Thế giới trong tuần: Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang mạnh sau sự cố trên vịnh Oman

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng tại Trung Đông lại tăng nhiệt sau sự cố 2 tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman; Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Trung Đông lại nóng vì tàu chở dầu bị tấn công
Iran đã lên án mạnh mẽ cáo buộc của Mỹ cho rằng Tehran đứng đằng sau vụ tấn công tàu chở dầu tại vịnh Oman, sự kiện làm gia tăng lo ngại có thể gây ra biến động tại Trung Đông.
Sáng 13/6, 2 tàu chở dầu là Kokuka Courageous (Nhật Bản) và Front Altair (Na Uy) đã bị tấn công khi trên hải trình rời Vịnh Oman. Đây là vụ việc thứ 2 liên quan đến tàu chở dầu bị tấn công tại Trung Đông, khiến giá dầu tăng và căng thẳng trong khu vực leo thang.
 Căng thẳng tại khu vực Trung Đông lại leo thang sau sự cố 2 tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman. 
Cùng ngày 13/6, Mỹ lập tức tung một đoạn video mờ và khẳng định trong đó có hình ảnh tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiếp cận Kokuka Courageous vài tiếng đồng hồ sau vụ tấn công và tháo mìn chưa phát nổ khỏi thân tàu này (dưới đây là đoạn video do Hải quân Mỹ công bố).
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 14/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Iran đã làm điều đó. Tôi đoán rằng một trong những quả mìn không phát nổ và Iran muốn loại bỏ nó”.
Iran đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ, trong khi đó Liên Hợp quốc (LHQ), Nga và Qatar đều kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ tấn công này.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, Mỹ ngay lập tức cáo buộc Iran mà không đưa ra được bằng chứng.
Căng thẳng đã gia tăng trong những tuần gần đây sau khi Mỹ điều chiến hạm và binh sĩ tới Trung Đông đồng thời đưa ra cáo buộc về “mối nguy hiểm” không mấy cụ thể từ Iran. Ngày 12/5, 4 tàu chở dầu bị tấn công gần Eo biển Hormuz. Ở thời điểm đó, Mỹ cũng cáo buộc Iran là thủ phạm. Tehran đã bác bỏ cáo buộc này.
Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ
Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Theo kết quả bỏ phiếu, có tổng cộng 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng LHQ đã ủng hộ Việt Nam vào vị trí này. 
 Với tỷ lệ bỏ phiếu 192/193, Việt Nam đã đắc cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ áp đảo như vậy đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam đồng thời cũng cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với LHQ nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. 
Với sự tin tưởng, tín nhiệm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế thông qua những lá phiếu bầu hôm nay, Việt Nam sẽ có những bước thuận lợi đầu tiên để vượt qua nhiều thử thách sắp tới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Hội đồng Bảo an một lần nữa, như chúng ta đã từng làm được khi lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Đây là lần thứ hai, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ sau lần đầu nhiệm kỳ 2008 - 2009. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ làm tốt trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, xứng đáng với sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thượng đỉnh liên Triều tiếp theo có thể diễn ra trong tháng 6
Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4 trong tháng 6/2019 không phải là “điều bất khả thi” và điều này phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đây là thông điệp được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nauy Erna Solberg tại Oslo ngày 13/6. Cùng ngày, ông Moon đã nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa các mối quan hệ liên Triều và nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc Họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nauy Erna Solberg tại Oslo.
Bên cạnh đó, ông Moon cũng nêu bật tính cần thiết của việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, trong đó có việc nối lại hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong, để mối quan hệ liên Triều được phát triển tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế sẽ chỉ có thể được thực hiện khi các lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng được gỡ bỏ. Chính vì thế, trước tiên cần phải đạt được tiến triển thực chất trong vấn đề phi hạt nhân hóa và Seoul có vai trò trong việc nhanh chóng biến kịch bản trên trở thành sự thật.
Nhận định về triển vọng nối lại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được Tổng thống Moon đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang có dấu hiệu “nguội” trở lại sau một năm ghi nhận nhiều diễn biến tích cực.
Anh sẽ ra phán quyết dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks vào năm 2020
Ngày 14/6, một thẩm phán Anh ấn định sẽ tổ chức phiên điều trần toàn diện về yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange sang Mỹ vào tháng 2/2020.
Ông Assange, 47 tuổi, bị cáo buộc 18 tội danh bao gồm âm mưu tấn công hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ và vi phạm Đạo luật Tình báo quốc gia này khi công bố nhiều tài liệu quân sự và ngoại giao mật hồi năm 2010, liên quan tới các chiến dịch đánh bom của lực lượng Mỹ tại Afghanistan và Iraq.
 Anh sẽ ra phán quyết dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange vào năm 2020.
Hiện ông này đang thi hành án tù 50 tuần tại Anh vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh tại ngoại năm 2012 và tị nạn trong Đại sứ quán Ecuardo ở London, nhằm tránh lệnh dẫn độ về Thụy Điển để phục vụ điều tra cáo buộc tấn công tình dục một nữ công dân quốc gia này.
Trước đó, ngày 13/6, Bộ trưởng Nội vụ Anh thông báo đã ký quyết định chấp thuận yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks sang Mỹ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ ông Assange sang Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào tòa án Anh.
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải 
Ngày 14/6, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã ra tuyên bố chung Bishkek trong đó có nội dung cảnh báo việc các nước đơn phương củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa đe dọa an ninh quốc tế và gây bất ổn toàn cầu.
Tuyên bố nêu rõ: “Các nước thành viên tái khẳng định việc các nước riêng lẻ hoặc nhóm các nước củng cố hệ thống phòng thủ một cách đơn phương và quá mức, đã gây hại cho an ninh quốc tế cũng như làm bất ổn tình hình thế giới.”
Lãnh đạo các nước SCO còn khẳng định lập trường ủng hộ cách duy nhất để giải quyết tình hình ở Syria là thông qua đối thoại, dựa trên việc đảm bảo chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này.
Ngoài ra, tuyên bố còn cho hay, các nước thành viên SCO sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng và an ninh, và sẽ tiếp tục tiến hành diễn tập chống khủng bố chung đều đặn.        
Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này diễn ra tại thủ đô Bishkek của Kyrgystan. Tham dự hội nghị lần này có nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên gồm Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgystan, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan.
Nhật Bản đặt mục tiêu đưa khí thải về 0 trong nửa cuối thế kỷ XXI
Nội các Nhật Bản ngày 11/6 đã thông qua kế hoạch giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng 0 trong nửa cuối thế kỷ XXI.
Kế hoạch là một phần nội dung trong chiến lược quốc gia của đất nước "Mặt Trời mọc" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu trên, Nhật Bản sẽ tập trung sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh như năng lượng Mặt Trời và gió, trong khi vẫn duy trì vận hành các nhà máy than điện.
 Nội các Nhật Bản vừa thông qua kế hoạch giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng 0 trong nửa cuối thế kỷ 21.
Với chiến lược này, Nhật Bản cũng sẽ phụ thuộc vào thế hệ các nhà máy điện hạt nhân, ngay cả khi mối quan ngại về vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân vẫn còn đó sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Fukushima.
Chiến lược cũng kêu gọi tăng cường sử dụng năng lượng sạch khí hydro nhằm giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân để giảm thiểu sử dụng loại năng lượng này và phát triển các công nghệ tiến bộ để cải hiện hiệu quả thế hệ năng lượng điện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần