Thế giới di động mua lại điện máy Trần Anh: Lo doanh nghiệp độc quyền

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (TGDĐ) thông qua việc mua 100% cổ phần (CP) từ các cổ đông hiện hữu của Công ty CP Thế giới số Trần Anh (Trần Anh) đã thành chủ sở hữu chuỗi bán lẻ điện máy Trần Anh.

Điều này khiến nhiều người lo lắng liệu đây có phải là tiền đề cho TGDĐ độc quyền kinh doanh mặt hàng điện máy? Trong khi một số chuyên gia bán lẻ lại cho rằng, việc làm này sẽ giúp DN bán lẻ Việt Nam đủ sức mạnh cạnh tranh với DN ngoại.
Hệ thống bán lẻ Trần Anh thành công ty con

Công ty TGDĐ và Công ty Trần Anh đã chính thức xác nhận thương vụ mua bán giữa 2 DN. Theo đó, TGDĐ mua lại Trần Anh với số tiền dự kiến lên đến 2.500 tỷ đồng. Sau khi đạt được sự đồng thuận của cổ đông 2 bên, Trần Anh sẽ trở thành công ty con của TGDĐ.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện TGDĐ là một trong những DN hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, đang sở hữu chuỗi 1.500 cửa hàng, thuộc 3 lĩnh vực gồm: Điện thoại, điện máy và bách hóa. Còn Trần Anh đang sở hữu chuỗi 39 siêu thị điện máy, trải rộng khắp từ miền Bắc vào miền Trung. Các siêu thị Điện máy xanh, thuộc TGDĐ mặc dù quy mô diện tích khá nhỏ, sản phẩm trưng bày không nhiều nhưng lại được mở rộng tới tận các huyện trên cả nước. Trong khi đó, những siêu thị điện máy của Trần Anh mặc dù có quy mô lớn, hàng hóa bày bán khá phong phú, đa dạng nhưng chủ yếu đặt ở các TP lớn. Việc TGDĐ mua hệ thống siêu thị điện máy Trần Anh tạo cơ hội cho DN này mở rộng độ phủ sóng thương hiệu và tiêu thụ điện máy tại trung tâm các tỉnh, thành trên cả nước.

Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động đã mua 100% cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Công ty CP Thế giới số Trần Anh. Ảnh: Hải Linh

Giám sát thương vụ để tránh độc quyền

Trước thông tin TGDĐ mua hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh nhiều người tiêu dùng lại lo lắng hoạt động này sẽ tạo tiền đề cho TGDĐ độc quyền kinh doanh điện máy khi chiếm thị phần lớn hơn. Khi đó rất có thể giá bán lẻ các sản phẩm điện máy sẽ tăng trong thời gian tới.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiến hành thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; khảo sát ý kiến của các DN kinh doanh trên thị trường về việc TGDĐ mua hệ thống siêu thị điện máy Trần Anh. Qua thẩm định Cục xác định thương vụ này chính là hình thức mua lại DN, được quy định trong Luật Cạnh tranh. Thị trường liên quan được xác định gồm thị trường bán lẻ chuyên kinh doanh sản phẩm điện máy gia dụng và sản phẩm công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Theo đó, việc mua lại chuỗi Trần Anh của TGDĐ đã tác động tới cấu trúc thị trường dịch vụ bán lẻ chuyên kinh doanh các sản phẩm điện máy và công nghệ thông tin theo hướng giảm số lượng đối thủ cạnh tranh. Điều đó có nghĩa từ chỗ là đối thủ cạnh tranh, Trần Anh trở thành công ty con của TGDĐ. Và thương vụ này sẽ làm gia tăng sức mạnh thị trường của TGDĐ. Tuy nhiên, mức độ gia tăng sức mạnh đó là không đáng kể do trong thời gian qua TGDĐ đã là DN có vị trí thống lĩnh trên thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin và hiện chiếm hơn 30% thị phần.

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, việc TGDĐ mua lại Trần Anh không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, Cục sẽ giám sát hoạt động cạnh tranh của TGDĐ trên thị trường sau thương vụ mua bán nói trên nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của TGDĐ (nếu có) theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Đồng tình với quyết định của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, các chuyên gia bán lẻ cho rằng việc TGDĐ mua lại Trần Anh là hướng đi mới cho DN bán lẻ Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài đang ồ ạt đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, nếu để Trần Anh rơi vào tay DN Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc như hàng loạt chuỗi bán lẻ khác DN bán lẻ Việt Nam sẽ có thêm đối thủ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.

Theo Ths Vũ Xuân Trường (Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - Bộ KH&CN): Đây không phải là lần đầu tiên hoạt động sáp nhập hệ thống bán lẻ diễn ra, trước đó Central Group (Thái Lan) đã mua lại hệ thống siêu thị Big C với số tiền lên đến 1 tỷ USD, mua 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, 49% cổ phần của Lan Chi Mart và cùng Nguyễn Kim mua 100% cổ phần của mạng thương mại điện tử Zalora… Việc TGDĐ mua Trần Anh cho thấy DN Việt đã “bắt tay” không để thị trường bán lẻ liên tục rơi vào tay các đại gia nước ngoài, trở thành đối trọng với DN ngoại như Central Group. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến chủ sở hữu hệ thống bán lẻ là DN nội hay ngoại mà quan tâm đến việc sau khi sáp nhập thì giá bán hàng hóa tăng hay giảm, chất lượng dịch vụ, hậu mãi có tốt hơn hay không... "Nếu đáp ứng được những yêu cầu này thì khách hàng sẽ ủng hộ, nếu không sẽ tẩy chay” - ông Trường phân tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần