Thế giới đang ngày càng bất ổn và khó lường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu xét về khía cạnh bạo lực, có thể nói, năm 2015 còn tồi tệ hơn năm 2014 (với 80%...

Kinhtedothi - Nếu xét về khía cạnh bạo lực, có thể nói, năm 2015 còn tồi tệ hơn năm 2014 (với 80% số người thiệt mạng nhiều hơn) và là năm đẫm máu nhất kể từ năm 2001. Điều đó cho thấy thế giới đang trở nên ngày càng bất ổn và khó lường. Cũng vì thế, lợi ích dân tộc đang trở nên quan trọng hơn các mối quan hệ đồng minh hay bạn bè chiến lược.

Một năm đầy bất ổn

2015 là năm tồi tệ với nước Pháp. Trung tuần tháng 1, hàng loạt vụ tấn công trong và ngoài thủ đô Paris khiến 26 người thiệt mạng, gồm cả 3 kẻ tấn công, và 22 người bị thương. Vụ đổ máu khởi đầu bằng thảm sát ở tòa soạn báo biếm họa Charlie Hebdo ngày 7/1. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều tồi tệ nhất đối với nước Pháp. Ngày 13/11, ba vụ nổ bên ngoài sân vận động Stade de France ở mạn Bắc Paris, khi Pháp đấu trận giao hữu với đội tuyển Đức khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Cảnh sát vũ trang Pháp kiểm tra an ninh ở vùng ngoại ô Molenbeek trong đợt vây bắt nghi phạm vụ khủng bố bên ngoài sân vận động Stade de France.
Cảnh sát vũ trang Pháp kiểm tra an ninh ở vùng ngoại ô Molenbeek trong đợt vây bắt nghi phạm vụ khủng bố bên ngoài sân vận động Stade de France.
Mặc dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thừa nhận đã gây ra những vụ tự sát đẫm máu làm nhiều người chết, nhưng xem ra chưa thấm vào đâu so với số người thiệt mạng mà quân nổi dậy Boko Haram ở Nigeria gây ra trong năm nay. Hồi tháng 1, nhóm này tấn công thị trấn Baga ở phía Đông Bắc làm ít nhất 2.000 người chết. Đó là chưa kể hàng loạt vụ tấn công tự sát ở nhiều thị trấn khác nhau khiến hàng trăm người chết hồi tháng 6, 7 và tháng 8.

Tiếp đó là hàng loạt các vụ đánh bom tự sát đẫm máu ở Pakistan, Afghanistan, Tunisia, Ai Cập như việc các đền thờ Hồi giáo của người Shia ở Pakistan trở thành mục tiêu tấn công nhiều lần suốt năm 2015 làm hàng trăm dân thường thiệt mạng. Rồi tháng 4, ít nhất 33 người chết và 100 người khác bị thương trong vụ nổ bom tự sát ở TP Jalalabad, phía Đông Afghanistan. Tại Tunisia, 38 người mất mạng sống khi một người xả súng vào khách du lịch đang đi nghỉ tại khu nghỉ dưỡng phía Bắc Sousse. Hai vụ nổ bom trong chiến dịch diễu hành vì hòa bình ở thủ đô Ankara khiến hơn 100 người chết hồi tháng 10 cũng là vụ tấn công nghiêm trọng nhất trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Người tị nạn Syria trên đường vượt biển sang châu Âu.
Người tị nạn Syria trên đường vượt biển sang châu Âu.
Tháng 10/2015, chiếc máy bay Airbus A-321 của Nga rời khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh ở Hồng Hải, hướng về TP Saint Petersburgh, đột ngột mất độ cao và rơi xuống sa mạc Sinai khiến 224 người chết, trong đó đa số là du khách. Vụ đánh bom tự sát ở 2 đền thờ Hồi giáo tại thủ đô Sanaa của Yemen đầu tháng 3, đã giết ít nhất 126 người và làm bị thương nhiều người khác cũng được coi là điều tồi tệ nhất đối với một trong những quốc gia nghèo nàn và lạc hậu nhất hành tinh này.

Nước Mỹ, nơi được coi là an toàn nhất thế giới cũng không hề bình yên trong năm 2015. Ngày 2/12, ít nhất 14 người chết sau khi một tay súng tấn công trung tâm cộng đồng ở San Bernardino, California. Cả hai mang súng sát thương, súng ngắn và mặc quần áo kiểu nhà binh. Quan chức Mỹ cho biết, người vợ của nghi phạm đã tuyên thệ với IS trên mạng xã hội vào ngày xảy ra vụ xả súng, trong khi Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) coi vụ việc là hành động khủng bố tồi tệ nhất năm qua.

Tất cả đều vì lợi ích của chính mình

Ngày 24/11, thế giới xôn xao trước việc chiếc Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ gần biên giới nước này với Syria. Lần đầu tiên trong 40 năm qua, một máy bay quân sự Nga bị bắn hạ bởi lực lượng quân sự của một nước thuộc khối quân sự NATO.
Máy bay Su - 24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi.
Máy bay Su - 24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi.
Chỉ 9 ngày trước khi xảy ra vụ bắn rơi máy bay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan còn chào đón Tổng thống Nga V.Putin tới Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ như một người bạn thâm giao. Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện một chính sách ngoại giao đầy tham vọng và đã bỏ chính sách thị thực giữa hai nước; dự định xây dựng đường ống dẫn khí trên Biển Đen giữa hai quốc gia. Ngoài ra, Nga bắt đầu làm việc trên nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chỉ sau ngày 24/11 đầy bi kịch, quan hệ giữa hai nước đang đứng trên bờ vực thẳm.

Vì sao mọi chuyện lại trở nên tồi tệ như vậy?

Chúng ta còn nhớ trong cuộc họp G20 trước khi xảy ra khủng khoảng Nga - Thổ ít tuần, Tổng thống Nga Putin, mặc dù không nêu đích danh, đã thẳng thừng nói có những quốc gia trong nhóm G20 đang tài trợ cho nhà nước khủng bố IS tại Iraq và Syria. Quốc gia G20 duy nhất tại Trung Đông, giáp giới với Syria, là Thổ Nhĩ Kỳ. Không quân Nga không chỉ oanh tạc nặng nề vào các giếng dầu, các nhà máy lọc dầu đang nằm dưới quyền kiểm soát của IS mà còn đánh vào các đoàn xe chở dầu của IS với hàng ngàn chiếc nối đuôi nhau hướng về biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Bài toán với Thổ Nhĩ Kỳ khá đơn giản: Họ đang kiếm được tiền và chẳng có giọt máu nào của người Thổ rơi khi người Iraq hay Syria bị chặt đầu. Thậm chí trong 130 người thiệt mạng trong vụ đánh bom của IS tại Paris cũng chẳng hề có người gốc Thổ.

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, nước này đã cầu cứu NATO, tổ chức mà Thổ là một thành viên. Nếu hành vi khai hỏa của chiếc F16 là một toan tính đã được lập trình thì lần này, Ankara đã gặp sai lầm khá nặng. Thổ Nhĩ Kỳ đã hầu như không thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các đồng minh NATO để xử lý cuộc khủng hoảng. Người Mỹ, người Anh hay người Pháp chẳng ai hài lòng gì với lối bắt tay IS kiếm tiền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... Khi tham gia cuộc chiến tại Syria mỗi bên đều có những toan tính riêng, mà trên hết đều xuất phát từ lợi ích của chính mình, bất chấp đó là đồng minh hay đối tác chiến lược.

Mỹ luôn là người muốn điều khiển cuộc chơi ở Trung Đông và Bắc Phi để giá dầu lên xuống theo chủ ý của mình. Nga, một trong những nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã đi một nước cờ táo bạo đến mức liều lĩnh, giúp Chính phủ Syria của Tổng thống Assad vốn đang bị phương Tây tẩy chay, tiêu diệt IS, với tham vọng đẩy giá dầu vốn đang xuống thấp chưa từng thấy trở lại mức giá trước đây. Rồi, Đức, Pháp, thậm chí cả Nhật Bản và Trung Quốc cũng không muốn đứng ngoài cuộc chơi đầy nguy hiểm này. Đó là chưa kể đến việc Anh, một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ đã bắt tay chặt chẽ với Trung Quốc, đe dọa rút đồng Bảng ra khỏi đồng tiền chung châu Âu để vãn hồi nền kinh tế đang lún ngày càng sâu hơn vào khốn khó.

Nhìn lại bức tranh thế giới năm 2015, chúng ta thấy thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn hơn, các mối quan hệ quốc tế đang trở nên biến hóa hơn. Nói cho cùng thì, để sinh tồn trong thế giới này, cuối cùng, chỉ có quyền lợi quốc gia là thứ vững bền hơn tất thảy. Lùi dù chỉ một chút lợi ích quốc gia và tính toán sai lầm để đổi lấy những thứ viển vông, cũng đồng nghĩa với việc đẩy tương lai đất nước dần xuống đáy vực thẳm.