Thế giới trong tuần: Nga - Ấn chốt thương vụ “Rồng lửa” S-400 bất chấp đe dọa trừng phạt từ Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban Nobel Na Uy công bố chủ nhân của Giải Nobel Hòa Bình 2018; Ấn Độ ký thỏa thuận với Nga để mua S-400 Triumf là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Điện Kremlin tiết lộ thời điểm bàn giao hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ
Điện Kremlin ngày 5/10 thông báo việc cung cấp 5 hệ thống S-400 Triumf cho Ấn Độ sẽ được tiến hành từ tháng 10/2020 bất chấp lời đe dọa trừng phạt kinh tế từ Mỹ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitriy Peskov thông báo Nga và Ấn Độ đã chính thức ký kết thỏa thuận mua bán hệ thống tên lửa đất đối không S-400 Triumf trị giá 5,4 tỷ USD trong ngày 5/10 ngay trong phiên họp song phương giữa hai nhà lãnh đạo tại thủ đô New Delhi.
 Nga và Ấn Độ đã chính thức ký hợp đồng mua S-400 Triumf.
"Vâng, bên lề của hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn", ông Peskov trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik khi được hỏi về thỏa thuận này.
Theo ông Peskov, hoạt động chuyển giao 5 hệ thống S-400 Triumf cho Ấn Độ sẽ được tiến hành từ tháng 10/2020. Thỏa thuận mua bán hệ thống S-400 Triumf giữa Nga và Ấn Độ vẫn được ký kết mặc dù Mỹ nhiều lần gây sức ép và đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt với New Delhi.
Hồi giữa tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết New Delhi và Moscow đã đi đến giai đoạn cuối cùng trong cuộc đàm phán về chuyển giao S-400.
Chính quyền Mỹ đã cố gắng ngăn chặn các nước mua S-400 của Nga, đặc biệt là thông qua Luật chống đối thủ bằng lệnh trừng phạt (CAATSA). CAATSA đưa ra các biện pháp phạt bất kỳ bên thứ 3 nào tiến hành những giao dịch lớn với các công ty bị trừng phạt của Nga.
Trước đó Ấn Độ tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ không ngăn cản được họ mua các sản phẩm quan trọng từ Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ hôm 13/7 nói rằng CAATSA là một luật của Mỹ chứ không phải luật của Liên Hợp quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục xúc tiến thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
S-400 Triumf là một hệ thống phòng không di động thế hệ mới, có khả năng phá hủy các mục tiêu trên không ở phạm vi rất xa, lên tới 400km. 
Nobel Hòa Bình 2018 vinh danh nỗ lực chống nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh
 Giải Nobel Hòa bình 2018 đã được trao cho bác sĩ Denis Mukwege và nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad vì những cống hiến của họ nhằm chấm dứt sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh.
Giải thưởng danh giá này đã được Ủy ban Nobel Na Uy công bố vào lúc 11h sáng (tức 16h theo giờ Việt Nam).
Bác sĩ người Congo Denis Mukwege (bên trái) và Nadia Murad - một thành viên trong nhóm người thiểu số Yazidi ở Iraq, giành giải Nobel Hòa bình 2018.
Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, họ đã dành giải thưởng danh giá này để ghi nhận những nỗ lực của bác sĩ Mukwege và bà Murad nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh.
Theo thông báo từ Ủy ban Nobel Na Uy, Denis Mukwege là một bác sĩ ngườiCongo. Phòng khám của bác sĩ Mukwege, được mở từ năm 1999, đã chữa cho hàng ngàn phụ nữ mỗi năm, trong đó nhiều người là nạn nhân của bạo lực tình dục.
Còn bà Nadia Murad là một thành viên trong nhóm người thiểu số Yazidi ở Iraq. Denis Mukwege và Nadia Murad là những cái tên hoàn toàn xa lạ so với các ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Hòa bình 2018.
Trước đó, nhiều người dự đoán Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hoặc cơ quan tị nạn Liên Hợp quốc UNHCR... có khả năng cao sẽ được trao giải Nobel Hòa bình năm nay.
Theo Theguardian, có tất cả 331 đề cử thuộc về 216 cá nhân và 115 tổ chức cho giải Nobel Hòa bình, Ủy ban Nobel cho biết. Quá trình chọn lựa diễn ra vô cùng bí mật, nhưng có một số nhân vật giành được sự quan tâm và cả tranh cãi lớn từ cộng đồng.
Lễ trao giải Nobel Hòa bình 2018 sẽ được tổ chức tại Oslo vào ngày 10/12 tới.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị kết án 15 năm tù vì tội tham nhũng

Ngày 5/10, Tòa án Seoul đã ra phán quyết 15 năm tù đối với cựu Tổng thống Lee Myung-bak trước cáo buộc tham nhũng và nhiều tội danh khác.

Trước đó, các công tố viên Hàn Quốc đã đề nghị mức án 20 năm với cựu Tổng thống nước này từ năm 2008 - 2013 với nhiều tội danh.

 Tòa án Seoul đã ra phán quyết 15 năm tù đối với cựu Tổng thống Lee Myung-bak.

Ông Lee là cựu Tổng thống Hàn Quốc thứ 4 bị ngồi tù vì các cáo buộc hình sự. Người kế nhiệm của ông Lee là cựu Tổng thống Park Geun-hye cũng đang bị bắt giam. Hồi đầu năm 2017, bà Park đã bị phế truất trước những cáo buộc liên quan tới loạt bê bối nhận hối lộ. Ngoài mức án tù trên, Tòa án Quận trung tâm Seoul còn tuyên phạt ông Lee 13 tỷ won.

Phiên xét xử cựu Tổng thống Lee, 76 tuổi, được truyền hình trực tiếp mặc dù ông từ chối xuất hiện tại phòng xét xử. Tại phiên xử, tòa xác định ông Lee Myung-bak là chủ sở hữu thực sự của công ty sản xuất linh kiện ô tô DAS do em trai ông đứng tên.

Tòa án Seoul xác định ông Lee phạm tội tham ô khoảng 24,6 tỷ won (21,77 triệu USD) từ Công ty sản xuất linh kiện ô tô DAS, và nhận hối lộ từ tập đoàn Samsung và những người khác.

"Các tội danh mà ông Lee bị cáo buộc trên cương vị tổng thống - người đứng đầu nhà nước và giám đốc điều hành doanh nghiệp, phải bị kết án rất nặng bởi nó không chỉ vi phạm tính nghiêm minh và gương mẫu của văn phòng tổng thống, mà còn làm suy yếu niềm tin của nhân dân đối với Nhà Xanh", thẩm phán Chung Kye-sun nói thêm.

Trong quá trình thẩm vấn, ông Lee Myung-bak đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc, song thừa nhận một số sự việc, trong đó có việc nhận khoản tiền "ngoài luồng" từ Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc.

Còn theo cáo trạng, ông Lee đã nhận khoảng 10 triệu USD từ các quỹ phi pháp của nhiều công ty như tập đoàn Samsung và một cơ quan tình báo của chính ông Lee.

Về phần mình, ông Lee đã bị phủ nhận mọi cáo buộc và xem cuộc điều tra này mang động cơ chính trị.

Ông Lee từng làm việc tại Công ty Huyndai từ năm 1965 và sau đó trở thành Giám đốc điều hành trẻ nhất của công ty này ở tuổi 36.

Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 1992, trước khi đắc cử chức Thị trưởng Seoul 8 năm sau đó. Năm 2008, ông Lee Myung-bak trở thành Tổng thống Hàn Quốc thứ 10 của quốc gia này, đồng thời cũng là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên xuất thân từ giới kinh doanh.

Malaysia bắt giam phu nhân cựu Thủ tướng Najib vì tội rửa tiền
Ngày 3/10, Ủy ban Chống tham nhũng của Malaysia (MACC) đã bắt vợ của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak, bà Rosmah Mansor.
"Bà Rosmah sẽ phải đối mặt với một số cáo buộc", MACC cho biết trong một tuyên bố trong ngày 3/10, đồng thời nói thêm rằng bà sẽ bị buộc tội rửa tiền do vi phạm pháp luật liên  quan đến các khoản phí bảo hiểm và các hoạt động bất hợp pháp khác.
Ủy ban Chống tham nhũng của Malaysia (MACC) đã bắt vợ của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak, bà Rosmah Mansor.
Bà Rosmah, 66 tuổi, bị bắt giam ngày tại trụ sở MACC, sau khi các nhân viên điều tra chống tham nhũng tiến hành thẩm vấn lần thứ 3 trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ bê bối nghìn tỷ USD liên quan đến Quỹ Đầu tư nhà nước 1Malaysia (1MDB).
trong một cuộc điều tra về vụ bị cáo buộc liên kết với quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB).
Theo tin từ MACC, bà Rosmah có mặt tại trụ sở cơ quan chống tham nhũngMalaysia vào 10 giờ 45 sáng, và cơ quan chức năng bắt giữ bà vào 3 giờ 20 chiều (giờ địa phương).
Trước đó hôm 26/9 vừa qua, bà Rosmah Mansor được yêu cầu tới văn phòng Ủy ban Chống tham nhũng của Malaysia ở Putrajaya để trả lời thẩm vấn.
Bà Rosmah vốn rất thích các chuyến mua sắm tốn kém ở nước ngoài, các loại túi xách thiết kế và đồ trang sức đắt tiền. Chính sở thích mua sắm này đã khiến bà Rosmah bị dư luận lên án, và làm dấy lên nghi ngờ rằng bà đã hưởng lợi từ số tiền thất thoát của Quỹ 1MDB.
Cùng ngày, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bị cảnh sát thuộc Đơn vị Chống rửa tiền (AMLA) thẩm vấn trong khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Cựu Thủ tướng Najib đã chính thức bị buộc tội hôm 20/9, với  4 tội danh lạm dụng quyền lực liên quan khoản tiền 2,3 tỷ ringgit (556,3 triệu USD) của Quỹ 1MDB, và 21 tội danh liên quan đến rửa tiền. Kể từ khi thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, ông Najib đã phải đối mặt với 7 cáo buộc liên quan đến Quỹ 1MDB, trong đó có cáo buộc rửa tiền, thiếu trách nhiệm và lạm dụng quyền lực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần