Thế giới tuần qua: Mỹ cảnh báo “giai đoạn 2” của lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ cảnh báo nếu các biện pháp trừng phạt mới không hiệu quả, Washington sẽ tiến tới “giai đoạn 2” rất "khắc nghiệt” đối với Triều Tiên và tai nạn máy bay tại Iran... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Mỹ tuyên bố áp dụng gói trừng lớn nhất lịch sử với Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/2 thông báo một gói trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên và cảnh báo nếu các biện pháp trừng phạt mới không hiệu quả, Washington sẽ tiến tới giai đoạn 2 rất dữ dội đối với cả Triều Tiên và thế giới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/2 thông báo một gói trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên với mục tiêu cắt đứt những tuyến đường vận chuyển hàng hóa mà Triều Tiên đang sử dụng để lách cấm vận của Liên Hợp quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/2 thông báo một gói trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên.
“Hôm nay, tôi xin thông báo chúng ta sẽ triển khai một gói cấm vận lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào chính quyền Triều Tiên”, Tổng thống Mỹ cho biết.
Theo tuyên bố này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ hành động để cắt đứt thêm các nguồn thu nhập và nhiên liệu mà Triều Tiên sử dụng để phục vụ cho chương trình phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân và duy trì sức mạnh quân sự.
Bộ Tài chính Mỹ cấm cá nhân và tổ chức của nước này giao dịch với 28 tàu thuyền và 27 tổ chức, doanh nghiệp được đăng ký hoặc treo cờ của Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Tanzania, Panama và Comoros.
Ngoài ra còn có một cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt là doanh nhân Đài Loan Tsang Yung Yuan. Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc người này thời gian qua đã hợp tác với một nhà môi giới tại Nga để xuất khẩu than bất hợp pháp từ Triều Tiên. Tuy vậy, không có tàu thuyền hay tổ chức nào của Nga nằm trong gói trừng phạt lần này.
Các lệnh trừng phạt được đưa ra nhằm gây cản trở các công ty kinh doanh và tàu biển của Triều Tiên và tiếp tục cô lập Bình Nhưỡng.
“Bộ Tài chính Mỹ đang quyết liệt nhắm đến mọi nguồn thu bất chính được Triều Tiên sử dụng để lách các lệnh trừng phạt, thực hiện những hành động quyết đoán để ngăn chặn tàu thuyền, công ty vận tải biển và các tổ chức làm việc cho Triều Tiên trên toàn cầu. Tổng thống đã gửi thông điệp rõ ràng đến các công ty trên thế giới rằng nếu họ chọn giúp đỡ tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, họ sẽ không được làm ăn với Mỹ”, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhấn mạnh.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Trump nói: "Nếu các biện pháp trừng phạt không mang lại hiệu quả, chúng tôi sẽ phải tiến tới giai đoạn 2. Giai đoạn đó có thể rất dữ dội, rất không may cho thế giới này. Nhưng hy vọng các biện pháp trừng phạt sẽ có kết quả".
Cũng trong  cuộc họp báo, Tổng thống Trump cũng đề cập đến các lựa chọn quân sự đối với vấn đề Triều Tiên mà chính quyền của ông đã nhiều lần khẳng định “đã sẵn sàng trên bàn lựa chọn”.
Triều Tiên cử phái đoàn dự bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018
 Quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, ông Kim Yong Chol - Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên sẽ dẫn đầu phái đoàn gồm 8 thành viên tới Hàn Quốc dự lễ bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.
Ngày 22/2, Triều Tiên thông báo sẽ cử một phái đoàn cấp cao tới Hàn Quốc dự lễ bế mạc Olympic mùa đông PyeongChang 2018. Theo đó, ông Kim Yong-chol - Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên sẽ dẫn đầu phái đoàn gồm 8 thành viên thăm Hàn Quốc từ ngày 25 -27/2.
Ông Kim Yong-chol - Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, sẽ dẫn đầu phái đoàn gồm 8 thành viên thăm Hàn Quốc từ ngày 25 - 27/2.
Phái đoàn cũng gồm có ông Ri Son Gwon - Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên. "Chính phủ Hàn Quốc tin rằng việc Triều Tiên cử phái đoàn sẽ giúp cải thiện quan hệ liên Triều và đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, bao gồm việc phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng", theo thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Sự có mặt của ông Kim Yong Chol là một minh chứng cho thấy Bình Nhưỡng đang kiểm nghiệm giới hạn của các biện pháp trừng phạt đối với họ. Ông Kim Yong Chol hiện đang nằm trong danh sách đen trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc nhằm vào Triều Tiên.
Ông Kim được cho là đã từng lãnh đạo Cục Trinh sát Triều Tiên và bị nghi ngờ đứng sau vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị chìm - khiến 46 thủy thủ thiệt mạng hồi tháng 3/2010.
Seoul đổ lỗi cho Triều Tiên về vụ việc này, song Bình Nhưỡng đã bác bỏ mọi liên quan. 
Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết phía Seoul đã chấp nhận chuyến thăm của phái đoàn quan chức cấp cao Triều Tiên.
Trước đó, Triều Tiên đã cử một phái đoàn cấp cao gồm cả Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam và bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, tới tham dự lễ khai mạc Thế vận hội tại Hàn Quốc từ ngày 9-11/2.
Bà Kim Yo Jong đã trao một lá thư của anh trai cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bao gồm lời mời nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới thăm Bình Nhưỡng.
Cơn gió ngoại giao thể thao giữa hai miền Triều Tiên đã bắt đầu sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố sẵn sàng cử một phái đoàn tới Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc trong thông điệp Năm mới.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu con gái cả - cũng là một trong những cố vấn hàng đầu của ông - đến Pyeongchang để dẫn dắt một "phái đoàn cấp cao". Ivanka Trump, Thư ký báo chí Nhà Trắng  Sarah Sanders và các đại biểu Mỹ đã dự khai mạc Olympic Pyeongchang sẽ hiện diện tại lễ bế mạc, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cử em gái Kim Yo Jong tới dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông và phía Mỹ là Phó Tổng thống Mike Pence. Trong chuyến thăm này, bà Kim Yo Jong đã gửi lời mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng.
Văn bản cuối cùng của CPTPP được công bố, tạm hoãn hơn 20 điều
Văn bản cuối cùng của CPTPP đã được công bố hôm thứ Tư (21/2), dấu hiệu cho thấy hiệp định này tiến rất gần với việc trở thành hiện thực.
Hơn 20 điều khoản được trì hoãn hoặc thay đổi trong bản cuối cùng, bao gồm các điều khoản về sở hữu trí tuệ.
Năm ngoái, hiệp định thương mại ban đầu gồm 12 thành viên đã rơi vào bế tắc do Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định.
Văn bản cuối cùng của CPTPP đã được công bố ngày 21/2.
11 nước thành viên còn lại, đi đầu là Nhật Bản đã hoàn tất hiệp định sửa đổi, đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự kiến CPTPP sẽ được chính thức ký kết vào 8/3 tại Chile.
“Sự thay đổi lớn với TPP 11 là việc trì hoãn một số điều khoản gây tranh cãi của hiệp định, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến lĩnh vực dược phẩm”, GS Kimberlee Weatherall, trường Đại học Sydney cho biết.
Sự thành công của CPTPP được các nước thành viên còn lại đánh giá như một biện pháp chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và hy vọng Mỹ sẽ suy nghĩ lại.
Tháng trước, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng thống Trump đã phát biểu rằng, Washington có thể sẽ tái gia nhập CPTPP nếu đạt được một thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho biết, khả năng tái gia nhập của Washington trong 2 năm tới là rấ khó và không có gì đảm bảo rằng các thành viên sẽ dỡ bỏ các điều khoản được trì hoãn nếu Mỹ quay lại.
Ông Parker cho biết, thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.
Ông Steven Ciobo - Bộ trưởng thương mại của Australia cho biết, TPP 11 sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, khai thác mỏ, dịch vụ của Australia và tạo ra những cơ hội mới trong khu vực mậu dịch tự do.
11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu, tương đương 10 tỷ USD. Trước đó, nếu Mỹ góp mặt trong hiệp định, con số này là 40% GDP toàn cầu.
Máy bay ATR-72 rơi ở Iran, 65 người thiệt mạng
Ngày 18/2, chiếc máy bay thương mại loại ATR-72 của hãng hàng không Aseman Airlines đã đâm vào sườn núi Dena, miền Nam Iran trong điều kiện thời tiết xấu với sương mù dày đặc vào ngày 18/2. Hãng hàng không Aseman Airlines thông báo toàn bộ 65 người trên chuyến bay Flight EP3704, trong đó gồm phi hành đoàn 6 người, đều thiệt mạng.
Các hãng tin địa phương cho biết 5 trực thăng và 5 máy bay không người lái được huy động trong chiến dịch tìm kiếm máy bay gặp nạn.
Các nhà điều tra vẫn đang tích cực làm rõ nguyên nhân chính xác khiến máy bay rơi. Chiếc ATR-72 gặp nạn lần này chỉ mới vừa được sử dụng trở lại vài tháng gần đây sau 7 năm ngưng hoạt động. Trong nhiều năm qua, Iran bị cấm mua các linh kiện máy bay cần thiết theo lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thiết bị truyền thông tin vị trí khẩn cấp của máy bay có thể đã không hoạt động, gây khó khăn trong việc tìm kiếm xác máy bay.
Người phát ngôn Cơ quan hàng không dân dụng Iran Reza Jafarzadeh cho biết một phái đoàn của Pháp, gồm các quản lý của hãng sản xuất máy bay ATR, đến Tehran ngày 19/2 để điều tra nguyên nhân vụ việc.
Hiện công tác cứu nạn đang được thực hiện, đã xác định vị trí và đã tìm thấy 32 thi thể và đưa xuống núi. Nhiều thi thể còn lại vẫn đang bị chôn vùi dưới băng tuyết.