Thế giới trong tuần: Sập cầu ở Genoa, Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ “ăn miếng trả miếng”

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ chưa có dấu hiệu dừng lại và sập cầu ở TP Genoa, Italia... là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Italia tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập cầu cạn
Sáng 18/8, tại TP Genoa, chính quyền Italia đã tổ chức tang lễ cấp nhà nước tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập cầu Morandi hôm 14/8 tại thành phố này.
Địa điểm tổ chức tang lễ là Trung tâm Triển lãm thành phố Genoa, nơi đặt quan tài của 19 trong số các nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn.
 Italia tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập cầu cạn. Ảnh: RTE
Tổng thống Italia Sergio Mattarella, các Phó Thủ tướng Luigi Di Maio và Matteo Salvini cùng các nhân vật có trách nhiệm trong vụ sập cầu cũng có mặt tại buổi tang lễ. Thủ đô Rome cũng sẽ tắt hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm ở Đấu trường La Mã, Đài phun nước Trevi và Tòa Thị chính để bày tỏ tiếc thương các nạn nhân vụ sập cầu.
Liên quan đến các nạn nhân của vụ tai nạn, tối 17/8, thêm 4 nạn nhân nữa được tìm thấy trong tình trạng tử vong, nâng tổng số nạn nhân bị chết trong vụ tai nạn lên 42 người.
3 trong số 4 nạn nhân trên được tìm thấy trong một chiếc xe ô tô bị cháy nằm dưới đống đổ nát từ vụ sập cầu. Theo ước tính, vẫn còn hàng chục nạn nhân bị mất tích.
Vụ sập cầu Morandi được coi là thảm họa đối với người dân Italia, đồng thời làm dấy lo lắng về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các công trình giao thông có thể cướp đi mạng sống của người dân bất cứ lúc nào./.
 
Mỹ dọa áp thêm lệnh trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ không trả tự do cho mục sư Brunson
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đe dọa áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này không trả tự do cho mục sư người Mỹ Andrew Brunson.
Ngày 16/8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết nước này sẵn sàng áp thêm lệnh trừng phạt với Ankara nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan không nhanh chóng thả một mục sư người Mỹ.
 Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
“Chúng tôi đã áp lệnh trừng phạt lên một số thành viên nội các Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ trưởng Mnuchin nói trong cuộc họp của nội các Mỹ tại Nhà Trắng ngày 16/8. “Chúng tôi còn nhiều biện pháp nữa nếu họ không nhanh chóng thả ông ấy”.
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy nước này không phải là một bạn bè tốt của Mỹ. Họ đã giam giữ một linh mục tốt. Ông ấy là người vô tội”.
Trong thông báo đăng tải trên trang Twitter cuối ngày 16/8, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ sẽ “không trả gì” cho Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy sự tự do của ông Brunson.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi nghiêm trọng.
Căng thẳng giữa Ankara và Washington leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối trả tự do cho mục sư Brunson với cáo buộc khủng bố và gián điệp.
Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ với việc đồng lira mất giá mạnh bắt nguồn từ những căng thẳng gay gắt gần đây với chính quyền Washingtonliên quan đến vụ bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson.
Ngày 10/8 vừa qua, Washington đã tăng gấp đôi mức thuế nhập khẩu nhôm và thép từ Thổ Nhĩ Kỳ, một động thái khiến đồng lira lao dốc kỷ lục. Trong các phiên giao dịch ngày 10/8 và 13/8 vừa qua, đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất gần 1/4 giá trị.
Đáp lại, ông Erdogan coi đây là "tấn công có chủ đích vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ", đồng thời kêu gọi tẩy chay hàng điện tử Mỹ như iPhone, và tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng ô tô khách, đồ uống có cồn, và thuốc lá.
Trong phiên giao dịch ngày 17/8, đồng lira giao dịch ở mức 5,87 lira đối được 1 USD sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục 7,24 lira trong phiên 13/8.
Đồng lira phục hồi trong các phiên gần đây nhờ vào một số yếu tố bao gồm các biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết của Qatar sẽ đầu tư 15 tỷ USD vào nước này.
Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ được đẩy lên cao, Ankara cũng có khả năng tìm kiếm một mối quan hệ kinh tế năng động hơn với Trung Quốc và Nga.
Theo tin từ Văn phòng Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc điện đàm ngày 16/8, Tổng thống Tayyip Erdogan và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ kinh tế và thương mại, cũng như thúc đẩy đầu tư song phương.
Cựu Tổng thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan vừa qua đời ở tuổi 80
Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan qua đời tại bệnh viện ở TP Bern, Thụy Sĩ vào sáng ngày 18/8 (giờ địa phương), hưởng thọ 80 tuổi.
Quỹ Kofi Annan và gia đình ông Kofi Annan hôm nay (18/8) cho biết cựu Tổng thư ký LHQ qua đời ở tuổi 80 tại một bệnh viện ở TP Bern,Thụy Sĩ bên cạnh vợ - bà Nane và 3 người con Ama, Kojo và Nina. Sau khi thôi đảm nhiệm công việc tại LHQ, ông chuyển về Geneva và sau đó sống ở một ngôi làng Thụy Sĩ.

 Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan qua đời sáng 18/8. Ảnh: Reuters
Được biết, ông Annan qua đời sau một cơn bạo bệnh. Đại diện quỹ Quỹ Kofi Annan đưa ra thông báo trên Twitter, đồng thời gọi ông Annan là “người đã chiến đấu suốt đời vì một thế giới công bằng và hòa bình hơn”,
Thông báo của Quỹ Kofi Annan nói thêm rằng ông Annan, người đã tiếp nối thành công của ông Boutros Boutros-Ghali khi đảm nhiệm vị trí Nhà lãnh đạo LHQ, là một “người con của Ghana và cảm thấy một trách nhiệm đặc biệt đối với châu Phi”.
Được tin ông Kofi Annan vừa qua đời, Tổng thư ký LHQ đương nhiệm, ông António Guterres, cho biết: “Đối với LHQ, ông Kofi Annan, người đã vượt qua rất nhiều nỗ lực với phẩm giá tuyệt vời và quyết tâm vô song, đã chèo lái thành công tổ chức lớn nhất thế giới bước vào một thiên niên kỷ mới”.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair viết trên Twitter rằng ông đã bị “sốc” và đau khổ trước sự ra đi bất ngờ của ông Annan. “Ông ấy là một người bạn tốt mà tôi vẫn nhìn thấy cách đây vài tuần. Kofi Annan là một nhà ngoại giao vĩ đại, một chính khách thực sự, một đồng nghiệp tuyệt vời và được nhiều người tôn trọng. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới bà Nane và gia đình ông”, ông Blair chia sẻ thêm.
Ông Kofi Annan sinh ra tại Kumasi (Ghana) vào ngày 8/4/1938.
Ông Kofi Annan là nhà ngoại giao người Ghana, làm Tổng thư ký LHQ thứ 7. Ông giữ vai trò này từ tháng 1/1997 cho đến tháng 12/2006.
Ông Annan được đánh giá là một trong những Tổng thư ký LHQ để lại nhiều dấu ấn tích cực trong nhiệm kỳ của mình. Ông từng cùng LHQ được xướng tên nhận giải Nobel Hòa bình hồi năm 2001 nhờ những nỗ lực để giúp thế giới hòa bình và được tổ chức tốt hơn.
Lãnh đạo Hàn - Triều "chốt" cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 tại Bình Nhưỡng
Hai miền Triều Tiên đã quyết định tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới.
Ngày 13/8, các quan chức cấp cao hai miền Triều Tiên cho biết Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp tại thủ đô Bình Nhưỡng vào tháng 9.
Thông tin trên được đưa ra trong một tuyên bố chung sau cuộc thảo luận kéo dài gần 2 giờ giữa phái đoàn hai nước sáng cùng ngày ở làng đình chiến Panmunjom. Tuy nhiên, chi tiết về thời gian tổ chức và quá trình thực thi các thỏa thuận cũ không được đề cập.
Nếu diễn ra, đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên kể từ tháng 4 năm nay.
 Ngày 13/8, các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên tiến hành đàm phán cấp cao nhằm thảo luận về công tác tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới. Ảnh: Yonhap
"Chúng tôi nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng vào tháng 9", các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên thông báo trong tuyên bố chung đạt được sau cuộc hội đàm hôm 13/8.
Nếu cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra theo đúng kế hoạch, Tổng thống Moon Jae-in sẽ là nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên đến thăm thủ đô Bình Nhưỡng trong hơn một thập kỷ. 
Trước đó, Hàn Quốc và Triều Tiên đã bắt đầu đàm phán cấp cao nhằm thảo luận về công tác tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới. Cuộc đàm phán đã bắt đầu vào lúc 10 giờ (giờ địa phương, tại Tongilgak, một tòa nhà của Triều Tiên ở làng đình chiến Panmunjom.
Dẫn đầu phái đoàn tham gia đàm phán của Hàn Quốc là Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon trong khi dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên là Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Ri Son-gwon.

Sau cuộc thảo luận, Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Ri thông báo giới chức hai miền đã nhất trí ngày cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Bình Nhưỡng vào tháng 9 nhưng từ chối tiết lộ cụ thể.
Bộ trưởng Thống nhất Cho cho biết hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Bình Nhưỡng sẽ giúp cải thiện quan hệ song phương khi cho phép hai nhà lãnh đạo thảo luận về phi hạt nhân hóa và việc thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, trong cuộc gặp đầu tiên ngày 27/4 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thống nhất sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng vào mùa Thu năm nay.
Hai nhà lãnh đạo này đã gặp nhau lần thứ 2 vào ngày 26/5 vừa qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần