Thế giới trong tuần: Thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Đức-Pháp kêu gọi kéo dài lệnh ngừng bắn tại Syria

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh 4 bên tìm giải pháp giải quyết xung đột tại Syria; Xả súng đẫm máu tại giáo đường Do Thái ở Mỹ… là những sự kiện thế giới nổi bật trong tuần.

Nga, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi kéo dài ngừng bắn ở Syria
Ngày 27/10, lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh 4 bên về vấn đề Syria, diễn ra ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo Nga, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của ngừng bắn kéo dài ở Syria, cho rằng một ủy ban để tạo ra hiến pháp mới nên được tập hợp cuối năm 2018.
 Từ bên trái: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng chụp ảnh trước khi họp thượng đỉnh tại Istabul.
Ankara, từng hỗ trợ lực lượng chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và Moscow, đồng minh chính của Assad, đã đàm phán một thỏa thuận tạo ra khu vực phi quân sự tại khu vực phía Tây Bắc Idlib, Syria hồi tháng 9. Idlib và các khu vực liền kề là nơi chiếm đóng cuối cùng của lực lượng nổi dậy chống lại Assad năm 2011.
Tỉnh Idlib là nơi ở của khoảng 3 triệu người dân, hơn một nửa trong số đó đã chạy trốn đến các khu vực khác khi lực lượng chính phủ dâng cao.
“Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán một thỏa thuận cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Chúng tôi đã đảm bảo về điểm này… Tất cả chúng tôi sẽ vô cùng cẩn trọng để đảm bảo những cam kết này được thực hiện và quá trình ngừng bắn lâu dài và ổn định” - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên.
“Chúng tôi trông chờ Nga sẽ đưa ra áp lực rõ ràng với chính quyền (Syria) mà họ đã giúp tồn tại” – ông Macron nói thêm.
Trong ngày 26/10, tình trạng bắn phá ở Idlib khiến ít nhất 7 dân thường thiệt mạng - con số lớn nhất trong một ngày kể từ khi những cuộc không kích của Nga dừng lại vào giữa tháng 8, một nhà quan sát cho biết.
Theo thỏa thuận trong tháng 9, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng ý thành lập khu vực đệm chạy dài 15-20 km vào lãnh thổ phiến quân và phiến quân phải sơ tán tất cả vũ khí hạng nặng và binh sỹ thánh chiến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang hoàn thành nghĩa vụ về thỏa thuận Idlib. “Quá trình này không đơn giản, và Nga có kế hoạch tiếp tục hợp tác”, ông Putin nói.
Tổng thống Macron, Putin, Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi tập hợp một ủy ban hiến pháp cuối năm 2018. Ông Erdogan nhấn mạnh rằng việc này cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Các thành viên tham gia hội thảo hòa bình Syria ở Nga hồi tháng 1 đồng ý hình thành ủy ban 150 thành viên để viết lại hiến pháp Syria, với một phần ba thành viên do chính phủ lựa chọn, một phần ba do các nhóm đối lập và một phần ba do Liên Hợp quốc (LHQ) lựa chọn.
Đại sứ LHQ Staffan de Mistura nói với Hội đồng an ninh ngày 26/10 rằng Damascus muốn LHQ tạo điều kiện để viết lại hiến pháp nhưng không muốn tổ chức này đọc tên một phần ba số thành viên ủy ban.
Mỹ: Xả súng hàng loạt gần giáo đường Do Thái, 11 người ra đi mãi mãi
11 người được cho là đã chết và một số người khác bị thương trong một vụ xả súng gần giáo đường Do thái Tree of Life ở TP Pittsurgh, Mỹ trong ngày 27/10 - giới truyền thông cho biết.
Cảnh sát ở TP Pittsburgh đã có mặt tại hiện trường vụ xả súng và đã bắt giam nghi phạm.
“Có 11 người tử vong sau vụ xả súng. Trong đó không có trẻ em. Ngoài ra có 6 người khác bị thương, bao gồm 4 cảnh sát” – nguồn tin cảnh sát cho biết.
 Tại hiện trường vụ xả súng ở Mỹ hôm 27/10.
Các nhà chức trách đã xác nhận nghi phạm bị giam giữ có tên là Robert Bowers.
Điệp viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Bob Jones phụ trách văn phòng ở Pittsburgh cho biết các điều tra viên tin rằng nghi phạm Bowers hành động một mình và có động cơ chưa được xác định.
Tổng thống Donald Trump đã lên án vụ tấn công là một hành động giết người hàng loạt và chống Do Thái, đặc biệt là khi nó diễn ra tại giáo đường Tree of Life trong một buổi lễ đặt tên cho em bé.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết Bowers có thể đối mặt với án tử hình.
Liên hợp quốc kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết những bất đồng về INF
Ngày 22/10, Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ)  Antonio Guterres bày tỏ hy vọng rằng Nga và Mỹ sẽ giải quyết được những bất đồng xung quanh việc Washington công bố kế hoạch rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Farhan Haq nhấn mạnh: “Người đứng đầu LHQ đã nắm được những nội dung bình luận của Mỹ liên quan tới INF và hy vọng rằng hai cường quốc sẽ cùng phối hợp để giải quyết những bất đồng”.
 Tổng thư ký Liên Hợp quốc  Antonio Guterres.
Ông Haq cho biết, trước đó, trong một bài diễn thuyết tại trường đại học Geneva vào tháng 5/2018, Tổng thư ký LHQ cũng đã kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết những tranh cãi về INF. Cũng nhân sự kiện này, ông Guterres đã đề cập tới việc gia hạn hiệu lực của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) được áp dụng đối với các loại vũ khí tấn công chiến lược, vốn sẽ hết hiệu lực trong vòng 3 năm tới, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hành động để cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân đang sở hữu.
Tại phiên họp của Ủy ban Thứ nhất của Đại hội đồng LHQ về giải trừ quân bị diễn ra ở New York (Mỹ) ngày 22/10, những tranh cãi giữa Nga và Mỹ xung quanh INF tiếp tục được hâm nóng và “gây lời qua tiếng lại” giữa đại diện hai nước.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Ả Rập Saudi dẫn độ 18 nghi phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Ngày 26/10, Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu phía Riyadh dẫn độ cả 18 nghi phạm trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Riyadh công bố đã bắt giữ tất cả các nghi phạm của vụ việc này. Bộ trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul cho biết tất cả 18 nghi phạm đều mang quốc tịch Ả Rập Saudi.
 Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu phía Riyadh dẫn độ cả 18 nghi phạm trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, hôm 25/10, các công tố viên Ả Rập Saudi nói rằng, vụ sát hại Khashoggi dường như đã được lên kế hoạch từ trước. Nhận định này trái ngược với những tuyên bố chính thức trước đó của Riyadh rằng vụ việc xảy ra “một cách vô tình” trong cuộc ẩu đả ở lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Phía Ả Rập Saudi đã bắt giữ 18 người này trong cuộc điều tra vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Trong số này có 15 người trong nhóm an ninh mà Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ đã bay tới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài giờ trước vụ sát hại Khashoggi.
Tổng thống Tayyip Erdogan trong những ngày gần đây đang gây sức ép, buộc Ả Rập Saudi phải tiết lộ ai đã ra lệnh vụ giết nhà báo Khashoggi. Trong khi đó, các nước phương Tây cũng lên tiếng hoài nghi, khiến Ả Rập Saudi - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng dầu thế giới và đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông, rơi vào cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng.
Tổng thống Erdogan nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều thông tin hơn những gì đã chia sẻ từ trước tới nay về vụ sát hại nhà báo Khashoggi - làm việc cho tờ  Washington Post, bị sát hại trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul ngày 2/10.
Nhà báo Khashoggi là người Ả Rập Saudi và sống ở Mỹ từ năm 2017, thường xuyên viết bài bình luận chỉ trích các chính sách của Ả Rập Saudi.
Ngày 26/10, Tổng thống Erdogan đã hối thúc Ả Rập Saudi sớm công bố nơi phi tang thi thể của nhà báo Khashoggi để vụ việc được phơi bày trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu với các tỉnh trưởng thuộc nội bộ Đảng Công lý và Phát triển (AKP) tại Quốc hội, Tổng thống Erdogan cho biết công tố viên trưởng của Ả Rập Saudi sẽ tới Istanbul trong ngày 28/10 tới để thảo luận với nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới cuộc điều tra vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần