Thế giới tuần qua: Iran tuyên bố có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hai miền Triều Tiên ấn định thời gian đoàn tụ các gia đình ly tán và Iran bất ngờ đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là hai sự kiện nổi bật trong tuần.

Iran bất ngờ đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trong vài tuần tới
Một quan chức ngoại giao cấp cao Iran tuyên bố Tehran có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên “Kế hoạch hành động chung toàn diện” (JCPOA) trong những tuần tới.
Ngày 22/6, chia sẻ với kênh Press-TV, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nêu rõ Tehran không loại trừ khả năng sẽ rút khỏi thỏa thuận JCPOA trong những tuần tới. Ông Araqchi cho biết, Tehran muốn tuân thủ JCPOA nhưng thỏa thuận này cũng cần có thêm những điều chỉnh sau khi Mỹ rút, khiến thỏa thuận lịch sử này không còn cân bằng nữa.
Trước đó, Iran đã lên tiếng khẳng định sẽ tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức tại Vienna vào năm 2015.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi 
Trong khi đó, ngày 20/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho hay, Tehran sẽ quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ nếu như Washington tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận này là Iran sẽ chỉ duy trì chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình và đổi lại Tehran được gỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Trước đó, ngày 9/5, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân do Nhóm P5+1 ký với Iran vào năm 2015. Tổng thống Trump cho rằng JCPOA là “một thỏa thuận tồi”, nên ông quyết định rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran. 

JCPOA được Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và thêm Đức) ký năm 2015. Theo thỏa thuận, Iran đồng ý giảm quy mô của kho urani làm giàu, vốn được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân khoa học song cũng có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân - trong vòng 15 năm và giảm số lượng máy ly tâm để làm giàu urani trong 10 năm. 

Việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA sau đó đã vấp phải sự chỉ trích của các đồng minh phương Tây như Đức và Pháp, trong khi chính quyền Tehran tuyên bố Iran sẵn sàng khôi phục hoạt động của các cơ sở làm giàu urani.
Hàn Quốc và Triều Tiên ấn định thời gian đoàn tụ các gia đình ly tán
Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí tổ chức đợt đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) từ ngày 20 - 26/8 tới.
Cuộc họp ngày 22/6 của Hội Chữ thập Đỏ Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận về địa điểm và thời gian tổ chức cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Đây là đợt đoàn tụ đầu tiên trong vòng 3 năm qua cho các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Đợt đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) được tổ chức từ ngày 20 - 26/8 tới.
Theo thỏa thuận đạt được trong các cuộc thảo luận giữa hai bên, Triều Tiên và Hàn Quốc mỗi nước sẽ cử 100 người tham gia đợt đoàn tụ lần này. Đối với những người đi lại khó khăn, họ được phép mang theo một người thân để hỗ trợ. 
Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 22/6 nêu rõ các hoạt động đoàn tụ của các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh sẽ diễn ra tại khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang, thuộc phía Bắc biên giới Triều Tiên từ ngày 20 - 26/8.
Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh  liên Triều lịch sử hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa hai miền, bao gồm cả việc tiếp tục tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán. 
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cũng cho biết tuy chưa có thỏa thuận nào về một cuộc gặp mới giữa của các nhà lãnh đạo hai miền, "nhưng một cuộc gặp thượng đỉnh tương tự có thể được tổ chức nhanh nếu cần thiết". 
Đợt đoàn tụ các gia đình ly tán gần đây nhất được hai nước tổ chức vào năm 2015 cũng tại khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang.
Theo số liệu về các gia đình ly tán đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 132.124 người ly tán thì có tới 75.234 người đã qua đời, chỉ còn lại 56.890 người còn sống. Trong số những người còn sống, có tới 48.703 người trên 70 tuổi, chiếm 85,6%.
OPEC nâng sản lượng "danh nghĩa” từ tháng 7
Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh đồng ý nâng một mức sản lượng "danh nghĩa" là 1 triệu thùng/ngày sau khi Ả Rập Saudi thuyết phục được Iran tham gia.
Tại cuộc họp về chính sách năng lượng của các thành viên trong và ngoài OPEC tại Vienna (Áo) ngày 22/6, Ả Rập Saudi muốn đạt được thỏa thuận tăng sản lượng để đáp ứng lời kêu gọi của các khách hàng tiêu thụ dầu nhiều như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.
Tại cuộc họp của bộ trưởng các nước trong và ngoài OPEC.
Tuy nhiên Iran và các thành viên khác như Iraq, Venezuela, phản đối giảm sản lượng, cho rằng việc này có thể khiến dầu mất giá. Dù vậy, Ả Rập Saudi đã thuyết phục được Iran.
Theo thỏa thuận mới, các nước sẽ tăng sản lượng dầu lên thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% sản lượng dầu toàn cầu, từ tháng 7 tới.
Thỏa thuận trên là một chiến thắng đối với Ả Rập Saudi và Nga, hai quốc gia đã kêu gọi nâng sản lượng nhằm xoa dịu giá dầu trong gần 1 tháng quan. Ngoài ra, đây cũng là thành công của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã chỉ trích OPEC vì đã đẩy giá dầu lên cao một cách giả tạo.
“Mong là OPEC sẽ nâng sản lượng đáng kể”, ông Trump viết trên Twitter sau khi cuộc họp chấm dứt. “Cần phải kéo giá dầu xuống!”.
Trên thực tế, một số bộ trưởng năng lượng cho biết thỏa thuận sẽ chỉ tăng  thêm khoảng 700.000 thùng/ngày cho thị trường toàn cầu vì có một số quốc gia không thể nâng sản lượng của họ.
“Hy vọng ở đây là thỏa thuận này đủ để giữ giá dầu dưới mốc 70 USD/thùng, mặc dù Ả Rập Saudi và các thành viên khác đang tập trung vào nguồn cung và nhu cầu thay vì là mục tiêu giá”, một đại diện của OPEC cho biết.
Thông cáo công bố không đề cập tới mức nâng sản lượng cụ thể từ Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih, thay vào đó chỉ cam kết nhóm sản xuất dầu sẽ tập trung vào việc khôi phục thỏa thuận cắt giảm sản lượng về lại mức đã nhất trí lúc đầu trong năm 2016.
Từ đầu năm 2017, việc cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng dầu của OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài khối đã góp phân đẩy giá dầu lên 80 USD/thùng hiện nay so với 27 USD/thùng vào 2016.
Theo thông cáo cuối cùng, 14 nước thành viên OPEC và 10 nước phi thành viên sẽ cố gắng đạt được sự “hòa hợp tổng thể” là 100%. Trên thực tế, điều này chỉ có thể đạt được khi các quốc gia có công suất dư thừa khỏa lấp khoảng trống mà các quốc gia khác để lại.
“Sự thiếu cụ thể về sản lượng chính là yếu tố thúc đẩy giá”, Joe McMonigle, chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao tại Hedgeye Risk Management, cho hay.
Tuy nhiên Iran cho biết con số thực sự có thể chỉ đạt 770.000 thùng/ngày do nhiều nước không thể đáp ứng được hạn mức. Một số nước như Venezuela, Libya và Angola trong vài tháng qua thậm chí bị giảm sản lượng xuống 2,8 triệu thùng/ngày.
Tổng thống Trump ra tuyên bố đảo ngược bất ngờ đối với Triều Tiên
Ngày 22/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh gia hạn “tình trạng khẩn cấp quốc gia” đối với Triều Tiên thêm 1 năm, với lý do chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn còn là một mối đe dọa lớn đối với Mỹ.
Theo sắc lệnh này, chính quyền Tổng thống Trump tái cho phép các hạn chế kinh tế chống lại Triều Tiên trong khi tuyên bố nước này vẫn còn là một “mối đe dọa bất thường” đối với Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump tái cho phép các hạn chế kinh tế chống lại Triều Tiên thêm 1 năm.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ 9 ngày sau khi Tổng thống Trump đăng trên Twitter rằng đã không còn mối đe dọa hạt nhân nào từ Triều Tiên, kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên tại Singapore.
Trong tuyên bố, ông Trump nêu rõ: "Sự tồn tại và nguy cơ làm giàu nguyên liệu có thể tách ra dùng cho vũ khí trên bán đảo Triều Tiên, cũng như hành động và chính sách của chính phủ Triều Tiên tiếp tục gây ra mối đe dọa bất thường và đặc biệt cho an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ".
Ông nói vì lý do trên, 6 sắc lệnh hành pháp áp đặt cấm vận với Triều Tiên mà chính quyền của ông cũng như các chính quyền Mỹ trước đây đã ban hành phải được tiếp tục duy trì sau ngày 27/6. "Tôi sẽ tiếp tục (áp dụng) tình trạng khẩn cấp quốc gia về Triều Tiên thêm một năm nữa", ông Trump viết.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia Mỹ được bắt đầu từ ngày từ ngày 26/6/2008 ,dưới thời cựu tổng thống George W. Bush và là dấu hiệu căng thẳng kéo dài giữa Mỹ - Triều khi Triều Tiên tiến gần đến hoàn thiện đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Mỹ. Nhưng trong cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên ngày 12/6, ông Kim Jong Un đã đồng ý “hoàn toàn phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên.
Tại cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Singapore hôm 12/6, hai bên đã ký tuyên bố chung "hướng đến việc phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên".
Hai bên dù vậy vẫn sẽ phải đàm phán về các điều khoản để Triều Tiên từ bỏ vũ khí và được dỡ bỏ cấm vận - điều chính phủ Mỹ vẫn chưa làm được trong gần 25 năm qua.
 Trước đó, Tổng thống Mỹ phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 21/6 rằng quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên đã bắt đầu./. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần