Phe ủng hộ độc lập lại chiến thắng tại bầu cử Catalonia
Trong cuộc bầu cử sớm tại Catalonia ngày 21/12, phe chủ trương ly khai ở vùng tự trị này đã giành thắng lợi, đặt ra thách thức lớn cho chính quyền Tây Ban Nha.
Chính phủ Tây Ban Nha kêu gọi bầu cử sớm với hy vọng có một chính quyền Catalonia ôn hòa để hợp tác. Tuy nhiên, hy vọng của chính quyền Madrid đã bị dập tắt khi phe chủ trương ly khai lại chiến thắng tại bầu cử Catalonia.
Cuộc bầu cử sớm tại Catalan do chính phủ Tây Ban Nha tổ chức đã cho ra kết quả khó tin là những đảng ủng hộ ly khai chiếm đa số ghế tại cơ quan lập pháp địa phương, mở đường cho ông Carles Puigdemont quay trở lại chính trường với chức Thủ hiến Catalan.
Với khoảng hơn 95% số phiếu được kiểm trong cuộc bầu cử địa phương trước thời hạn tổ chức ngày 21/12 ở Catalonia, các chính đảng chủ trương đòi đơn phương tách vùng này khỏi Tây Ban Nha dự kiến giành được khoảng 70 ghế tại Hội đồng lập pháp vùng gồm 135 ghế, cao hơn mức đa số tối thiểu 2 ghế.
Cụ thể, Đảng PDeCAT của cựu Thủ hiến Carles Puigdemont giành 34 ghế. Trong khi đó, 2 đảng khác cũng ủng hộ độc lập cho Catalonia là ERC giành 32 ghế và đảng CUP giành 4 ghế.
Trong khi đó, 3 đảng ủng hộ Catalonia là một phần không thể chia cắt của Tây Ban Nha có thể giành được 57 ghế, thấp hơn đáng kể so với mốc 68 ghế để giành đa số tối thiểu.
Nhiều khả năng cựu Thủ hiến Puigdemont sẽ trở lại nếu 3 đảng ủng hộ ly khai đồng ý thành lập liên minh.
Ông Puigdemont hiện lưu vong ở Bỉ cho rằng kết quả bỏ phiếu đã thể hiện sức mạnh của người dân và chiến thắng cho “cộng hòa Catalonia”.
Cuộc bầu cử được tổ chức sau lời kêu gọi của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Trước đó vào tháng 10, Thủ tướng Rajoy cách chức Thủ hiến Puigdemont vì ông này dẫn đầu phong trào kêu gọi ly khai cho Catalonia.
Hơn 80% cử tri tham dự dù bầu cử diễn ra vào ngày làm việc, thay vì vào chủ nhật như trước đây.
Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt lệnh trừng phạt mới khắc nghiệt nhất với Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ngày 22/12 nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới cứng rắn nhất đối với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây nhất của nước này.
15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 22/12 đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm 29/11 vừa qua của nước này. Các nhà phân tích dự báo quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 22/12 đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Nghị quyết được thông qua bởi Hội đồng Bảo an sẽ giới hạn Triều Tiên nhập khẩu dầu thô ở mức 4 triệu thùng/năm và các sản phẩm xăng dầu ở mức 500.000 thùng/năm – giảm gần 90%.
Nghị quyết do Mỹ soạn thảo cũng yêu cầu việc hồi hương người lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 24 tháng, thay vì 12 tháng như được đề xuất trước đây. Các sản phẩm của Triều Tiên, bao gồm máy móc và thiết bị điện, sẽ bị cấm xuất khẩu.
Triều Tiên vốn đã hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt từ Mỹ, LHQ và Liên minh châu Âu (EU). Mỹ đã trừng phạt Triều Tiên kể từ 2008, bao gồm đóng băng tài sản của các cá nhân và tổ chức liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng bên cạnh lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ đến quốc gia này.
Trung Quốc và Nga, các đối tác thương mại chính của Triều Tiên, cũng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết mới của LHQ.
Đại sứ Nhật tại LHQ cho biết bản nghị quyết được thông qua với toàn bộ 15 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống. Nhật hiện đang là Chủ tịch của Hội đồng bảo an trong tháng 12.
Phát biểu về các biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm vào Triều Tiên, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định chúng "gửi một thông điệp rõ ràng đến Bình Nhưỡng rằng nếu họ tiếp tục khiêu khích, họ sẽ bị trừng phạt và cô lập".
Phái viên Trung Quốc Wu Haitao khẳng định lệnh trừng phạt mới thể hiện sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hoan nghênh nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ. Thông qua mạng xã hội, Tổng thống Trump tuyên bố thế giới muốn "hòa bình, không phải chết chóc".
Vào tháng trước, Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên nhằm giới hạn các nguồn tài chính đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của quốc gia này. Theo đó, lệnh trừng phạt này nhắm vào hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của Triều Tiên và các công ty Trung Quốc giao dịch thương mại với Bình Nhưỡng.
Ngày 29/11, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công môt quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Hwasong-15 có khả năng vươn tới vùng lãnh thổ của Mỹ. Căng thẳng đã gia tăng xung quanh các chương trình tên lửa và hạt nhân mà Triều Tiên theo đuổi bất chấp các nghị quyết của Hội đồng bảo an.
Bão Tembin tàn phá Philippines khiến 133 người thiệt mạng
Cảnh sát Philippines ngày 23/12 cho biết ít nhất 133 người chết, trong khi hàng chục người mất tích khi cơn bão nhiệt đới Tembin tràn qua đảo Mindanao, khu vực miền nam nước này.
Theo giới chức Philippines, số người thiệt mạng vì cơn bão nhiệt đới Tembin đã tiếp tục tăng mạnh lên 133 người thiệt mạng, hàng chục người khác mất tích và hơn 50.000 người đã phải di chuyển chỗ ở.
Cảnh sát Philippines cho biết, số người thiệt mạng sẽ còn gia tăng. Tính đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 36 thi thể bị lũ cuốn xuống sông. Hiện công tác cứu hộ, tìm kiếm người mất tích vẫn đang tích cực diễn ra.
Theo giới chức Philippines, số người thiệt mạng vì cơn bão nhiệt đới Tembin đã tiếp tục tăng mạnh lên 133 người thiệt mạng. |
Ngày 22/12, bão Tembin đã đổ bộ vào đảo Mindanao, đảo lớn thứ hai của Philippines, gây ra lũ lụt và lở đất, chôn vùi một ngôi làng hẻo lánh.
Chính quyền địa phương ở Philippines ngày 23/12 cho biết, cơn bão Tembin đã gây ra tình trạng lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng cho nhiều khu vực trên đảo Mindanao.
Các thị trấn Tubod, El Salvador, Munai thuộc tỉnh Lanao del Norte và các thị trấn Sibuco, Salug thuộc tỉnh Zamboanga del Norte là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều ngôi nhà ở đây hiện đang bị chôn vùi dưới bùn đất.
Theo Cơ quan cứu trợ thiên tai quốc gia Philippines, tỉnh Lanao del Norte là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 62 người thiệt mạng. Nhiều đường dây điện bị đứt và giao thông trong khu vực cũng bị chia cắt, gây ảnh hưởng tới hoạt động cứu hộ.
Bão Tembin với sức gió lên tới 80km/h đã quét qua đảo Mindanao, khu vực Palawan trước khi di chuyển về phía Tây.
Một quan chức địa phương khác cho biết có ít nhất 10 người ở thị trấn Piagapo, nơi cách Tubod 10 km về phía Đông đã thiệt mạng. Các ca tử vong khác được xác định ở thị trấn Sibuco và Salug.
Hiện công tác cứu hộ vẫn đang được tích cực triển khai nhưng không đạt được tiến bộ rõ rệt do điều kiện thời tiết không ủng hộ. Việc mất điện và mạng lưới thông tin liên lạc bị cắt đứt cũng là một trong những trở ngại của công tác cứu hộ.
Bão lớn cũng khiến ít nhất 21 chuyến bay tại sân bay quốc tế ở thủ đô Manila bị hủy bỏ, chủ yếu là các chuyến bay nội địa với các khu vực bị ảnh hưởng.
Theo giới chức cảng vụ Philippines, hơn 6.000 hành khách đã bị mắc kẹt tại nhiều cảng trên cả nước.
Dự báo, chiều 23/12, bão Tembin sẽ di chuyển tới đảo Palawan ở Tây Philippines.
128 nước ủng hộ nghị quyết của LHQ kêu gọi Mỹ rút tuyên bố về Jerusalem
128 nước thành viên Liên Hợp quốc (LHQ) đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, kêu gọi Mỹ rút lại việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.
Đại hội đồng LHQ ngày 21/12 đã tiến hành phiên họp đặc biệt bất thường để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Kết quả, nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ được thông qua với 128 nước bỏ phiếu ủng hộ, 9 nước bỏ phiếu chống, 35 nước bỏ phiếu trắng và 21 nước không tham gia bỏ phiếu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ cắt viện trợ tài chính cho các nước ủng hộ nghị quyết này.
Trước cuộc bỏ phiếu, bà Nikki Haley - Đại sứ Mỹ tại LHQ khẳng định, dù kết quả cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng có như thế nào cũng không làm thay đổi quyết định của Washington.
Cuộc họp khẩn được triệu tập theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen, thay mặt nhóm nước Ả Rập cũng như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) sau khi nghị quyết bị Mỹ phủ quyết tại Hội đồng bảo an LHQ.
Phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi kết quả cuộc bỏ phiếu là một "chiến thắng đối với Palestine".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ kết quả bỏ phiếu. Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon tuyên bố Israel không công nhận cuộc bỏ phiếu và khăng khăng cho rằng Jerusalem là thủ đô của Israel dù LHQ có công nhận hay không.
Quy chế của Jerusalem là một trong những trở ngại lớn nhất đối với một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và người Palestine. Cộng đồng quốc tế cũng không công nhận chủ quyền của Israel đối với toàn TP Jerusalem.