Thế giới tuần qua: Châu Âu lại hứng chịu khủng bố

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một loạt quốc gia châu Âu hứng chịu khủng bố, các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Trump liên tục rút lui là những thông tin nổi bật tuần qua.

Tây Ban Nha bị tấn công khủng bố
Trong 3 ngày từ 16 - 18/8, 3 vụ tấn công đã xảy ra khiến 13 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương. Trong đó có một vụ lao xe mà nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm.
Nghi phạm Moussa Oukabir. 
Moussa Oukabir (17 tuổi), nghi phạm được cho là tham gia vụ lái xe lao vào đám đông người đi bộ ở Barcelona hôm 17/8 đã bị tiêu diệt. Oukabir và các đồng bọn được cho là đã lái xe dọc khu phố Las Ramblas đông đúc ở Barcelona và đâm hàng loạt người đi bộ vào chiều ngày 17/8, khiến 13 người thiệt mạng và 100 người khác bị thương.
Các quan chức an ninh tin rằng vụ khủng bố ở Barcelona và Cambrils được tiến hành bởi một nhóm gồm ít nhất 12 người. Những nghi phạm này có thể đã bị kích động bởi vụ tấn công khủng bố ở London Bridge (Anh) hồi tháng Sáu. 
Sau Tây Ban Nha, cảnh sát Phần Lan đã bắt 6 người liên quan đến vụ đâm dao tại Turku ngày 18/8. Nghi phạm chính là một công dân Morocco 18 tuổi. Cảnh sát Phần Lan thông báo đang điều tra vụ việc theo hướng "tấn công khủng bố".

Mỹ chính thức điều tra vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc

Ngày 18/8, trong một tuyên bố, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, sau khi tham vấn với các bên liên quan và những cơ quan chính phủ khác, ông đã xác định rằng những vấn đề quan trọng này xứng đáng có một cuộc điều tra kỹ lưỡng.
 Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthize.
Đây là bước đi được dự đoán từ trước sau khi Tổng thống Donald Trump hồi đầu tuần ký sắc lệnh và cho Đại diện Thương mại Robert Lighthize thời gian một năm để xác định xem liệu có cần thiết tiến hành điều tra hay không.
Cuộc điều tra này là biện pháp trực tiếp đầu tiên của chính quyền Mỹ nhằm vào hoạt động thương mại của Trung Quốc.
Nhà Trắng cho rằng, các chính sách của Bắc Kinh hiện đang làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh và việc làm của các công ty Mỹ. Quy định của Trung Quốc yêu cầu công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh của Trung Quốc và sự thất bại trong việc quản lý hành vi vi phạm tài sản trí tuệ từ lâu luôn là vấn đề tồn tại đối với các đối tác như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump ước tính, các vi phạm sở hữu trí tuệ của công ty Trung Quốc có thể lên tới 600 tỷ USD.
Châu Âu rối ren trong bê bối trứng bẩn
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Daniel Rosario cho biết, cho tới nay, vụ bê bối trứng "bẩn" đã ảnh hưởng đến 16 nước châu Âu gồm Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển, Anh, Áo, Ireland, Italy, Luxembourg, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia Đan Mạch và Tây Ban Nha gây thiệt hại hàng triệu Euro. Vụ bê bối trứng "bẩn" tại các trang trại chăn nuôi gia cầm ở châu Âu tiếp tục lan rộng khi Hong Kong (Trung Quốc) thông báo phát hiện số lượng lớn trứng nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu Fipronil độc hại.
 Trứng "bẩn" bị tiêu hủy ở Hà Lan.
Gần 250.000 quả trứng nhiễm hóa chất Fipronil đang được bán ở thị trường Pháp kể từ tháng 4. Trong khi đó, theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh, khoảng 700.000 quả trứng gà liên quan đến bê bối nhiễm hóa chất Fipronil trừ bọ độc hại ở Hà Lan đã được phân phối tại Anh. Vụ bê bối đã bộc lộ những vấn đề trong quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại Lục địa già.
Đức và Pháp, nơi các trang trại trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bán gà, đã đưa ra các chỉ trích nhằm vào Bỉ và Hà Lan. Tại 2 quốc gia này, hơn 200 trang trại nuôi gà lấy trứng đã bị nhiễm độc sau khi tẩy trùng chuồng trại bằng các sản phẩm có chứa Fipronil - loại thuốc diệt khuẩn bị cấm sử dụng trong lĩnh chăn nuôi gia cầm dùng làm thực phẩm.
Một loạt quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump "dứt áo ra đi"
Hôm 18/8, chiến lược gia Steve Bannon bị sa thải, đánh dấu 4 tuần lễ mà nhiều quan chức cao cấp đã rút lui khỏi Nhà Trắng, bao gồm cựu Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, cựu Phát ngôn viên Sean Spicer và cựu giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci.
 Ông Steve Bannon.
Ông Bannon, 63 tuổi, đóng vai trò quan trọng trong thành công của ông Trump đến Nhà Trắng. Ông Bannon được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump vào tháng 8/2016 và là người thúc đẩy Tổng thống Donald Trump theo đường lối dân túy.
Tuy nhiên, ông Bannon được cho là không hòa thuận với một số nhân vật khác trong Nhà Trắng, trong đó có con gái ông Trump Ivanka, con rể ông Trump kiêm Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia H.R. McMaster và giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Gary Cohn. Ông thường gọi họ là “người phe Dân chủ” và cố gắng kéo Tổng thống Donald Trump về đường lối dân tộc chủ nghĩa.
Trước đó, một loạt CEO của các tập đoàn lớn đã bắt đầu rút khỏi 2 hội đồng tư vấn kinh tế cho Tổng thống để bày tỏ thái độ phản đối phát ngôn của Tổng thống Trump về việc diễu hành của một nhóm người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng bài ngoại biến thành một vụ bạo loạn sau khi có xô xát với những người phản đối khiến một người thiệt mạng. Theo đó, ông Trump khẳng định, vụ bạo lực tại Charlottesville, bang Virginia là do cả 2 phía gây ra.
8 thành viên của Hội đồng sản xuất đã rút lui trong khiến ông Trump phải tuyên bố giải tán cả 2 nhóm cố vấn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần