Thế giới tuần qua: Nhiều tín hiệu tích cực giải quyết căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phái đoàn cấp cao Triều Tiên, trong đó có em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tới thăm Hàn Quốc và thị trường chứng khoán thế giới chứng kiến một tuần giao dịch "đỏ sàn" là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Tổng thống Hàn Quốc và em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên nói gì trong cuộc gặp?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp với phái đoàn cấp cao của Triều Tiên, trong đó có Chủ tịch Quốc hội và em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 10/2.
Cuộc gặp hiếm hoi và mang tính lịch sử diễn ra vào lúc 11 giờ sáng, giờ địa phương, tại văn phòng Tổng thống tại Seoul.
Phái đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc hôm thứ Sáu (9/2) có 22 thành viên, được dẫn đầu bởi Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp với phái đoàn cấp cao của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đón tiếp ông Kim Yong-nam cùng với các lãnh đạo khác trước thềm khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Ông cũng tiếp cô Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cùng ngày.
“Chắc hẳn mọi người đã có một ngày vât vả vì thời tiết lạnh”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói trong buổi tiếp đoàn cấp cao Triều Tiên.
“Mọi thứ đều ổn vì ngài Tổng thống đã rất quan tâm”, Kim Yo-jong đáp lại.
Cuộc gặp hôm 10/2 cũng có sự tham gia của 2 đại biểu cấp cao khác là Choe Hwi, Chủ tịch Ủy ban Hướng dẫn Thể thao Quốc gia và Ri Son-gwon, người đứng đầu cơ quan phụ trách vấn đề liên Triều của Bình Nhưỡng.
Chuyến đi Hàn Quốc của Kim Yo-jong có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì cô là thành viên duy nhất của gia tộc họ Kim tới thăm Hàn Quốc, kể từ khi sau chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.
Một chuyến thăm tương tự gần đây nhất là hồi tháng 8/2009 khi phái đoàn cấp cao Triều Tiên đến Hàn Quốc dự đám tang cựu Tổng thống  Kim Dae-jung, người đã tổ chức hội nghị liên Triều đầu tiên với cố lãnh đạo Kim Jong-il vào năm 2000.
Phái đoàn Triều Tiên sẽ trở về nước vào ngày Chủ nhật (11/2). Hai bên cũng đã dùng bữa trưa với rượu Soju đặc sản.
Chứng khoán thế giới “đỏ sàn” và rung lắc mạnh
Đóng cửa phiên ngày 9/2, thị trường chứng khoán thế giới chứng kiến một tuần giao dịch ảm đạm nhất kể từ năm 2016.

Cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ vào phiên đầu tuần đều giảm hơn 4%, mức giảm lớn nhất trong một ngày của hai chỉ số kể từ tháng 8/2011. Tuần qua, cả Dow Jones và S&P 500 đều sụt 5,2%, đánh dấu tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016 của cả 2 chỉ số. Nasdaq Composite mất 5,1% trong tuần qua, giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2/2016.
Nasdaq Composite mất 5,1% trong tuần qua, giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2/2016.
Các chuyên gia nhận định chứng khoán Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn là do hoạt động bán tháo tăng, lo ngại trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất tiếp tục gây sức ép lên thị trường. 
Tình trạng sụt giảm lan đến thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu trong những ngày sau đó. 
Tính chung cả tuần, chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Âu giảm 5,3% - con số được cho là mức giảm lớn nhất từ tháng 1/2016. Chỉ số FTSE 100 tại London ngày 6/2 đã chứng kiến ngày giảm tồi tệ nhất tính từ tháng 4/2017 khi mất 3%.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite Index, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc, mất tới 6% - mốc thấp nhất tính từ tháng 5/2017. Theo giới phân tích, thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng là do thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm cũng như các nhà giao dịch đóng cửa trạng thái giao dịch trước khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán bắt đầu vào tuần tới.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei tụt 4,7% trong khi chỉ số chứng khoán tại Hong Kong (Trung Quốc) hạ 5%. 
Đài Loan chạy đua cứu hộ 62 người vẫn còn mất tích sau trận động đất kinh hoàng
Các lực lượng cứu hộ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 8/2 vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm khoảng 62 người mất tích được cho là đang mắc kẹt trong các tòa nhà đổ sập sau trận động đất mạnh 6,4 độ Richter vào sáng 7/2 ở TP Hoa Liên khiến 9 người thiệt mạng.
Số người mất tích đã được điều chỉnh giảm xuống còn khoảng 62 người từ con số 150 người đưa ra trước đó. Bên cạnh đó, số liệu thương vong cũng được cập nhật lên 9 người đã thiệt mạng và 265 người bị thương. Trong số những người bị thương có nhiều người nước ngoài, gồm công dân các nước Séc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.
Các lực lượng cứu hộ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 8/2 vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm khoảng 62 người mất tích được cho là đang mắc kẹt trong các tòa nhà đổ sập
Trận động đất mạnh cũng làm sập 4 tòa nhà và hư hại nhiều tòa nhà khác. Đây là trận động đất mạnh nhất ở TP Hoa Liên trong vòng 5 thập kỷ qua. Sau trận động đất đã xảy ra 26 dư chấn, thậm chí mạnh tới 5 độ Richter.
Động đất đã gây hư hại nhiều tuyến đường bộ, đường ống dẫn khí đốt và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Hơn 1.900 hộ gia đình rơi vào cảnh mất điện, 35.000 hộ bị cắt nước sinh hoạt. 2 khách sạn ở trung tâm TP đã bị sập một phần. 
Đến trưa ngày 7/2, chính quyền TP Hoa Liên đã khôi phục lại nguồn cấp nước cho gần 5.000 hộ và đường điện cho khoảng 1.700 gia đình.
Kể từ ngày 4/2, các chuyên gia động đất đã ghi nhận hơn 100 rung chấn tại thành phố Hoa Liên và cảnh báo tình hình này có thể kéo dài trong những tuần tới.
Cùng ngày Đài Loan đã từ chối lời đề nghị từ Trung Quốc gửi một nhóm cứu hộ tới hòn đảo này sau khi một trận động đất mạnh làm rung chuyển TP Hoa Liên ven biển một ngày trước đó.
Sau trận động đất sáng ngày 7/2, Hoa Liên lại rung chuyển vì một trận động đất khác, mạnh 5,7 độ Richter. Trận động đất thứ 2 xảy ra tại cùng một điểm như trận động đất đầu tiên, ở độ sâu 11km, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Đức hy vọng chấm dứt bế tắc chính trị.
Ngày 7/2, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng đối tác trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) đã đạt một thỏa thuận thành lập liên minh chính thức, mở ra hy vọng chấm dứt 4 tháng bế tắc chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu này. 
Chủ tịch Đảng CSU Horst Seehofer, Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch Đảng SPD Martin Schulz (từ trái sang) sau cuộc đàm phán vừa qua. Ảnh: Reuters.
Các bên đã đạt được thỏa thuận về những vấn đề trước đó còn tranh cãi, gồm luật lao động, y tế, tài chính. Một chính phủ mới được hình thành và một nhiệm kỳ lần thứ 4 liên tiếp dành cho Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel.
Mặc dù đây là cái bắt tay đang được châu Âu mong đợi và giúp yên lòng các nhà đầu tư, nhưng giới quan sát lại ví đây là "cuộc hôn nhân không có tình yêu" và là lựa chọn cuối cùng khi không có giải pháp nào thay thế. Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó thừa nhận: “Mỗi người cần phải đưa ra những thỏa hiệp đau đớn”.
Hiện Thỏa thuận này vẫn cần phải vượt qua vật cản cuối cùng đó là cần hơn 440.000 đảng viên của Đảng Dân chủ xã hội trên toàn quốc thông qua.