Thế giới đã sẵn sàng cho vaccine ngừa Covid-19?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tại thời điểm này, có khoảng 200 vaccine ứng viên đang được thử nghiệm ở nhiều giai đoàn khác nhau, hy vọng sẽ có nhiều hơn một vaccine an toàn và hiệu quả. Nhưng điều tiếp theo cũng quan trọng không kém: Không nên coi đây là cuộc đua chỉ có 1 người thắng. Khi có vaccine thành công, đó phải là chiến thắng cho tất cả chúng ta”, 8 nhà lãnh đạo thế giới nêu quan điểm về cuộc đua điều chế vaccine ngừa Covid-19.

Một tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 tại Nga.
Giai đoạn nước rút
7 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán, Trung Quốc, báo cáo hôm 6/7 của WHO cho biết, hiện có 166 loại vaccine đang được phát triển để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Theo WHO, có 25 loại vaccine tiềm năng đang trong các thử nghiệm lâm sàng trên phạm vi quốc tế.
Khi cuộc đua thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu đến giai đoạn nước rút, Nga trở thành quốc gia đầu tiên hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng, hứa hẹn có thể phân phối những liều vaccine đầu tiên giữa tháng 8 tới. Thử nghiệm lâm sàng của Nga diễn ra tại ĐH Y khoa Sechenov, nơi mà phòng thí nghiệm điều chế vaccine cũng từng tiến hành nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Ebola và Mers. Alexander Gintsburg - Viện trưởng Viện Dịch tễ học và Vi sinh Gamalei, nơi phát triển vaccine, kỳ vọng những liều đầu tiên sẽ được chấp thuận trong khoảng từ ngày 12 - 14/8. Các công ty công nghệ sinh học có thể sản xuất đại trà kể từ tháng 9 năm nay.
Trong khi đó tại Australia, một “ứng viên” vaccine của nước này cũng đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng hôm 13/7 vừa qua, tại ĐH Queensland. Sản phẩm là sự hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu Khoa học & Công nghiệp Khối thịnh vượng chung, Công ty Công nghệ sinh học CSL và Cytiva.
Trước đó, hôm 8/7, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đã hoàn tất đăng ký thử nghiệm giai đoạn 2 cho vaccine mRNA-1273, với hy vọng ngừa Covid-19. Cùng ngày, một nghiên cứu độc lập khác được thực hiện bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ trên sản phẩm này cũng đã bắt đầu giai đoạn 1. Tháng trước, Tiến sĩ Anthony Fauci - Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nhận định quá trình phát triển vaccine tại nước này đang diễn ra rất nhanh chóng. Ông lạc quan một cách thận trọng rằng Mỹ có thể phân phối những liều đầu tiên vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Hãng Moderna khẳng định, đã sản xuất đủ số lượng vaccine cần thiết cho thử nghiệm giai đoạn 3 trên người, với liều lượng ở mức 100μg và “công ty vẫn đang đi đúng hướng để có thể cung cấp khoảng 500 triệu liều mỗi năm, dự kiến lên mức 1 tỷ liều kể từ năm 2021”.
Bàn đến năng lực sản xuất, hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc cũng đã cho xây dựng một nhà máy mới, đủ năng lực sản xuất từ 100 - 200 triệu liều vaccine, có tên gọi Ad5-nCoV, mỗi năm kể từ năm 2021. Các chuyên gia đang đàm phán với Nga, Brazil, Chile và Ả Rập Saudi để thúc đẩy quá trình nghiên cứu giai đoạn 3 của vaccine này trên 40.000 tình nguyện viên, sau khi đã khởi động thử nghiệm trên người hồi tháng 5 năm nay. 2 “ứng viên” khác được phát triển bởi Công ty Công nghệ sinh học Sinovac, trực thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Sinopharm, cũng đã được phê duyệt thử nghiệm giai đoạn cuối cùng.
Sẵn sàng đặt cược
Những tín hiệu tích cực, về triển vọng vaccine phòng ngừa đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày một phức tạp, trở thành niềm hy vọng đang được cả thế giới mong đợi. Tuy nhiên ít ai biết, đằng sau đó hiện là một cuộc đua sở hữu sớm của các quốc gia, bất chấp thực tế rằng những liều vaccine còn chưa được sản xuất, và cũng không ai dám chắc việc bao giờ sẽ có hàng. Theo đó, rất nhiều quốc gia được cho đã ký đơn đặt hàng trước với các nhà công nghiệp dược phẩm, mục đích là để đón đầu khi các nghiên cứu vaccine cho ra sản phẩm có hiệu quả để người dân sử dụng.
Tờ L’Express của Pháp đã cung cấp một vài con số choáng ngợp về số tiền đặt trước: Mỹ đã chi 3,5 tỷ euro cho các phòng thí nghiệm, trong đó Công ty Novavax được nhận 1,4 tỷ euro với cam kết vaccine phải được cung cấp riêng cho thị trường Mỹ. Châu Âu cũng không phải là ngoại lệ, khi Pháp, Đức, Italia và Hà Lan đã đặt trước với Công ty Astra Zeneca để có 300 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Đáng nói, công ty này cũng đã nhận của Mỹ 1 tỷ euro với cam kết cung cấp 300 triệu liều. Theo L’Express, những thỏa thuận giao kèo như vậy sẽ còn xuất hiện thêm nhiều trong thời gian tới.
Các quốc gia tính toán rằng, thiệt hại kinh tế do đại dịch sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền bỏ ra lúc này để đặt hàng các hãng dược phẩm. Tuy nhiên, việc làm này cũng đặt ra rủi ro rằng liệu các nước có chấp nhận mất hết số tiền đã đặt nếu vaccine ra đời không có hiệu quả hay giá thành sẽ biến động, mặc dù nhiều phòng thí nghiệm đã tuyên bố “không lấy lãi” trên sản phẩm này trong thời kỳ dịch bệnh. Câu chuyện về vaccine ngừa Covid-19 của Pháp lại thành sản phẩm thương mại của người Mỹ cũng được dẫn làm ví dụ, như một minh chứng cho thấy sự khốc liệt của cuộc đua bất chấp đang diễn ra.
Theo đó, một loại “ứng viên” vaccine do Viện Pasteur của Pháp nghiên cứu sẽ lần đầu được thử nhiệm lâm sàng trên người vào đầu tháng 8 này. Dù chưa biết kết quả ra sao nhưng cách đây vài tuần, một trong những công ty bào chế dược phẩm lớn nhất thế giới của Mỹ là Merck-MSD đã mua bản quyền của vaccine này, khi mà chỉ có Merck mới đủ năng lực tài chính để tiến hành hoàn chỉnh các thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng và sản xuất hàng triệu triệu liều. Như vậy có nghĩa là, những liều vaccine trong tương lai - thành quả nghiên cứu ban đầu của người Pháp - nay lại do người Mỹ nắm quyền sản xuất, thương mại và cả kiếm lời nếu có.
Để không là “cuộc đua 1 người thắng”
Trong một bài xã luận được đăng tải trên tờ Washington Post hôm 15/7, một nhóm nhà lãnh đạo thế giới cho rằng miễn dịch là chìa khóa để chấm dứt đại dịch Covid-19, song điều này chỉ có thể đạt được điều này khi tất cả các nước được quyền tiếp cận với vaccine. Những nhà lãnh đạo đứng tên đồng tác giả của bài viết gồm có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Ethiopia Sahle-Work Zewde, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez Perez-Castejon, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven và Thủ tướng Tunisia Elyes Fakhfakh.
“Tại thời điểm này, có khoảng 200 vaccine ứng viên đang được thử nghiệm ở nhiều giai đoạn khác nhau, hy vọng sẽ có nhiều hơn một vaccine an toàn và hiệu quả. Nhưng điều tiếp theo cũng quan trọng không kém: Không nên coi đây là cuộc đua chỉ có 1 người thắng. Khi có vaccine thành công, đó phải là chiến thắng cho tất cả chúng ta”, 8 nhà lãnh đạo thế giới nêu quan điểm về cuộc đua điều chế vaccine ngừa Covid-19, nhấn mạnh đây phải là một phần trong cam kết của thế giới về bảo đảm đời sống sức khỏe và thúc đẩy thịnh vượng cho tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi - theo Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
Trước đó, các chuyên gia Tổ chức Eurasia của Ðức đã lên tiếng cảnh báo về “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, đang biến việc tìm kiếm phương pháp điều trị Covid-19 thành cuộc chạy đua mà cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho kinh tế và sức khỏe của toàn cầu. Eurasia dự báo căng thẳng xung quanh vaccine sẽ nóng lên trong hè này, và cuộc tranh giành quyền tiếp cận chế phẩm giúp ngừa bệnh sẽ kéo sang năm 2021 hoặc 2022. Trước tình hình đó, tỷ phú Bill Gates - người đang điều hành quỹ đầu tư đáng kể cho phát triển vaccine ngừa Covid-19, đã lên tiếng kêu gọi các hãng dược cùng lãnh đạo thế giới phân phối thuốc, cũng như vaccine phòng chống đại dịch đến những khu vực cần chúng nhất, thay vì các nước trả giá cao nhất.