Thế giới trong tuần: Ông Trump cảnh báo Chính phủ Mỹ đóng cửa trong thời gian dài

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa một phần và cuộc họp báo thường niên lần thứ 14 của Tổng thống Nga là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Tổng thống Trump cảnh báo Chính phủ Mỹ đóng cửa trong thời gian dài
Trong ngày đầu tiên Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động, Tổng thống Trump cho biết, ông vẫn đang thương lượng với Đảng Dân chủ nhằm đạt được sự đồng thuận về khoản ngân sách tạm thời, tuy nhiên cảnh báo tình trạng này sẽ có thể kéo dài nếu gói ngân sách không bao gồm chi phí cho bức tường biên giới.
Tổng thống Donald Trump cho biết ông vẫn đang thương lượng với Đảng Dân chủ nhằm đạt được sự đồng thuận về khoản ngân sách tạm thời.
“Chúng tôi đang thương lượng với các nghị sĩ Đảng Dân chủ về vấn đề an ninh biên giới thực sự cấp thiết, nhưng điều này có thể sẽ diễn ra rất lâu”, Tổng thống Trump viết trên Twitter vào hôm 23/12.
Tổng thống Trump đã đề nghị được cấp hơn 5 tỉ USD cho việc xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico, điều mà đa số nghị sĩ Đảng Dân chủ không đồng ý. Ông tiết lộ đã mời nhiều nhà lập pháp đến Nhà Trắng để thảo luận tình hình vào ngày 22/12.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell cho biết, sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào ở thượng viện được tiến hành cho tới khi Đảng Dân chủ và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận.
Với việc chính phủ ngừng hoạt động từ ngày 22/12, hơn 800.000 công, viên chức liên bang sẽ phải nghỉ phép hoặc làm việc không lương. Lần chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động lâu nhất là từ tháng 12/1995 đến 1/1996, kéo dài 21 ngày khi cựu Tổng thống Bill Clinton xung đột với quốc hội về ngân sách chăm sóc y tế.
Vào năm 2013, chính phủ Mỹ cũng phải đóng cửa 16 ngày sau khi quốc hội không đồng ý cung cấp ngân sách cho đạo luật chăm sóc y tế của cựu Tổng thống Obama. 
Cuộc họp báo “đặc biệt” cuối năm tại Nga
Cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin năm nay diễn ra từ 12h trưa 20/12 theo giờ Mosow kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, với số phóng viên tham dự ở mức kỷ lục, tới 1702 người.
Đây là lần thứ 14 Tổng thống Putin tổ chức họp báo hằng năm và lần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông.
Tổng thống Putin tổ chức họp báo thường niên hôm 20/12.
Giới quan sát nhận định cuộc họp báo năm nay có tầm quan trọng đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên giao lưu trực tuyến đầu tiên của Putin kể từ khi ông tái cử Tổng thống. Cuộc họp báo được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình phổ biến của Nga như “Kênh 1”, “Nước Nga 1”, “Nước Nga 24”, các đài phát thanh như “Maiak”, “Vesti FM” và “Đài phát thanh nước Nga”.
Bên cạnh những báo cáo một số thành tựu của nền kinh tế Nga trong năm thường lệ, thì cuộc họp báo cuối năm gây chú ý với những câu hỏi bất ngờ và câu trả lời thể hiện chính sách, quan điểm của Nga đối với các vấn đề quốc tế nổi cộm.
Nói đến các vấn đề trong nước, Tổng thống Putin nêu bật mục tiêu muốn Nga có bước đột phá hơn nữa trong phát triển kinh tế cũng như nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ để đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, nhằm đưa nước Nga vào nhóm 5 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Đối mặt với lệnh cấm vận của phương Tây nhằm cô lập xứ Bạch dương, nhà lãnh đạo Nga lưu ý nền kinh tế nước này đã thích ứng do “sống chung” với lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt buộc Nga phải "tính kế" phát triển theo nhiều hướng.
Về quan hệ với Mỹ, Tổng thống Nga Putin bày tỏ hy vọng quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện trong thời gian tới, mặc cho bối cảnh hai bên vẫn còn tranh cãi về việc Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Tổng thống Putin cảnh báo về sự đổ vỡ hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu.
Đề cập đến quan hệ căng thẳng với Ukraine, Tổng thống Putin cũng tiết về số phận các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ tại Eo biển Kerch, đồng thời cáo buộc người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko sử dụng vụ khiêu khích trên Eo biển Kerch để thu hút sự chú ý trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở nước này.
Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria và một phần quân tại Afghanistan
Ngày 19/12, chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông báo bắt đầu rút binh lính Mỹ từ Syria về nước sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến chống IS.
Truyền thông Mỹ đưa tin toàn bộ nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đang rời khỏi Syria, thời gian rút quân khỏi Syria sẽ kéo dài từ 60-100 ngày. Mỹ hiện duy trì khoảng 2.000 nhân viên quân sự ở miền Đông Syria với nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng địa phương đánh đuổi IS và ngăn không cho cuộc xung đột tại Syria lan rộng thêm.
Binh sĩ thuộc Hội đồng Quân sự Manbij được Mỹ hậu thuẫn đứng cạnh xe bọc thép ngoài tiền đồn ở Syria. Ảnh: AP
Tại chiến trường Afghanistan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng quyết định rút một lượng lớn binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này. Theo đó, khoảng 50% trong số 14.000 binh lính có thể được đưa về nước.
Tuyên bố trên của chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự phản đối và ý kiến trái chiều của chính giới Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã bất ngờ thông báo từ chức, với lý do mâu thuẫn về quan điểm với Tổng thống. Những người chỉ trích cho rằng quyết định rút quân của ông Trump có thể dẫn tới tình hình khó lường tại Trung Đông cũng như Afghanistan.
Tại Syria sẽ là sự nảy sinh của những phân nhánh địa chính trị bất thường, củng cố vai trò của Nga và Iran - vốn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, được Mỹ ủng hộ, rơi vào tình cảnh không chắc chắn do nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
Còn tại Afghanistan, giới quan sát và quan chức nước ngoài cho rằng động thái rút bớt quân của Mỹ chẳng khác nào "đặt vào tay" Taliban một chiến thắng chiến thuật và tuyên truyền lớn, trong khi lực lượng này không cần nhượng bộ gì.
Quyết định trên của Tổng thống Donald Trump báo hiệu sự thay đổi lớn, cơ bản trong tương quan lực lượng tại hai quốc gia này, đặc biệt là trên chiến trường Syria, song cũng đặt ra nhiều nghi vấn trong bối cảnh tiến trình chính trị chấm dứt xung đột tại đây vẫn chưa có tiến triển rõ rệt. 
Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ tạo đột phá mới giải quyết vấn đề Syria
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cùng Liên Hợp quốc (LHQ) hy vọng rằng một ủy ban có trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới của Syria sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm tới.
Ngày 18/12, các Ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một Ủy ban Hiến pháp mới của Syria sẽ được triệu tập đầu năm 2019, bắt đầu một tiến trình hòa bình chính trị đầy triển vọng nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm tại quốc gia Trung Đông này.
Các ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vừa có cuộc họp thảo luận giải quyết vấn đề Syria tại Geneva hôm 18/12.
Nội dung quan trọng trên được đưa ra trong trong tuyên bố chung do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đọc sau cuộc họp với hai người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là ông Javad Zarif và ông Mevlut Cavusoglu cùng Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan De Mistura tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 18/12.
Theo Tuyên bố chung, công việc của Ủy ban Hiến pháp mới của Syria “sẽ được quản lý theo hướng thỏa hiệp và cam kết mang tính xây dựng”.
Ngoại trưởng Lavrov nói rằng kết quả cuộc họp tại Thụy sĩ rất tích cực, nhấn mạnh rằng Moscow, Tehran và Ankara cam kết đối với chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng khẳng định ba nước ủng hộ khởi động một tiến trình chính trị do Syria lãnh đạo để thành lập Ủy ban hiến phápSyria.
Trong một tuyên bố riêng, Đặc phái viên De Mistura nói rằng hiện các bên cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo thành lập một ủy ban hiến pháp cân bằng và đáng tin cậy cho Syria.
Nhà ngoại giao người Italia gốc Thụy Điển, là Đặc phái viên của LHQ phụ trách vấn đề Syria kể từ tháng 7/2014, cho biết ông sẽ báo cáo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres về kết quả của các cuộc đàm phán tại Geneva trong ngày 19/12 và Hội đồng Bảo an LHQ vào ngàu 20/12.
Ông Mistura dự kiến chấm dứt trọng trách này vào cuối tháng 11, nhưng ông đã đồng ý đảm nhiệm vị trí này đến ngày 31/12 nhằm thúc đẩy nỗ lực cuối cùng tiến tới thành lập Ủy ban hiến pháp Syria.
Việc thành lập Ủy ban hiến pháp Syria đã được nhất trí tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở TP Sochi của Nga hồi tháng 1/2018.
Sự ra đời Ủy ban này giữ vai trò quan trọng nhất cho tiến trình hòa bình do LHQ bảo trợ và mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tương lai.
Ủy ban hiến pháp Syria được LHQ hậu thuẫn dự kiến gồm 150 thành viên, chia đều thành 3 nhóm - một nhóm do chính phủ Syria lựa chọn, nhóm thứ hai do phe đối lập chọn và nhóm thứ ba do LHQ  lựa chọn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần