Thế giới trong tuần: Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ sau khi bị Mỹ trừng phạt

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và việc Mỹ áp lệnh cấm vận với một đơn vị quân đội Trung Quốc vì mua vũ khí của Nga là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Trung Quốc phản ứng gay gắt sau khi bị Mỹ trừng phạt vì mua vũ khí của Nga

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa triệu tập đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh để phản đối vụ Washington trừng phạt một cơ quan quân đội Trung Quốc vì mua máy bay chiến đấu và tên lửa của Nga.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang đã triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Brandstad để cho sự thấy sự nghiêm trọng của vấn đề và phản đối lệnh trừng phạt của Washington.

Tên lửa S-400 là một trong các loại vũ khí Trung Quốc mua từ Nga. Ảnh: Sputnik

Trước đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng khẳng định, quyết định mua chiến đấu cơ và tên lửa từ Nga là hoạt động hợp tác bình thường của 2 quốc gia có chủ quyền và Mỹ không có quyền can thiệp.

Ngày 21/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt đối với Cơ quan phát triển thiết bị Trung Quốc (EED), trực thuộc quân đội nước này phụ trách việc mua vũ khí, vì giao dịch với tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboexport của Nga.

Mỹ sẽ ngăn cản EED và giám đốc của cơ quan này Li Shangfu trong việc thực hiện các thỏa thuận xuất khẩu vũ khí và tham gia vào hệ thống tài chính Mỹ.

Lý do trừng phạt của Mỹ là do Trung Quốc đã mua của Nga 10 tiêm kích Su-35 vào tháng 12/2017 và một số hệ thống tên lửa phòng không S-400 vào tháng 1/2018. Hợp đồng bán S-400 cho Trung Quốc được ký vào năm 2015.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington dự định áp đặt các biện pháp hạn chế với bất kỳ quốc gia nào hợp tác với các doanh nghiệp quốc phòng hay các cơ quan tình báo của Nga.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm: không cấp các giấy phép cho Cục Phát triển trang bị, cấm thực hiện các giao dịch với hệ thống tài chính Mỹ, Mỹ phong tỏa tài sản đang nằm trong phạm vi kiểm soát của Mỹ.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên chúng tôi áp đặt trừng phạt theo Điều 231 của CAATSA (Đạo luật Chống lại các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt). Đây là bước đi quan trọng”, đại diện chính quyền Mỹ tuyên bố.

Đạo luật CAATSA đã được Mỹ đưa vào hiệu lực từ năm 2017 để phản ứng với vụ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và sự can thiệp vào tình hình nội bộ Ukraine.

Nhóm tay súng tấn công cuộc diễu binh ở Iran, 25 người chết

Ít nhất 25 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương sau khi một nhóm tay súng khai hỏa trong cuộc diễu binh diễn ra ở TP Ahvaz  thuộc tây nam Iran ngày 22/9.

Truyền hình Iran đưa tin cuộc tấn công nhắm vào khán đài nơi có nhiều quan chức đang xem cuộc diễu binh thường niên nhằm đánh dấu cuộc chiến với Iraq trong giai đoạn 1980-1988. Iran đang tổ chức những sự kiện tương tự ở các TP khác, trong đó có thủ đô Tehran.

Tại hiện trường vụ xả súng trong lễ diễu binh tại Iran. Ảnh: Reuters

“Nhiều tay súng bắt đầu nã đạn từ phía sau khán đài trong lúc diễn ra diễu binh”, một phóng viên nói trên truyền hình. Đám đông khán giả bắt đầu tháo chạy tán loạn trong khi lực lượng an ninh vội vã che chắn cho các quan chức.

Theo hãng tin ISNA, trong số người tử vong có 12 thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Cũng theo ISNA, có 4 tay súng tiến hành cuộc tấn công và tất cả đã bị tiêu diệt. Hiện một nhóm Ả Rập chống chính phủ Iran có tên là Phong trào Kháng chiến Quốc gia Ahvaz và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng không đưa ra bằng chứng nào.

Tổng thống Hàn Quốc cùng Chủ tịch Kim du ngoạn núi thiêng Paekdu, kết thúc chuyến thăm lịch sử

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sáng 20/9 đã cùng nhau đến thăm đỉnh Paekdu, đánh dấu thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3.

Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cùng nhau đến thăm đỉnh Paekdu, ngọn núi cao nhất của bán đảo Triều Tiên, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng bắt đầu từ ngày 18/9.

Núi Paekdu là ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động nằm trên biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều bắt tay sau cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters

Đối với người dân Triều Tiên cũng như người Hàn Quốc, núi Paekdu là vùng đất linh thiêng. Triều Tiên khẳng định cố lãnh đạo Kim Jong-il ra đời tại một ngôi làng trên núi Paekdu.

Do chia cách hai miền, người Hàn Quốc không thể đến thăm Paekdu trong nhiều năm qua.

Khi gặp Nhà lãnh đạo Kim Jong Un lần đầu hồi tháng 4, Tổng thống Moon cho biết ông được mời leo lên đỉnh Paekdu từ phía Trung Quốc, nhưng đã từ chối lời mời.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói mong muốn của ông là được lên lên núi Paekdu từ phía Triều Tiên, nhằm thể hiện hy vọng cải thiện mối quan hệ hai miền đến mức độ bất kỳ người dân Hàn Quốc nào cũng có thể đến thăm ngọn núi từ Triều Tiên.

Chuyến tham quan núi Paektu đánh dấu thêm bước tiến trong việc cải thiện quan hệ liên Triều trong thời gian gần đây.

Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên có thể sẽ đi xe hơi đến tận đỉnh núi nếu điều kiện thời tiết cho phép. Sau đó, hai ông cũng có thể sẽ ghé thăm miệng núi lửa nổi tiếng Chonji.

Kết thúc chuyến du ngoạn, Tổng thống Moon sẽ trở lại Bình Nhưỡng để chuẩn bị lên đường về nước.

Cuộc đối thoại giữa ông Moon và Chủ tịch Kim tại Bình Nhưỡng là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 trong năm nay.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Bình Nhưỡng hôm 19/9 cam kết dỡ bỏ các cơ sở thử tên lửa then chốt và gợi ý khả năng đóng cửa lò hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có hành động thiện chí.

Triều Tiên sẽ cho phép các chuyên gia từ “các quốc gia quan tâm” theo dõi quá trình đóng cửa các khu vực tự động cơ tên lửa tại Dongchang-ri, Tổng thống Hàn Quốc khẳng định tại cuộc họp báo chung với ông Kim Jong Un hôm 19/9.

Theo ông Moon, Bình Nhưỡng cũng tiến tới đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon then chốt nếu Mỹ có những biện pháp đối lại tích cực.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên tại Bình Nhưỡng được đánh giá thành công trong nỗ lực nhằm nối lại cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa, vốn đang bị đình trệ trong thời gian qua.

Chỉ vài giờ sau khi ông Moon và Kim ra tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, ông đã mời Ngoại trưởng Triều Tiên tới New York trong tuần tới, nhằm hoàn thiện tiến trình phi hạt nhân hóa. 

Chiến thắng áp đảo, ông Abe có cơ hội trở thành Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử Nhật Bản

Trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ngày 20/9, ông Shinzo Abe đã chiến thắng áp đảo, trở thành Thủ tướng Nhật Bản 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Ngày 20/9, Thủ tướng Shinzo Abe giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đứng trước cơ hội trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử Nhật Bản.

Ông Shinzo Abe giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ngày 20/9.

Ông Abe đã đạt được 553 phiếu trên tổng số 807 phiếu hợp lệ, quá bán số phiếu bầu trong cuộc bầu cử nội bộ đảng LDP.

Trong khi đó, đối thủ duy nhất của ông Abe trong cuộc bầu lãnh đạo LDP là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishida chỉ giành được 254 phiếu.

Chiến thắng áp đảo này cũng mở đường để đương kim Thủ tướng Abe, sẽ có thêm ít nhất là 3 năm nữa để chèo lái nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử Nhật Bản, nhiều hơn thời gian 2.886 ngày tại nhiệm của thủ tướng Taro Katsura.

Nhiệm kỳ thứ 3 của ông Abe với cương vị Chủ tịch LDP sẽ kết thúc vào tháng 8/2021.

Đương kim Thủ tướng Abe cho rằng điều đầu tiên ông làm là sẽ tiếp tục cải cách hiến pháp, trong đó chủ yếu tập trung vào điều 9 liên quan đến lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

"Tôi muốn thực hiện việc cải cách hiến pháp cùng với tất cả các bạn", ông Abe phát biểu sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố hôm 20/9.

Tuy nhiên, thách thức đầu tiên đối với ông Abe là cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào tuần tới, khi ông phải đối mặt với áp lực phải cắt giảm khoản thặng dư thương mại 69 tỷ USD của Nhật Bản với Mỹ, trong đó gần 2/3 là từ xuất khẩu ô tô.

Thủ tướng Abe dự kiến ​​sẽ gặp Tổng thống Trump bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc vào tuần tới. Ông Trump đã tỏ ra không hài lòng đối với sự mất cân đối thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản, và muốn đạt một thỏa thuận hai chiều.

Tuy nhiên, phía Tokyo phản đối một thỏa thuận song phương vì lo ngại điều này gây áp lực đối với các ngành nhạy cảm như nông nghiệp.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang tiến hành cuộc khảo sát để xem xét tăng thuế đối ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, mà theo các quan chức Tokyo có thể sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế 2 nước cũng như thương mại thế giới.

Ở trong nước, Thủ tướng Abe cũng phải đạt mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.

Ông Abe cũng cam kết sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đối phó với những thảm họa thiên nhiên đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết ông sẽ nâng thuế bán hàng từ 8% hiện nay lên mức 10% từ tháng 10/2019, tuy nhiên chính sách thuế này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế tương tự như chính sách bảo hộ của ông Trump tác động đến xuất khẩu của Nhật Bản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần