Thế giới tuần qua: Biểu tượng cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời ở tuổi 90; ứng viên Tổng thống Mỹ đòi kiểm lại phiếu bầu ở các bang chiến trường... là những sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Lãnh tụ Fidel Castro qua đời
Lãnh tụ Fidel Castro (trái) là biểu tượng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Người dân Cuba và thế giới đã bàng hoàng trước tin lãnh tụ Fidel Castro - biểu tượng của tinh thần cách mạng và giải phóng dân tộc - qua đời hôm 25/11 (giờ Cuba). Chủ tịch Cuba Raul Castro cho biết, thi hài ông Fidel Castro sẽ được hỏa táng trong ngày 26/11 theo giờ Cuba. Việc hỏa táng được tiến hành theo ý nguyện của ông Fidel. Ông Fidel Castro là nhà lãnh đạo đã dẫn dắt phong trào cách mạng của nước này lật đổ chế độ độc tài Batista vào năm 1959.
Thành lập nhà nước Cuba kể từ năm 1959, ông trở thành thủ tướng Cuba kể từ năm 1959 tới 1976. Kể từ năm 1976 tới 2008, ông là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba.
Từ năm 1961 tới 2011, ông Castro đồng thời là Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba. Năm 2008, khi sức khỏe yếu, ông đã trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho người em trai Raul Castro của mình.
Những người ủng hộ lãnh tụ Fidel đều ca ngợi ông là người đã mang lại độc lập, chủ quyền cho nhân dân. Cùng với Che Guevara, Fidel là nhà lãnh đạo huyền thoại của phong trào cách mạng các nước Latin và đã truyền cảm hứng cho nhiều phong trào giải phóng dân tộc các nước. 
Bang chiến trường đầu tiên của Mỹ chấp thuận kiểm lại phiếu bầu
Ứng viên Tổng thống của đảng Xanh Jill Stein đã yêu cầu kiểm lại phiếu bầu tại 3 bang chiến trường mà ông Trump đã giành chiến thắng sít sao là Winconsin, Michigan và Pennsylvania.
Bà Jill Stein đề nghị kiểm lại phiếu trong cuộc bầu cử Mỹ.
Bà Stein khẳng định động thái này không nhằm vào Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mà để củng cố tính liêm chính của hệ thống bầu cử Mỹ. Kể từ khi công bố chiến dịch kiểm lại phiếu, bà Stein đã huy động được hơn 5 triệu USD tiền ủng hộ. Trong trường hợp các đề nghị bị từ chối, bà Stein cho biết sẽ dùng số tiền này để thúc đẩy cải cách hệ thống bầu cử.
Ngoài bà Stein, ứng viên Tổng thống độc lập Rocky De La Fuente cũng yêu cầu tái kiểm phiếu ở bang Wisconsin. Bà Stein cùng những người khác tìm cách tái kiểm phiếu sau khi một số chuyên gia an ninh mạng cảnh báo hệ thống máy tính tại các bang này có thể bị tấn công khiến kết quả phiếu bầu bị thay đổi.
Đại diện Ủy ban bầu cử bang Wisconsin cho biết đã nhận được đơn của bà Stein và sẽ bắt đầu kiểm phiếu lại vào cuối tuần tới.
Giá dầu khởi sắc nhưng chưa hết lo
Giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất trong gần một tháng, trước kỳ vọng OPEC sẽ đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp quyết định ngày 30/11 tới. Dầu Brent đã tăng giá 6,5% trong vòng 2 tuần qua, chạm mốc gần 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2015.
Tuy nhiên, ngoài Iran vẫn cương quyết đòi hỏi rằng nước này phải đạt được sản lượng trước thời điểm bị cấm vận mới đồng ý tham gia thỏa thuận, một số nước thành viên OPEC khác cũng lên tiếng yêu cầu những hỗ trợ riêng như Iraq, Lybia và Nigeria. Lý do các nước này đưa ra đều là vì bất ổn và xung đột chiến sự khiến cho sản lượng khai thác bị ảnh hưởng tiêu cực, để tránh được nghĩa vụ cắt giảm sản lượng trong OPEC lần này. 
Bên cạnh đó, chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng cũng tăng thêm rủi ro cho nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC. Tổng thống mới đắc cử chủ trương độc lập về năng lượng, dỡ bỏ hầu hết các hạn chế trong hoạt động khoan dầu của Mỹ. Điều này có thể khiến cho sản lượng dầu thế giới leo thang, đồng nghĩa với kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mà OPEC đang ra sức vận động các nước trong khối và cả ngoài khối có khả năng bị lung lay. 
Tổng thống đắc cử Mỹ chỉ định nhiều tỷ phú vào nội các
2 tỷ phú là Betsy DeVos và Wilbur Ross đã được ông Trump chỉ định vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Thương mại. Chưa hết, nhà điều hành tập đoàn Blackstone có thể trở thành Bộ trưởng tài chính.
Nữ tỷ phú Betsy DeVos được chỉ định làm Bộ trưởng Giáo dục.
Các lựa chọn này đều củng cố cho chính sách tranh cử từ trước đến nay ông Trump theo đuổi. Đó là ưu tiên giải quyết vấn đề đối nội, hạn chế nhập cư và củng cố vị thế bá chủ của kinh tế Mỹ, trước sự cạnh tranh từ các quốc gia khác trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tỷ phú Ross mặc dù tuyên bố quan tâm tới việc thúc đẩy thương mại quốc tế nhưng đồng tình với chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử khi cho rằng Mỹ cần được giải phóng khỏi “xiềng xích” của "những hiệp định thương mại tệ hại".
Bên cạnh đó, các lựa chọn của ông Trump đều cho thấy, vấn đề đối ngoại dưới thời ông Trump dường như sẽ được giảm bớt và Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ chuyển từ chính sách “đối đầu” sang các biện pháp mềm mỏng hơn trong quan hệ với Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần