Thế giới tuần qua: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi phát cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cuộc chạy đua để đưa đội bóng thiếu niên Thái Lan mắc kẹt ra khỏi hang là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/7 tuyên bố Mỹ đã “châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế”.
Vào 12 giờ ngày 6/7 (giờ địa phương), Mỹ bắt đầu triển khai mức thuế mới với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Chưa dừng ở đó, đợt áp thuế tiếp theo với 16 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc có thể có hiệu lực sau vài tuần.
Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lần này bao gồm thiết bị y tế, phụ tùng ô tô và máy móc công nghiệp. Trung Quốc phản công với thuế áp lên thịt, hải sản và ô tô thể thao cùng các mặt hàng khác nhập từ Mỹ.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là không chỉ ảnh hưởng tới 2 nước này mà còn gây thiệt hại cho nhiều quốc gia khác.
Sau “phát súng” khai màn từ phía Mỹ, bất chấp lời đe dọa trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ áp thuế lên số hàng hóa có tổng giá trị lên tới 500 tỷ USD nếu Bắc Kinh trả đũa, Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố áp thuế đối với hàng Mỹ nhập khẩu Trung Quốc với trị giá tương đương số hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế.
Bắc Kinh gọi những gì Washington làm là “khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố với các phóng viên rằng Bắc Kinh cũng áp dụng biện pháp trả đũa, áp đặt thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ như đậu tương, ô tô điện, tôm hùm…
Có thể thấy rõ một điều là Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ bởi kim ngạch thương mại song phương hiện có lợi cho Trung Quốc và nước này đang tích lũy nhiều thành tựu công nghệ từ Mỹ trong quá trình giao thương. Thực tế những gì diễn ra đã cho thấy Mỹ luôn hành động trước còn Trung Quốc là bên đáp trả.
Về lý thuyết, khi xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại, nước nhập khẩu nhiều hơn sẽ chịu ít thiệt hại hơn nước xuất khẩu (theo số liệu của cơ quan chức năng Mỹ, năm 2017, nước này thâm hụt thương mại hơn 375 tỷ USD với Trung Quốc).
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của DBS, Taimur Baig, một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,25% tổng GDP của cả hai nền kinh tế trong năm nay. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi cả hai nước đều phải chứng kiến mức suy giảm kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là không chỉ ảnh hưởng tới 2 nước này mà còn gây thiệt hại cho nhiều quốc gia khác. 
Thái Lan chạy đua để giải cứu đội bóng thiếu niên mắc kẹt ra khỏi hang
Kể từ khi phát hiện vị trí 12 cậu bé và huấn luyện viên bóng đá mắc kẹt trong hang Tham Luang, đội cứu hộ vẫn đang chạy đua với nước và thời gian để hoàn thành sứ mệnh bảo đảm an toàn cho các cậu bé.
12 cậu bé trong độ tuổi từ 11 đến 16 cùng vị huấn luyện viên 25 tuổi đã mất tích từ ngày 23/6 khi đi thám hiểm hang Tham Luang gần biên giới phía bắc giữa Thái Lan và Myanmar. Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin vào tối 2/7, đội cứu hộ đã tìm thấy đội cầu thủ nhí và huấn luyện viên tại địa điểm cách cửa hang Tham Luang 4 km.
Trong cuộc họp báo vào 10 giờ sáng 7/7 trước hang động Tham Luang Nang Non, Chỉ huy chiến dịch giải cứu đội bóng mắc kẹt, ông Norongsak Osoththnakorn thừa nhận các thách thức đối với cuộc giải cứu vượt quá những gì mà giới chức nước này và các chuyên gia đã dự tính.
Thái Lan đang chạy đua để đưa các em nhỏ bị mắc kẹt ra khỏi hang.
Cựu Tỉnh trưởng Chiang Rai cho biết tìm thấy đội bóng đã là việc rất khó, nhưng đưa họ ra khỏi hang lại khó khăn gấp nhiều lần. Ông Osoththnakorn, người vừa được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Phayao, nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy cuộc cứu hộ nói rằng, thách thức lớn nhất là phải tìm được giải pháp để đưa các em ra khỏi hang động, vì các phương án hiện tại đều gặp phải nhiều trở ngại lớn. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng phải thừa nhận chưa bao giờ chứng kiến vụ việc tương tự và điều này khiến nhiều lực lượng cứu hộ chưa thể mạnh dạn đưa ra các quyết định. .
Trước đó, nhà chức trách Thái Lan cho biết lực lượng cứu hộ sẽ không cố sớm đưa các nam sinh ra khỏi hang Tham Luang vì tình hình sức khỏe các em vẫn chưa tốt và các em chưa học được kỹ năng lặn cần thiết, song khẳng định việc giải cứu theo phương án này sẽ buộc phải tiến hành nếu trời mưa lớn.
Về phương án khoan lỗ thoát hiểm từ phía trên hang động, hiện đội cứu hộ đã khoan 100 lỗ, trong đó 18 lỗ có khả năng dẫn xuống nơi đội bóng đang mắc kẹt. Tuy nhiên, phương án này này tương đối mất nhiều thời gian do tổng chiều dài nếu khoan chính diện đến chỗ các em là hơn 600 m, trong khi nguy cơ nước dâng lên cao ngày càng lớn trong những ngày tới do tình hình thời tiết đang trở nên xấu đi. 
Mưa lũ lịch sử ở Nhật Bản, gần 90 người chết và mất tích
Ít nhất 38 người đã thiệt mạng và 50 người mất tích do mưa lớn và gió mạnh đang gây ra lở đất tại 3 quận ở đảo chính Honshu, Nhật Bản. 
Ngày 7/7, kênh truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin ít nhất 1,6 triệu người phải di tản khi mưa giông hoành hành tại miền Tây và miền Trung của Nhật Bản.
Cơ quan Ứng phó Thiên tai và Hỏa hoạn cũng khuyến cáo 3,1 triệu người rời khỏi nhà đến nơi ẩn náu an toàn.
Chỉ trong 2 ngày qua, 38 người đã thiệt mạng do mưa lớn kèm lở đất, trong khi đó, ít nhất 50 người đã mất tích và 4 người khác ở trong tình trạng nguy kịch ở các quận Ehime, Hiroshima và Yamaguchi.
Mưa lớn gây ra tình trạng lũ lụt tại 3 quận ở đảo chính Honshu, Nhật Bản
Ở Motoyamo, một thị trấn trên đảo Shikoku, lượng mưa đo được lên tới 583mmt thị trấn trên đảo Shikoku, lượng mưa đo được lên tới 583mm
Một người đàn ông tử vong sau khi ngã xuống cầu tại TP Hiroshima, trong khi cụ ông 77 tuổi tại TP Takashima bị cuốn xuống kênh khi đang thu dọn gạch vụn, theo NHK. 
Dự kiến, mưa lớn vẫn còn tiếp tục diễn ra trong ngày 8/7 ở khu vực trung và tây Nhật Bản. Theo hãng thông tấn Kyodo, hiện tượng lở đất cũng gây ra hỏa hoạn tại một số công trình. Nhiều người thiệt mạng vì cháy hoặc bị chôn vùi dưới đống đổ nát. 
Trước đó, Đài Khí tượng Thủy văn Nhật Bản cảnh báo người dân đề phòng hiện tượng sạt lở, nước sông dâng và gió mạnh xuất hiện trong cơn mưa mà họ gọi là "lịch sử".
Cơ quan này cho biết biên thời tiết đã hình thành giữa hai khối không khí ở miền Tây và miền Trung Nhật Bản. Trong nhiều ngày tới, mưa lớn có thể gia tăng khi luồng khí nóng tiếp tục thổi về biên thời tiết này. 
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết  hơn 48.000 cảnh sát và lính cứu hỏa đã được điều động cho công tác cứu hộ. 
Một số xưởng sản xuất ôtô phải đóng cửa vì mưa lũ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây nguy hiểm cho các công nhân, như tập đoàn Mitsubishi Motors và Mazda Motor.
Tại tỉnh Okayama, nhiều tuyến đường bị chặn, trong khi xe chở nước của quân đội gấp rút tiếp cận những khu vực bị mất nước. 
Thêm 2 người Anh nguy kịch vì nhiễm chất độc Novichok giống cựu điệp viên Nga
Cả 2 được tìm thấy trong tình trạng nguy kịch gần TP Salisbury, Anh, được xác định nhiễm chất độc thần kinh Novichok, loại chất độc từng đầu độc cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal.
Ngày 4/7, cảnh sát Anh cho biết, 2 công dân Anh, gồm người phụ nữ 44 tuổi là Dawn Sturgess và người đàn ông 45 tuổi tên Charles Rowley đã bị nhiễm chất độc thần kinh Novichok, loại chất độc thần kinh bị cho là đã được dùng để đầu cựu điệp viên người Nga Skripal và con gái ông này hồi tháng 3.
Nước Anh xôn xao vì có thêm một vụ nhiễm chất độc thần kinh.
2 nạn nhân bất tỉnh tại một căn nhà ở đường Muggleton, thị trấn Amesbury, cách khoảng 11km từ TP Salisbury - nơi xảy ra vụ hạ độc cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái Yulia, từ ngày 30/6 nhưng cảnh sát ngày 5/7 mới công bố thông tin.
"Tôi đã nhận được kết quả xét nghiệm cho thấy hai người này bị nhiễm chất độc thần kinh Novichok", ông Neil Basu, người đứng đầu lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Anh cho hay.
Cảnh sát chống khủng bố Anh đang tiến hành điều tra. Ông Basu cho biết hiện chưa rõ làm thế nào mà nạn nhân bị nhiễm độc, hay họ đã bị tấn công.
Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm quốc phòng của Anh ở Porton Down đang xét nghiệm để xem có kết nối giữa hai vụ hay không.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, Ủy ban ứng phó tình trạng khẩn cấp của chính phủ sẽ họp và thảo luận về vụ việc. Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid sẽ chủ trì cuộc họp này trong ngày 5/7.
Giới chức y tế Anh ngày 4/7 nói rằng rủi ro chất độc thần kinh đối với công chúng nước này chỉ ở mức thấp, dù việc 2 nạn nhân bị dính Novichok có vẻ không liên quan gì đến hoạt động gián điệp đã làm dấy lên lo ngại về sự vương vãi của chất độc này quanh khu vực nơi xảy ra sự việc.
"Với tư cách là lãnh đạo ngành y tế, tôi muốn trấn an công chúng rằng rủi ro đối với công chúng chỉ ở mức thấp", Bộ trưởng Y tế Anh Sally Davies nói.
Vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal đã khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây càng thêm phần căng thẳng. Phương Tây đã có đợt trục xuất nhà ngoại giao Nga lớn nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. Nga cũng đáp trả tương xứng bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao phương Tây.