Thế giới mâu thuẫn về luật nghỉ kỳ kinh nguyệt với phụ nữ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi tại nhiều quốc gia châu Á, nghỉ phép kỳ kinh nguyệt với lao động nữ đã được luật hóa từ hàng chục năm qua và vẫn tiếp tục được thúc đẩy thì ở phương Tây lại là một bức tranh hoàn toàn khác.

Tranh cãi về việc nên hay không nên để lao động nữ nghỉ phép khi đến kỳ sinh học diễn ra ở nhiều cấp độ trên toàn cầu. 
CNN mới đây dẫn câu chuyện của Sachimi Mochizuki - người đã làm việc trong ngành tổ chức sự kiện tại Nhật Bản 2 thập kỷ qua, nhưng chưa bao giờ nghỉ một ngày nào trong kỳ kinh nguyệt. Đó chủ yếu là bởi Mochizuki may mắn, khi nó không phải là vấn đề quá lớn với cô.
Nhưng chính bản thân Mochizuki cũng không muốn sử dụng quyền nghỉ phép cho lao động lâu đời này của Nhật Bản, vì điều đó sẽ liên quan đến việc phải nói với quản lý của cô ấy - hầu hết đều là nam giới - rằng cô đang đến kỳ.

Mochizuki chia sẻ cho biết: “Nó rất riêng tư, và đặc biệt là ở Nhật Bản đó vẫn là một điều cấm kỵ. Chúng tôi không muốn nói về nó với bất kỳ người đàn ông nào".

Tuy nhiên, quyền được nghỉ phép này của lao động nữ đã tồn tại hơn 70 năm tại Nhật Bản, và đây cũng không phải là quốc gia duy nhất ở châu Á có chính sách như vậy. Hàn Quốc áp dụng chế độ nghỉ phép này vào năm 1953. Trong khi ở Trung Quốc và Ấn Độ, các DN và địa phương đang ngày càng áp dụng chính sách nghỉ kỳ kinh nguyệt với nhiều quyền lợi.

Nhưng ở phương Tây là một bức tranh hoàn toàn khác. Chính sách nghỉ phép này với phụ nữ hầu như không tồn tại ở Mỹ, Anh và châu Âu.

Và ngay cả ở những quốc gia có chế độ nghỉ phép này, các nhà nữ quyền vẫn chưa thể chắc chắc rằng, việc được nghỉ vì kinh nguyệt là bước lùi hay là dấu hiệu của sự tiến bộ khi nói đến quyền phụ nữ.
Thậm chí quyền nghỉ thai sản cũng đang gây tranh cãi tương tự, khi một số người cho rằng phụ nữ đi làm cần nó, trong khi số khác cho rằng điều đó khiến phụ nữ kém năng lực hơn nam giới, và có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử hơn nữa.

Nhật Bản đưa ra chính sách này vào năm 1947 để giải quyết những lo ngại về quyền lao động. Ban đầu, theo truyền thông địa phương, tỷ lệ sử dụng luật này là tương đối cao - khoảng 26% vào năm 1965. Nhưng sau đó ngày càng ít phụ nữ lựa chọn. Một cuộc khảo sát của Chính phủ Nhật Bản vào năm 2017 cho thấy, chỉ 0,9% nhân viên nữ xin nghỉ phép.

Ở Hàn Quốc, việc sử dụng cũng đang giảm. Trong một cuộc khảo sát năm 2013, 23,6% phụ nữ Hàn đã sử dụng chế độ nghỉ phép. Đến năm 2017, tỷ lệ đó giảm xuống chỉ còn 19,7%.

Có nhiều lý do để giải thích điều này. Chẳng hạn tất cả các DN ở Nhật Bản đều phải cho phụ nữ nghỉ phép hàng tháng khi họ yêu cầu, nhưng công ty cũng không phải trả lương. Nhưng vấn đề lớn hơn ở cả ở Nhật Bản và Hàn Quốc được cho chính là văn hóa.

Bà Yumiko Murakami, người đứng đầu Trung tâm Tokyo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giải thích: "Phụ nữ Hàn Quốc và Nhật Bản đã phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn ở những quốc gia vốn có tỷ lệ chênh lệch về lương theo giới cao nhất trong OECD, cũng như một tỷ lệ nữ quản lý thấp nhất. Mặc dù việc phân biệt đối xử với nhân viên nữ ở Nhật là bất hợp pháp, nhưng họ thường phải đối mặt với áp lực phải nghỉ việc khi mang thai. Nếu bạn nói với mọi người rằng bạn nghỉ phép vì kỳ kinh, điều đó sẽ được coi là bạn không tốt như nam giới, trong khi người lao động thuộc mọi giới tính ở Nhật cũng không được khuyến khích nghỉ phép dưới bất kỳ hình thức nào".

"Trên hết, kinh nguyệt vẫn là một chủ đề nhạy cảm. Chẳng hạn, khi phụ nữ mua băng vệ sinh ở các cửa hàng, nhân viên bán hàng thường cho chúng vào túi màu tối như thể chúng là thứ cần được giấu kín", bà Murakami nói với CNN.
Ở một số khu vực khác của châu Á, các công ty không chỉ sử dụng thời gian nghỉ phép như vậy để hỗ trợ công nhân của mình, mà còn nhằm đưa ra tuyên bố chính trị. Ví dụ, công ty giao hàng thực phẩm Ấn Độ Zomato cho biết, khi đưa ra chính sách của mình vào tháng 8 rằng họ muốn thay đổi nhận thức ở Ấn Độ.

"Tại Zomato, chúng tôi muốn thúc đẩy một nền văn hóa của sự tin tưởng, sự thật và sự chấp nhận", người sáng lập, kiêm CEO của công ty Deepinder Goyal nói với nhân viên trong một email được phát hành công khai, "không nên có bất kỳ sự xấu hổ hay kỳ thị nào khi nộp đơn xin nghỉ phép. Bạn nên thoải mái nói với mọi người trong các nhóm nội bộ hoặc email rằng bạn đang trong kỳ nghỉ phép kinh nguyệt".

Đáng nói, thông báo nàý được đưa ra ở một quốc gia mà phụ nữ đôi khi không được phép nấu ăn hoặc chạm vào bất kỳ ai khi họ đang có kinh nguyệt. Theo một báo cáo năm 2014 của tổ chức từ thiện Dasra, các bé gái ở Ấn Độ thường nghỉ học 20% trong năm học vì có kinh và 70% các bà mẹ coi kinh nguyệt là "bẩn thỉu".
Myna Mahila, một tổ chức từ thiện của Ấn Độ ủng hộ việc vệ sinh kinh nguyệt, chuẩn bị băng vệ sinh tại văn phòng của họ ở Mumbai kể từ năm 2018.

Nhưng thông báo của Zomato vẫn vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, nơi các nhà phê bình cho rằng chính sách này có thể khiến phụ nữ trông yếu ớt hoặc không khuyến khích các nhà quản lý thuê lao động nữ. Không ít người phản đối động thái này là nữ giới.

Và đây cũng chính là lý do chủ yếu khiến các cuộc tranh luận về nghỉ phép kỳ kinh nguyệt - thỉnh thoảng lại nóng lên - hầu hết nghiêng về nhận định đó là điều không tốt với lao động nữ tại phương Tây.

Sau thông báo của Zomato, tờ Washington Post đã đăng một bài báo có tiêu đề, tạm dịch: "Tôi là một nhà nữ quyền. Cho phụ nữ nghỉ một ngày trong kỳ kinh nguyệt là một ý tưởng ngu ngốc". Bài báo cho rằng nghỉ phép là một đề xuất "mang tính gia trưởng và ngớ ngẩn", nhằm "tái khẳng định rằng có một yếu tố sinh học mang tính quyết định đối với cuộc sống của phụ nữ".

Hay vào năm 2017, sau khi Victorian Women's Trust - một nhóm vận động cho quyền phụ nữ của Australia - đưa ra chính sách nghỉ kỳ kinh nguyệt cho nhân viên của mình, tờ báo The Courier-Mail của Brisbane đã đăng một bài xã luận với tiêu đề, tạm dịch: "Là một phụ nữ đang làm việc ở Australia, tôi bị xúc phạm bởi kế hoạch điên rồ này".
Một cuộc khảo sát với 32.748 phụ nữ Hà Lan được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh năm ngoái cũng cho thấy, chỉ 14% nữ giới tại nước này nghỉ làm hoặc nghỉ học trong kỳ kinh nguyệt. Ngay cả khi họ bị đau ốm do đến kỳ kinh, chỉ 20% đưa ra lý do thực sự.

Cũng theo cuộc khảo sát, khoảng 68% người nói rằng họ ước mình có lựa chọn giờ làm việc hoặc học tập linh hoạt hơn trong kỳ kinh nguyệt. Nhưng hầu hết - gần 81% - nói rằng họ vẫn tiếp tục làm việc, mặc dù họ cảm thấy kém năng suất hơn do các triệu chứng đến kỳ của mình. CNN dẫn cố liệu một nghiên cứu cho thấy, năng suất bị mất liên quan đến vấn đề này ở phụ nữ là khoảng 9 ngày/năm.
Theo Giáo sư Elizabeth Hill của Đại học Sydney, người chuyên nghiên cứu về giới và việc làm, lý do khiến việc nghỉ phép có tính tranh cãi gay gắt ngay cả trong các nhà nữ quyền là bởi có rất ít dữ liệu về việc nghỉ phép sẽ giúp ích hay cản trở phụ nữ ở nơi làm việc.

Điều này là đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với những nước như Ấn Độ - quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất, ở mức 35%.

Deepa Narayan, một nhà khoa học xã hội và là cựu cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), nói với CNN: "Điều này cần được hiểu là một sự sắp xếp hợp lý về vấn đề công việc, chứ không phải phụ nữ".

Guneet Monga, nhà sản xuất một bộ phim tài liệu ngắn đoạt giải Oscar về vấn đề nữ quyền ở Ấn Độ, nêu quan điểm: "Tôi nghĩ rằng toàn bộ khái niệm về quyền và bình đẳng, cũng như nữ quyền, không phải là sự lựa chọn ở cấp độ kinh tế thấp hơn. Tôi khuyến khích các cuộc thảo luận, nhưng tôi nghĩ còn lâu chúng ta mới thấy được sự thay đổi".