Thế giới tuần qua: Mở cánh cửa đến kỷ nguyên hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; ông Mike Pompeo chính thức nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ra 'Tuyên bố chung Panmunjom'
Chiều 27/4, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã khép lại sau khi hai bên ra “Tuyên bố chung Panmunjom”, một tuyên bố lịch sử.
Tại cuộc đối thoại Thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Phát ngôn viên Chính phủ Hàn Quốc cho biết tuyên bố chung đề cập tới một loạt vấn đề. Cụ thể, bản "Tuyên bố chung Panmunjom" nêu rõ hai bên nhất trí trong năm nay sẽ biến Hiệp định đình chiến ký ngày 27/7/1953 thành Hiệp ước Hòa bình; tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong năm nay; biến Khu phi quân sự (DMZ) thành "khu vực hòa bình"; tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác như với Mỹ; nhất trí với đề xuất phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn; tổ chức đàm phán quân sự cấp tướng vào tháng 5/2018; sẽ tổ chức cuộc sum họp cho các gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 vào tháng 8/2018; cùng tham gia các sự kiện quốc tế lớn như Á vận hội 2018.
Tại hội nghị này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae-in nhất trí sẽ gặp nhau thường xuyên hơn. Hai bên cũng tán thành việc tiếp tục các cuộc thảo luận cấp chuyên viên. Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều này là một món quà lớn cho toàn thể người dân trên Bán đảo Triều Tiên cũng như thế giới. Về phần mình, ông Kim Jong Un cũng thể hiện sự lạc quan khi kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh và kết quả cuộc gặp sẽ phần nào làm hài lòng sự mong đợi của mọi người.
Kết quả thành công mang tầm vóc lịch sử của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 này mở ra hy vọng về một giải pháp hiệu quả nhằm giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời mang lại cơ hội tiến tới phi hạt nhân hóa, cải thiện quan hệ và chung sống hòa bình lâu dài. 

Thành công của hội nghị cũng làm gia tăng hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh trong tương lai gần, vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 
Ông Mike Pompeo tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ
Ngày 26/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng nước này ngay sau khi được Thượng viện phê chuẩn.
Sau khi nhậm chức, ông Pompeo sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng NATO tại Brussels (Bỉ) trong tuần này. Tiếp sau hội nghị của NATO, ông Pompeo sẽ tham dự các cuộc đối thoại cấp cao tại Israel, Ả Rập Saudi và Jordan. Những điểm đến này phản ánh tầm quan trọng của 3 quốc gia châu Á trong vai trò đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực.
Ông Mike Pompeo đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng nước này ngay sau khi được Thượng viện phê chuẩn.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ông Pompeo làm Ngoại trưởng, bất chấp sự phản đối kéo dài từ phe Dân chủ do lập trường  cứng rắn cũng như nhiều tuyên bố gây tranh cãi của ông Pompeo đối với các cộng đồng thiểu số.
Ông Pompeo đảm nhận cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ thay thế ông Rex Tillerson vừa bị sa thải hôm 31/3 vừa qua, trong bối cảnh Washington đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại, nổi bật nhất là việc gia hạn thỏa thuận hạt nhân Iran với thời hạn chót vào ngày 12/5 tới, cùng với đó là các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa mang tính lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Ông Pompeo cũng sẽ đóng vai trò nổi bật trong việc thảo luận về mối quan hệ của chính quyền Trump với các đồng minh châu Âu cũng như những biện pháp đối phó với Nga. Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng chịu trách nhiệm bổ sung nhiều vị trí nhân sự đang bỏ trống tại Bộ Ngoại giao Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền. 
Mexico trở thành nước đầu tiên phê chuẩn CPTPP
Ngày 24/4, Mexico đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Thượng viện nước này thông qua văn kiện với tỷ lệ 73 phiếu thuận và 24 phiếu chống.
Theo Bộ Kinh tế Mexico, việc ký kết CPTPP nằm trong chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng và tìm kiếm các đối tác thương mại mới của nước này nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Ngày 8/3, CPTPP được ký kết tại Chile giữa 11 quốc gia thành viên.
Mexico hiện đang đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi NAFTA nếu phiên bản mới không mang lại lợi ích cho người dân Mỹ.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto cho biết, CPTPP sẽ mở ra nhiều thị trường đối với hàng hóa của nước này. "Với thỏa thuận thế hệ mới này, Mexico sẽ đa dạng hóa quan hệ kinh tế với thế giới và thể hiện cam kết cởi mở và tự do thương mại", Tổng thống Pena Nieto viết trên trang Twitter.
Bộ Kinh tế Mexico đánh giá CPTPP sẽ giúp xuất khẩu tăng 6,7% và đóng góp tới 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực xuất khẩu của Mexico được hưởng lợi như ô tô, máy móc thiết bị, thịt bò, thực phẩm chế biến, trái cây và rau quả.
Với CPTPP, Mexico sẽ có các hoạt động thương mại tự do với 52 nước trên thế giới. Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson dự báo thỏa thuận trên sẽ giúp GDP của Mexico tăng thêm 1 điểm phần trăm vào năm 2030. 
Trước đó, ngày 8/3, CPTPP được ký kết tại Chile giữa 11 quốc gia thành viên, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này đã tạo ra một thị trường trên 500 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn 13% GDP của thế giới.
Tổng thống Mỹ, Pháp tìm giải pháp mới để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa cam kết tìm giải pháp mới mạnh mẽ hơn để đe dọa Iran chấm dứt các cuộc thử nghiệm tên lửa, tuy nhiên ông Trump cho biết có thể vẫn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng thống Macron, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), song ông Trump muốn JCPOA phải hạn chế chương trình tên lửa hạn nhân của Iran và tầm ảnh hưởng của Tehran tại khu vực Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ đã cam kết sẽ tìm cách giải quyết những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Iran. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo chung, Tổng thống Trump đã không lặp lại những lời đe dọa rằng sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mặc dù đã tỏ rõ quan điểm rằng ông không còn kiên nhẫn đối với vấn đề này. 
Tổng thống Macron đã đề xuất với Tổng thống Trump về một "thỏa thuận mới", theo đó Mỹ và châu Âu sẽ giải quyết những lo ngại đối với chương trình phát triển hạt nhân của Iran.
Theo đề xuất của ông Macron, Mỹ và châu Âu nhất trí ngừng toàn bộ hoạt động liên quan đến hạt nhân của Iran đến năm 2025 và những năm tiếp theo, giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và  thực hiện giải pháp chính trị để Iran ngừng can thiệp tại Yemen, Syria, Iraq và Lebanon.
Về phần mình, Tổng thống Trump vẫn không cho biết rõ ông sẽ quyết định như thế nào vào ngày 12/5 tới. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo "nếu Iran đe dọa chúng tôi thì họ sẽ phải trả cái giá mà rất ít quốc gia từng trải qua".
Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích JCPOA - vốn do chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đàm phán - rằng đây có lẽ là thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ và đe dọa  rút khỏi thỏa thuận này nếu nó không được sửa đổi.
Từ nay đến 12/5, chính quyền Tổng thống Trump sẽ quyết định có xem xét việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran hay không. Tổng thống Pháp đang có chuyến thăm Mỹ 3 ngày với hy vọng sẽ "cứu" thỏa thuận hạt nhân Iran, trong bối cảnh các nước châu Âu coi coi JCPOA có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân.
Với thời hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ đặt ra với các nước châu Âu để bổ sung những điều khoản mới cho JCPOA đang đến gần, hiện chưa rõ liệu Mỹ và Pháp có đạt được tiến triển thực chất liên quan đến tương lai thỏa thuận này hay không.
Chính phủ Iran cũng lên tiếng cảnh báo về những “hậu quả không hề dễ chịu” nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo nước này sẵn sàng nối lại chương trình hạt nhân gây tranh cãi ở tốc độ nhanh hơn nhiều, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần