Thế giới đồng loạt lên tiếng nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức Myanmar bị bắt

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao, các tổ chức nhân quyền trên khắp thế giới đã bày tỏ mối quan ngại về việc quân đội Myanmar giam giữ các nhà lãnh đạo dân chủ và quan chức Chính phủ Myanmar.

Aung San Suu Kyi - Chủ tịch đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền hiện đang bị quân đội Myanmar giam giữ.

Đăng tải trên Twitter hôm 1/2, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói rằng: "Mỹ bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các báo cáo quân đội Myanmar đã bắt giữ nhiều lãnh đạo Chính phủ và xã hội dân sự".
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Washington "sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu diễn biến hiện nay không được đảo ngược". 
Ngoại trưởng Australia Marise Payne cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc: "Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp quyền, giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp và ngay lập tức thả tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người khác đã bị giam giữ trái pháp luật".
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị giam giữ: "Tôi lên án cuộc đảo chính và giam giữ bất hợp pháp thường dân, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi, ở Myanmar. Lá phiếu của người dân phải được tôn trọng và các nhà lãnh đạo dân sự được trả tự do".
Tương tự, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ việc giam giữ các nhà lãnh đạo dân sự của Myanmar và bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc tuyên bố chuyển giao tất cả các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho quân đội Myanmar.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chia sẻ rằng họ đã ghi nhận những diễn biến ở Myanmar với mối quan tâm sâu sắc: "Ấn Độ luôn kiên định ủng hộ tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar. Chúng tôi tin rằng pháp quyền và tiến trình dân chủ phải được duy trì. Chúng tôi đang theo dõi tình hình chặt chẽ".
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và những người khác là "cực kỳ đáng báo động", đồng thời kêu gọi nối lại ngay lập tức các dịch vụ điện thoại và internet đã bị cắt sau cuộc đảo chính.
Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền Myanmar đã đưa ra một tuyên bố dưới tên của Chủ tịch Suu Kyi, trong đó yêu cầu người dân của họ không chấp thuận cuộc đảo chính quân sự.
"Việc làm của quân đội là hành động đưa đất nước trở lại dưới chế độ độc tài", tuyên bố viết. "Tôi kêu gọi mọi người không chấp thuận điều này, hãy hưởng ứng và toàn tâm toàn ý phản đối cuộc đảo chính của quân đội".
Trước đó, vào rạng sáng ngày 1/2, quân đội Myanmar đã giành chính quyền trong một cuộc đảo chính, bắt giữ nhà lãnh đạo của đất nước, bao gồm bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhân vật chính phủ cấp cao khác. Hành động này được đưa ra gần một thập kỷ sau khi một Chính phủ dân sự vượt qua sự chỉ đạo của quân đội.