Thế giới trong tuần: Mỹ - Iran “căng như dây đàn”; Triều Tiên thử tên lửa mới

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng giữa Tehran và Washington chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; Triều Tiên thử tên lửa mới nhằm phản đối tập trận chung Mỹ - Hàn... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Iran tuyên bố thử tên lửa đạn đạo có tầm bắn chạm căn cứ Mỹ
Iran xác nhận vụ thử tên lửa đạn đạo diễn ra cách đây vài hôm, đồng thời khẳng định việc này là để "đối phó những hành động hung hăng" trong khu vực.
"Lượng vũ trang Iran thông báo vụ thử tên lửa hoàn toàn phục vụ yêu cầu phòng thủ. Vụ thử tên lửa này không nhằm vào quốc gia nào, mà chỉ để đối phó những hành động hung hăng. Iran không cần xin phép ai để thực thi quyền tự vệ", hãng thông tấn Fars News của Iran ngày 27/7 ra thông cáo đề cập vụ thử tên lửa hôm 25/7.
 Tên lửa đạn đạo cùng mẫu với quả được Iran phóng đi hôm 25/7. Ảnh:Getty
Trước đó, kênh truyền hình Fox News của Mỹ ngày 25/7 gây rúng động khi dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết, Iran đã phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung.
Tên lửa đạn đạo được phóng đi là mẫu Shahab-3, được Iran phát triển từ nền tảng tên lửa đạn đạo Nodong-1 của Triều Tiên. Mỗi quả đạn đạt tầm bắn 1.000 - 2.000km tùy phiên bản, tức có thể vươn tới căn cứ Mỹ ở Trung Đông.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ ngày càng trầm trọng từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 hồi tháng 5 năm ngoái. Tình hình leo thang sau vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái (UAV) của hải quân Mỹ trên Eo biển Hormuz và loạt vụ bắt bớ tàu dầu giữa Iran và Anh.
Nhật thừa nhận khó chặn được tên lửa mới của Triều Tiên
Quan chức quốc phòng Nhật cho rằng tên lửa Triều Tiên phóng hôm 25/7 có quỹ đạo không bình thường, khiến nó khó bị bắn hạ.
"Hai quả đạn Triều Tiên phóng hôm 25/7 có quỹ đạo bất thường, không giống tên lửa đạn đạo thông thường. Nó có thể vươn tới lãnh thổ Nhật Bản và rất khó bị đánh chặn", quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm nay thừa nhận, cho biết Tokyo sẽ hợp tác với Washington để nghiên cứu các phương án đối phó.
Người dân Hàn Quốc theo dõi Triều Tiên phóng tên lửa trong một chương trình tin tức tại nhà ga ở Seoul. Ảnh: Washington Post.
Triều Tiên phóng hai quả đạn lúc 5h34 và 5h57 ngày 25/7 (3h34 và 3h57 giờ Hà Nội) từ khu vực gần Wonsan ra biển Nhật Bản. Quan chức quân sự Hàn Quốc dẫn phân tích tình báo chung của nước này với Mỹ cho biết cả hai tên lửa đều bay xa hơn 600 km, nhận định chúng là vũ khí thế hệ mới, có đặc điểm tương tự với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander do Nga phát triển.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ra thông báo cho biết vụ phóng thử tên lửa "là lời cảnh cáo nghiêm túc với những kẻ hiếu chiến trong quân đội Hàn Quốc". Triều Tiên trước đó đã lên án cuộc diễn tập chung Mỹ - Hàn, cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tới quá trình đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson chính thức trở thành thủ tướng mới của Anh, thay thế bà Theresa May từ ngày 24/7. Kết quả cuộc bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch đảng Bảo thủ đã được công bố ngày 23/7 cho thấy, ông Boris Johnson được 92.153 phiếu (chiếm 66%), trong khi đối thủ Jeremy Hunt chỉ được 46.656 phiếu.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters
Tờ Bloomberg cho biết có khả năng tân Thủ tướng Boris Johnson sử dụng chiến thuật sửa đổi thỏa thuận Brexit mà những người tiền nhiệm đã đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) để được Quốc hội ủng hộ. Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit cho rằng thỏa thuận này khiến Anh vẫn gắn kết chặt chẽ với EU.
Ngày 25/7, phát biểu trước Hạ viện Anh, nơi 3 lần từ chối thỏa thuận của bà Theresa May, Thủ tướng Johnson nói rằng ông muốn EU có thay đổi đáng kể. Đặc biệt, ông muốn loại bỏ đề xuất vấn về biên giới của Ireland. Điều này được cho là sẽ gia tăng khả năng Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào vào ngày 31/10.
Với lựa chọn nhân sự mới của ông Johnson, nhiều chuyên gia cho rằng tân Thủ tướng Anh đang theo đuổi Brexit không thỏa thuận. Các bộ trưởng mới đều là những nhân vật kiên quyết ủng hộ Brexit như tân Ngoại trưởng Dominic Raab, Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel.
Ukraine bắt tàu chở dầu Nga
Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) ngày 25/7 cho biết, tàu chở dầu Nika Spirit của Nga đã bị lực lượng an ninh và các công tố viên quân sự Ukraine lục soát khi đang neo đậu tại cảng biển Izmail của Ukraine.

Tàu chở dầu Nika Spirit tanker neo đậu tại cảng biển Izmail.

Giới chức Ukraine đã lục soát tàu chở dầu trên, thu giữ dữ liệu liên lạc và thẩm vấn thủy thủ đoàn. Sau đó, chính quyền Kiev đã trả tự do cho thủy thủ đoàn song tàu Nika Spirit hiện vẫn bị nhà chức trách Kiev tạm giữ.
Vụ bắt giữ tàu chở dầu của Ukraine diễn ra trong bối cảnh quan hệ của nước này với Nga xuống cấp trầm trọng và hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán trao trả 24 thủy thủ Ukraine bị giam tại Nga.
SBU cáo buộc tàu Nika Spirit từng có tên là Neyma trong quá khứ và con tàu này đã từng chặn đường đi của các tàu Ukraine trong vụ việc eo biển Kerch. Kiev nói rằng con tàu phải đổi tên nhưng Ukraine vẫn nắm được dựa vào số hiệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Mỹ dọa "trả đũa" Pháp vì áp thuế với công ty công nghệ Mỹ
Tổng thống Donald Trump tuyên bố chỉ có Mỹ mới có quyền đánh thuế các công ty của mình và sẽ có hành động đáp trả đối với Pháp.
Trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cho biết: "Pháp vừa áp thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Chúng ta sẽ thông báo một hành động đối ứng đáng kể đối với sự dại dột của ông Macron. Tôi sẽ luôn nói rằng rượu vang của Mỹ tốt hơn rượu vang Pháp".
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tại Văn phòng Nhà Trắng, ông Trump cũng nói với các phóng viên rằng việc đánh thuế của Pháp là sai lầm và đe dọa sẽ đánh thuế đối với rượu vang, một mặt hàng xuất khẩu chính của Pháp.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Pháp sẽ áp thuế 3% đối với các tập đoàn công nghệ tại Pháp có doanh thu ít nhất là 750 triệu EURO (hơn 834 triệu USD) mỗi năm và cung cấp các dịch vụ cho người sử dụng tại Pháp.
Đạo luật này sẽ được áp dụng tính từ đầu năm 2019 và tác động tới các công ty có doanh thu toàn cầu ít nhất là 845 triệu USD và doanh thu từ dịch vụ công nghệ số từ 28 triệu USD tại Pháp.
Theo AP, sẽ có khoảng 30 DN bị ảnh hưởng bởi luật mới, phần lớn trong số đó từ Mỹ, và một số công ty Trung Quốc, Đức, Anh và ngay cả Pháp./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần