Thế giới trong tuần: “Sóng gió” liên tiếp bủa vây tập đoàn Huawei

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ lập kỷ lục mới về thời gian đóng cửa Chính phủ; Ba Lan bắt giữ một giám đốc kinh doanh của Huawei… là những sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần.

Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei đón nhận nhiều tin “không vui”

Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan (PISA) hôm 11/1 đã bắt giữ Giám đốc kinh doanh chi nhánh của tập đoàn Huawei, với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Đài truyền hình Ba Lan TVP đã xác định viên chức Huawei bị bắt giữ là giám đốc bán hàng của Huawei tại nước này, ông “Weijing W”, còn được gọi là Stanislaw Wang.
Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan hôm 11/1 đã bắt giữ Giám đốc kinh doanh chi nhánh của tập đoàn Huawei, với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.
Bản tin của TVP trích dẫn một tài liệu tòa án về vụ bắt giữ cho biết người còn lại là “Piotr D”, cựu sĩ quan cao cấp của Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan (PISA). 2 người này bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc chống lại Ba Lan nhưng chi tiết về các cáo buộc không được công bố.
Cùng ngày giới chức Ba Lan cho biết PISA thông báo đã bắt giữ một doanh nhân Trung Quốc vì tình nghi làm gián điệp.
Người phát ngôn PISA Stanislaw Zaryn thông báo 2 nghi phạm bị bắt hôm 8/1. Người còn lại được xác định là Piotr D., cựu nhân viên cấp cao của PISA - cơ quan chuyên điều tra về gián điệp và khủng bố. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với án tù 10 năm.
Một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc nói với South China Morning Post rằng một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Trung Quốc đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Ba Lan để đề nghị cung cấp dịch vụ lãnh sự cho công dân Trung Quốc bị bắt giữ.
Do không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, ông Weijing W sẽ bị giam giữ ít nhất 3 tháng, theo TVP.
Huawei đã xác nhận vụ bắt giữ nhưng không cung cấp thêm thông tin. “Huawei nhận thức được tình hình và chúng tôi đang xem xét vấn đề này. Chúng tôi không có bình luận gì trong thời điểm hiện tại”, thông báo của tập đoàn công nghệ nêu rõ.
Trung Quốc đã bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” sau vụ Ba Lan bắt giữ một giám đốc của tập đoàn công nghệ Huawei với cáo buộc làm gián điệp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/1 hối thúc Ba Lan bảo vệ các quyền hợp pháp của nhà quản lý cấp cao người Trung Quốc của tập đoàn Huawei với cáo buộc làm gián điệp.
Vụ bắt giữ chỉ liên quan đến cáo buộc gián điệp nhằm vào cá nhân. Hiện vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng công khai nào cho thấy thiết bị công nghệ của Huawei đã được sử dụng để làm gián điệp và công ty đã liên tục bác bỏ các cáo buộc như vậy. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây một số nước phương Tây đã hạn chế quyền tiếp cận của Huawei vào thị trường của họ.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch cấp cao về các vấn đề doanh nghiệp của Huawei tại Canada, ông Scott Bradley đã tuyên bố từ chức mà không đưa ra bất kỳ lý do nào. Chủ tịch Huawei tại Canada đã bày tỏ lấy làm tiếc vì quyết định của ông Bradley, ca ngợi sự đóng góp của ông này trong việc tạo nên danh tiếng của Tập đoàn, đồng thời hy vọng ông Bradley sẽ tiếp tục làm cố vấn đặc biệt theo yêu cầu.
Việc từ chức của ông Bradley diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Canada và Trung Quốc, liên quan đến vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu ở Vancouver và việc bắt giữ 2 công dân Canada ở Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái - được cho là động thái đáp trả từ phía Bắc Kinh.
Cũng trong ngày 11/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về việc bắt giữ 2 công dân nước này, đồng thời bảo vệ quyết định của Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, dựa theo yêu cầu của Mỹ.
Hiện chưa rõ vụ bắt giữ nhân viên Huawei tại Ba Lan có gây ra căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc như vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu hay không. Mặc dù vậy, với tập đoàn Huawei, đây có thể nói là một thời điểm khó khăn.
Mỹ lập kỷ lục mới về thời gian đóng cửa chính phủ
Ngày 12/1, nước Mỹ chính thức có kỷ lục mới về thời gian đóng cửa chính phủ khi đạt 22 ngày liên tiếp, vượt qua con số 21 ngày dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cuối năm 1995, đầu năm 1996.
22 ngày là thời gian đóng cửa lâu nhất của chính phủ Mỹ trong lịch sử nước này. Một phần Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa từ ngày 22/12/2018 vừa qua với những bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và Đảng Dân chủ về yêu cầu khoản ngân sách hơn 5 tỷ USD để xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico. Những tranh cãi này đến nay vẫn chưa thể đi đến hồi kết.
Ngày 12/1, nước Mỹ chính thức có kỷ lục mới về thời gian đóng cửa chính phủ khi đạt 22 ngày liên tiếp.
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấp ngân sách và mở cửa trở lại Bộ Nội vụ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cùng một số cơ quan liên bang khác chịu ảnh hưởng của tình trạng đóng cửa một phần chính phủ. Tuy nhiên, dự luật này có nguy cơ cũng sẽ bị Thượng viện và Nhà Trắng bác bỏ.
Đây là một phần trong hàng loạt dự luật mà các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện thúc đẩy trong tuần vừa qua, nhằm gây sức ép đối với phe Cộng hòa ở Quốc hội cũng như Nhà Trắng, trong bối cảnh tình trạng đóng cửa chính phủ vẫn tiếp diễn.
Phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng về vấn đề an ninh biên giới, ông Trump khẳng định, Quốc hội nên bỏ phiếu thông qua đề xuất xây dựng bức tường biên giới và ông chưa vội ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin Nhà Trắng đang chuẩn bị cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép Tổng thống  Trump xúc tiến dự án xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico. Nhiều khả năng Tổng thống sẽ huy động vốn cho bức tường biên giới từ quỹ hoạt động của Công binh lục quân nước này, cụ thể là số tiền 13,9 tỷ USD.
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa trong khoảng thời gian lâu nhất lịch sử đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân Mỹ. Khoảng 800.000 nhân viên liên bang đã bị ảnh hưởng khi phải làm việc mà không được trả lương hoặc bị sa thải. Nhiều công chức đã phải xin nghỉ việc, bán tài sản tích lũy, tìm việc làm thêm để có tiền sinh hoạt.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư hôm 9/1, sự kiện mà giới phân tích cho là nhằm bảo đảm mối quan hệ giữa hai nước được thắt chặt trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai.
Vài tháng gần đây, Triều Tiên và Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai, trong bối cảnh việc triển khai thực hiện các cam kết của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất cách đây gần 7 tháng vẫn hầu như giậm chân tại chỗ. Chính vì vậy, giới phân tích quốc tế cho rằng, ngoài việc thể hiện với thế giới rằng mối quan hệ Trung-Triều đang tốt đẹp, chuyến thăm còn có những thông điệp sâu xa hơn. 
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay tại cuộc gặp mặt ở Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này, một mặt ông Kim bày tỏ nỗ lực để cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt kết quả khả quan, mặt khác, nhà lãnh đạo Triều Tiên một lần nữa khẳng định không thay đổi lập trường về phi hạt nhân hóa.
Rõ ràng, đây là những thông điệp ông Kim Jong-un muốn gửi tới Washington và bằng chuyến đi này, ông muốn tối đa hóa lợi thế đàm phán trước cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Donald Trump, sau khi có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía đối tác Trung Quốc.

Kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, nhà nơi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc họp với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình và thăm một khu phát triển kinh tế ở Bắc Kinh, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 10/1 đưa tin: "Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận lời mời tới thăm Triều Tiên". 

Hàng nghìn người 'Áo vàng' lại biểu tình trên khắp nước Pháp
Ngày 12/1, nước Pháp lại tiếp tục chứng kiến làn sóng biểu tình "Áo vàng" với việc hàng nghìn người tuần hành trên khắp nước này. An ninh đã được siết chặt tại nhiều nơi trong bối cảnh giới chức lo ngại nguy cơ bùng phát bạo lực.
Tại Paris, nơi đã diễn ra các vụ bạo loạn và đập phá trong những dịp cuối tuần, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung gần nhà ga tàu hỏa Lyon để hướng về Khải Hoàn Môn.
Trong khi đó, làn sóng biểu tình "Áo vàng" cũng ghi nhận tại tại Chantilly, phía Bắc thủ đô Paris, với khoảng 1.000 người tham gia.
Ngày 12/1, nước Pháp lại tiếp tục chứng kiến làn sóng biểu tình Áo vàng với việc hàng nghìn người tuần hành trên khắp nước này.
Tại trung tâm TP miền Trung Bourges, ước tính 1.200 người đã xuống đường tuần hành. Sau khi có phần lắng dịu hơn trong kỳ nghỉ Năm Mới, làn sóng biểu tình đang có dấu hiệu bùng phát trở lại trong ngày 12/1, nhiều khả năng vượt qua con số 50.000 người hồi cuối tuần trước. 
Khoảng 5.000 cảnh sát chống bạo động đã được triển khai ở thủ đô Paris, lập các chốt bảo vệ cùng với xe bọc thép tại khu trung tâm Place de la Concorde và nhiều quận khác. Hàng trăm cảnh sát cũng đã có mặt để đảm bảo an ninh tại đại lộ Champs-Elysees, nơi tập trung nhiều ngân hàng cùng hệ thống cửa hàng sang trọng. Các lực lượng an ninh đã bắt giữ 24 đối tượng mang theo vũ khí dễ gây sát thương. 
Các nhà chức trách Pháp đã triển khai 80.000 cảnh sát trên khắp cả nước nhằm đối phó với làn sóng biểu tình chống chính phủ, hiện đã bước sang dịp cuối tuần thứ 9 liên tiếp. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner khẳng định sẽ không khoan dung trước những hành vi quá khích, đồng thời cảnh báo tình trạng cực đoan hóa gia tăng trong số những người biểu tình hòa bình. 
Đây cũng được đánh giá là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đối mặt trong suốt 20 tháng cầm quyền vừa qua.
Các cuộc biểu tình "Áo vàng" bắt đầu từ ngày 17/11 nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, sau đó đã bùng lên thành một làn sóng phản đối lịch trình kinh tế của Tổng thống Macron.