Thế giới trong tuần: Sóng gió lại "bủa vây" quan hệ Moscow – Washington

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga chuẩn bị các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ; Tổng thống Venezuela bị ám sát hụt là những sự kiện nổi bật trong tuần.

 Moscow sẽ đáp trả bằng mọi biện pháp nếu Washington “tuyên chiến kinh tế”
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên các ngân hàng Nga có thể bị coi là lời tuyên chiến kinh tế và sẽ bị đáp trả bằng mọi cách.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Kamchatka, vùng Viễn Đông của Nga, ngày 10/8, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã trả lời phỏng vấn về biện pháp đối phó của Nga đối với những lệnh trừng phạt mới về kinh tế trong tương lai của Mỹ.

 Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Mỹ rằng các lệnh trừng phạt mà nước này dự định áp đặt chống Nga với cáo buộc Moscow liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal có thể được xem như lời “tuyên bố chiến tranh kinh tế”.
Thủ tướng Medvedev nói rằng việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên các ngân hàng Nga có thể bị coi là lời tuyên chiến kinh tế và sẽ bị đáp trả bằng mọi biện pháp.
“Nếu các biện pháp như cấm ngân hàng Nga hoạt động hay sử dụng các dòng tiền tệ, đó rõ ràng có thể coi là lời tuyên chiến kinh tế”, hãng tin TASS của Nga dẫn lời Thủ tướng Medvedev.
Theo thủ tướng Nga, Moscow sẽ phản ứng bằng mọi biện pháp kinh tế, chính trị có thể được, và “những người bạn Mỹ” cần hiểu rõ điều này.
“Tôi không muốn bình luận thêm về các biện pháp trừng phạt trong tương lai, tuy nhiên điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói, đó là: Nếu họ cấm hoạt động ngân hàng hoặc cấm sử dụng bất cứ loại tiền tệ nào, chúng tôi sẽ gọi đó là lời tuyên bố chiến tranh kinh tế. Và chúng tôi sẽ phải đáp trả - về mặt kinh tế, chính trị hoặc bất cứ cách nào khác, nếu cần thiết. Những người bạn Mỹ của chúng tôi không nên phạm sai lầm về điều này”, Thủ tướng Medvedev  phát biểu trong một chuyến đi đến khu vực Kamchatka.
Phát ngôn trên là lời phản ứng trước động thái của chính quyền Mỹ nhằm chuẩn bị trừng phạt một số ngân hàng Nga. Vào tuần trước các thượng nghị sĩ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã trình bày dự thảo luật mới nhằm ngăn chặn hoạt động của nhiều ngân hàng Nga tại Mỹ, đồng thời hạn chế những tổ chức này sử dụng đồng USD.
Trước đó hôm 8/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo các lệnh trừng phạt mới với Nga vì cáo buộc liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại Anh hồi tháng 3/2018. Dù vậy, Anh hoặc Mỹ đều chưa đưa ra bằng chứng nào để làm rõ vụ việc.
Bộ Ngoại giao Nga cương quyết phủ nhận vai trò trong vụ đầu độc ông Skripal, gọi lệnh trừng phạt là trái phép, đồng thời cho biết sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả để đối phó với những lệnh trừng phạt mới.
Thủ tướng Medvedev cho rằng những lệnh trừng phạt đã có hiệu lực trước đây cũng như những biện pháp trừng phạt vừa được thông báo mang yếu tố chính trị và phần lớn là nhằm hạn chế sức mạnh kinh tế của Nga.
Đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Mỹ phát động “chiến tranh kinh tế”
Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức trở thành “nạn nhân đầu tiên” của những căng thẳng ngày một leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Ngày 10/8, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng tiền tệ tại quốc gia này.

 Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục trong tuần.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng ngày đã có động thái trấn an khi cam kết sẽ giành chiến thắng trong “cuộc chiến tranh thương mại” do Mỹ phát động và đang khiến thế giới lo ngại này.
Trên trang trang Twitter cá nhân, ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định tăng gấp đôi mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt lên 50% và 20%.
Ông Trump đồng thời thừa nhận, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), “hiện không tốt”.
Quyết định đã ngay lập tức khiến đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ “tuột dốc không phanh”, rơi xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã mất gần một nửa giá trị so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm, đã chứng kiến mức giảm thấp nhất trong lịch sử.
Theo đó, tại phiên đóng cửa thị trường chứng khoán Phố Wall, tỷ giá trao đổi giữa đồng Lira và USD là 6,43 Lira đổi 1 USD, tức là giảm 13,7% sau khi đã mất tới 24% trước đó cùng ngày.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã kêu gọi người dân đồng lòng trong cuộc đấu tranh mà ông gọi là vì dân tộc này thông qua việc trao đổi các ngoại tệ của mình để hỗ trợ đồng nội tệ.
“Nếu bất kỳ ai có đồng USD, Euro hoặc vàng dưới gối của mình, thì hãy trao đổi nó để lấy đồng Lira tại các ngân hàng của chúng ta. Đây là một trận chiến vì dân tộc và là câu trả lời của chúng ta gửi tới bất kỳ ai đang phát động một cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nhấn mạnh.
Ít nhất 387 người thiệt mạng vì động đất tại Indonesia

Cơ quan Điều phối Thảm họa Indonesia ngày 11/8 cho biết trận động đất xảy ra trên đảo Lombok tối 5/8 đã khiến tổng cộng 387 người thiệt mạng, 13.688 người bị thương và 378.067 người phải sơ tán.
Hội Chữ thập Đỏ cho biết lực lượng cứu hộ và viện trợ đã phải vật lộn để tiếp cận các phần phía bắc của đảo do những đống đổ nát sau động đất và nguy cơ sạt lở đang diễn ra. 
Trận động đất xảy ra trên đảo Lombok tối 5/8 đã khiến tổng cộng 387 người thiệt mạng.
Indonesia sẽ mất nhiều ngày để xác định đầy đủ hậu quả của trận động đất 6,9 độ ở Lombok. Cơ quan Điều phối Thảm họa Indonesia khẳng định chưa cần tới viện trợ quốc tế.
Sau đó, một trận động đất khác mạnh 5,9 độ lại xảy ra trưa 9/8 có tâm chấn sâu 12 km, nằm cách đảo Lombok 6 km về phía tây bắc. Giới chức không đưa ra cảnh báo sóng thần sau trận động đất hôm nay.
Trận động đất mới nhất làm sập nhiều tòa nhà, khiến số cư dân còn lại trên đảo Lombok hoảng loạn chạy ra đường, trong khi cuộc tìm kiếm nạn nhân mất tích sau vụ động đất hôm 5/8 vẫn đang diễn ra. 
Đội tìm kiếm và cứu nạn vẫn nỗ lực tiếp cận người mắc kẹt tại miền Bắc đảo Lombok, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất.
Vụ động đất hôm 5/8 đã gây ra ít nhất 350 dư chấn. Theo dự đoán, điều này có thể tiếp tục diễn ra trong 2 tuần tới. 
Tổng thống Venezuela bị ám sát hụt
Vụ ám sát bất thành Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đi theo một chiều hướng mới sau khi Venezuela cho biết đang nắm trong tay các bằng chứng cho thấy Colombia đứng đằng sau vụ việc này.
Trước đó, ông Maduro mới thoát khỏi một âm mưu ám sát khi ông có mặt tại một cuộc diễu binh lớn tại Thủ đô ngày 4/8. Vụ tấn công đã làm 7 binh sĩ bị thương, có 6 nghi phạm bị bắt. 4 ngày sau khi xảy ra vụ ám sát, Tổng thống Venezuela tiết lộ, vụ ám sát ông là một hành động có tính toán và có tổ chức. 11 sát thủ được thuê để tiến hành vụ ám sát, họ đều được đào tạo tại Colombia.
 Tổng thống Nicolas Maduro phát biểu trước khi vụ nổ xảy ra. Ảnh: AFP.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Venezuela cáo buộc nghị sĩ đối lập thuộc đảng Công lý trên hết (PJ) Juan Requesens đứng đằng sau vụ tấn công, ông này ngay lập tức bị bắt và bị tước quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ. Ngoài ra, tham gia vụ ám sát Tổng thống còn có một cựu nghị sĩ hiện đang sống lưu vong ở Mỹ và một người khác đang sống tại Colombia.
Vụ tấn công hụt Tổng thống Venezuela khiến mối quan hệ giữa Venezuela và Colombia, Mỹ rơi vào những “khúc mắc” ngoại giao mới. Chính phủ Mỹ tuyên bố không liên quan đến vụ ám sát hụt, còn về phần mình, Colombia đã bác bỏ những cáo buộc của lãnh đạo Venezuela. Trong khi đó, Caracas muốn cả Mỹ và Colombia hợp tác, đồng ý dẫn độ những đối tượng chủ mưu và liên quan về Venezuela điều tra, xét xử.