Thế giới trong tuần: Bất chấp tín hiệu hòa giải, ông Trump vẫn đánh thuế hàng Trung Quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Anh tuyên bố đình chỉ Quốc hội Anh đến ngày 14/10; những diễn biến mới liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Tổng thống Trump khẳng định giữ nguyên đánh thuế hàng Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết giữ nguyên kế hoạch áp thuế 15% lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 1/9, một phần nhằm gây áp lực với Bắc Kinh về biểu tình Hong Kong. "Sẽ đánh thuế. Mỹ sẽ thắng trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 30/8.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết giữ nguyên kế hoạch áp thuế 15% lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 1/9.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết Mỹ gây áp lực kinh tế lên Trung Quốc nhằm ngăn nước này sử dụng các biện pháp trấn áp cứng rắn hơn để đối phó với biểu tình ở Hong Kong. "Những gì tôi đang làm với thương mại sẽ giữ cho tình hình hạ nhiệt", Tổng thống Mỹ nói.
Tuần trước, Nhà Trắng thông báo nâng thuế từ 10% lên 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Khoảng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc đang bị đánh thuế 25% sẽ bị đánh thuế ở mức 30% từ ngày 1/10. Động thái diễn ra sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/9 và 15/12.
Ông Trump nói rằng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại sẽ diễn ra vào tháng 9 theo kế hoạch.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong ngày 28/8 hy vọng Mỹ hủy kế hoạch áp thuế bổ sung để tránh leo thang trong chiến tranh thương mại và tạo điều kiện cần thiết để hai bên tiếp tục đàm phán.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một thông báo trước đó cũng cho biết hai bên đang duy trì các cuộc đối thoại hiệu quả, nhưng cảnh báo Trung Quốc có đủ khả năng để đối phó với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các bất đồng thương mại với Mỹ với thái độ “ôn hòa”.
Thủ tướng Anh đoạn tuyệt với châu Âu
Ông Boris Johnson từng làm chính trường Anh chao đảo khi khởi xướng Brexit năm 2016 và giờ đây, ông tiếp tục khiến đối thủ trở tay không kịp.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 28/8 tuyên bố đình chỉ Quốc hội Anh từ giữa tháng 9 cho đến ngày 14/10. Thông thường, kỳ họp quốc hội Anh mùa thu bắt đầu từ ngày 14/9 và kéo dài đến ngày 2/10. Tuy nhiên, động thái của Johnson làm ngày họp bị lùi lại, khiến các nghị sĩ chỉ có khoảng hai tuần để thông qua bất kỳ luật nào nhằm ngăn Anh rời EU (thường gọi là Brexit) vào đúng hạn là ngày 31/10.
 Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 28/8 tuyên bố đình chỉ Quốc hội Anh từ giữa tháng 9 cho đến ngày 14/10.
Động thái ngay lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt. Các đối thủ của Johnson lập luận rằng chính sách của ông có thể khiến Anh rời EU mà không có thỏa thuận quy định rõ ràng các khía cạnh của quan hệ Anh - EU hậu Brexit. Điều này đặt ra nguy cơ chia rẽ đất nước, làm tê liệt nền nông nghiệp và một số ngành sản xuất, khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái. 
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn gọi động thái của Johnson là "đòn đánh chống lại dân chủ" và tuyên bố ông sẽ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Johnson.
Thượng đỉnh G7 bàn thảo nhiều vấn đề hóc búa
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Biarritz, Tây Nam nước Pháp đã đề cập tới một loạt chủ đề “nóng” của thế giới hiện nay.
Tình hình Trung Đông cũng như quan hệ Mỹ - Iran gia tăng căng thẳng khiến vấn đề hạt nhân Iran thu hút sự quan tâm đặc biệt tại hội nghị lần này.
Về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hội nghị G7 năm nay chứng kiến sự khác biệt về quan điểm của Mỹ với ngay cả các đồng minh của Washington, điển hình là Nhật Bản.
 Các nhà lãnh đạo nhóm G7 cùng đại diện Liên minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh ở Biarritz, Pháp. Ảnh: Dailymail.
Các lãnh đạo G7 đã đề cập tới khả năng đưa Nga trở lại nhóm. Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ đề xuất này thì các thành viên khác của G7 vẫn tỏ rõ sự phản đối.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại là một trong những nội dung nghị sự chính trong thượng đỉnh G7 lần này, nhất là sau khi Mỹ áp đặt các mức thuế mới với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời đe dọa tiếp tục đưa các sản phẩm rượu Pháp vào “tầm ngắm”.
Dù vậy, G7 chỉ là một tập hợp không chính thức của các quốc gia phát triển nên không có bất cứ văn bản nào mang tính ràng buộc pháp lý được đưa ra. Thượng đỉnh G7 chỉ là nơi các nước phát triển thể hiện quan điểm, đối thoại và tìm kiếm sự đồng thuận trong các đường hướng phát triển lớn.
Tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào bế tắc
Đặc phái viên của Liên Hợp quốc (LHQ( tại Trung Đông Nickolay Mladlenov đã cảnh báo Hội đồng Bảo an rằng, tiến trình hòa bình giữa người Israel và người Palestine đang bế tắc và có nguy cơ leo thang bạo lực trong khu vực.
Ông Mladenov cũng đồng thời nhấn mạnh, trong tháng qua đã có sự gia tăng các vụ bạo lực, bao gồm bạo lực liên quan đến người định cư Israel ở khu Bờ Tây và căng thẳng dai dẳng ở trong và xung quanh dải Gaza.
Đặc phái viên của LHQ cũng tố cáo hành vi mở rộng các khu định cư của Israel sau nhiều cuộc tấn công ở Bờ Tây và lưu ý rằng “việc mở rộng thuộc địa, phá hủy và tịch thu tài sản của người Palestine vẫn tiếp tục” trong những tuần gần đây.
 Đống đổ nát từ những ngôi nhà của người Palestine bị phá hủy, nhìn ra khu định cư Pisgat Ze'ev ở Beit Hanina, Đông Jerusalem.
Tại Gaza, tình hình đã tương đối bình ổn trong 2 tháng qua nhưng vẫn rất mong manh khi các sự cố bạo lực vẫn tiếp diễn. Điều cần làm là phải bảo đảm rằng các cuộc biểu tình tại hàng rào vẫn bình yên và ngăn chặn các hành động khiêu khích.
Trong bối cảnh đó, các biện pháp cụ thể có thể và phải được thực hiện để khẩn trương đảo ngược quỹ đạo tiêu cực của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Liên Hợp Quốc vẫn cam kết giúp người Palestine và người Israel giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan và các thỏa thuận trước đây của Liên Hợp Quốc và hiện thực hóa tầm nhìn của hai quốc gia sống bên cạnh nhau trong hòa bình và an ninh.
Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn
Ngày 28/8, quyết định của Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy đã chính thức có hiệu lực. Sự kiện này được cho là sẽ làm sâu sắc thêm tranh cãi giữa hai nước.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Nikkei Asian Review.
Tokyo đã thông qua đề xuất trên hồi đầu tháng 8 bất chấp việc Seoul nhiều lần kêu gọi Nhật Bản chấm dứt việc hạn chế xuất khẩu. Hàn Quốc dự kiến chính thức đưa ra các biện pháp phản đối, đồng thời cảnh báo bước đi của Nhật Bản sẽ hủy hoại các nguyên tắc tự do thương mại, gây xáo trộn chuỗi cung ứng quốc tế và tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Tuần trước, Hàn Quốc cũng thông báo quyết định chấm dứt Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản (GSOMIA) - một biểu tượng và trụ cột hợp tác an ninh giữa hai quốc gia. Tuy nhiên Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon ngày 27/8 cho biết, Hàn Quốc có thể xem xét lại quyết định này nếu Nhật Bản rút lại các biện pháp trả đũa kinh tế. 
Những bất đồng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang đặt Mỹ - một đồng minh quan trọng của cả hai nước vào thế khó, trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm thắt chặt mạng lưới liên minh khu vực để đối phó với các thách thức gia tăng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần