung Quốc, cho rằng khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lỗi thời, chỉ trích một loạt các đồng minh phương Tây.
Ông Trump sẽ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1, giờ Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ mới đây miêu tả EU như là “một phương tiện cho Đức" và dự đoán rằng EU rồi sẽ phải chứng kiến các quốc gia khác nối gót Anh. Ông cũng từng chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel "phạm sai lầm nghiêm trọng" khi mở cửa với người nhập cư.
Người dân, thậm chí cả giới chuyên gia cũng đang bối rối trước những thông điệp từ vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ. Liệu đây là các phát ngôn có chiến thuật hay chỉ đơn giản là phát ngôn bất chợt? Một số ý kiến cho rằng, các phát ngôn của ông Trump mang đầy tính chiến thuật, nhằm mục đích đưa ra cho ông những lựa chọn mở trong tương lai. Tuy nhiên, đa phần đồng tình rằng Trump đang gây rắc rối, đặc biệt khi ông chỉ trích bà Merkel, khi lãnh đạo nước Đức hiện có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định trên toàn châu Âu.
Đồng minh lo lắng
Tại châu Á, số phận nhiều đồng minh thân thiết từ trước đến nay của nước Mỹ hiện đang “mù mờ”. Ông Trump từng tuyên bố, Nhật Bản hoặc phải trả cho Washington nhiều hơn vì những hỗ trợ quốc phòng đối với Tokyo hoặc phải tự xây dựng lực lượng hạt nhân của mình. Số phận mối quan hệ Washington - Seoul cũng lâm vào cảnh tương tự. Theo các phát ngôn của ông Trump, Hàn Quốc có thể sẽ bị đồng minh lâu năm “bỏ rơi” trong việc đối phó với chương trình hạt nhân gây tranh cãi từ Triều Tiên.
Trước các động thái này, ông Nicholas Burns - cựu đại sứ Mỹ tại NATO nhận định, những bình luận của ông Trump “không khác gì đòn tấn công trực diện vào trật tự xây dựng nên từ năm 1945 và là sự khước từ ý tưởng Mỹ dẫn dắt phương Tây". Ông Burns cũng lo ngại, ông Trump có thể sẽ "phá vỡ những chính sách chiến lược của nước Mỹ. Mặc dù vậy, Robin Niblett, giám đốc viên nghiên cứu Chatham House tại London cho rằng, ông Trump đang cố gắng giữ cho mình những lựa chọn mở và tìm cách để không bị dồn vào chân tường thông qua việc chống lại các chính sách đang tồn tại.
Dù cho bản chất các phát ngôn của ông Trump thực sự mang tính chiến thuật hay chỉ là nói bừa, điều duy nhất thế giới chắc chắn là phải chờ đợi đến ngày ông Trump chính thức trở thành Tổng thống. Như Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố, điều quan trọng đối với bà là những gì nhà tài phiệt New York làm sau khi nhậm chức. "Tôi đang chờ đợi ngày tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức”, nữ Thủ tướng Đức nói.