Thế giới tuần qua: Nỗ lực hòa bình tại Trung Đông bị đe dọa

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng phản đối việc Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tiếp tục lan rộng; Tổng thống Putin quyết định rút binh sĩ Nga khỏi Syria... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Căng thẳng Israel - Palestine: 4 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương
Khoảng 2.500 người Palestine đã ném đá vào cảnh sát ở Bờ Tây và khoảng 3.500 người khác xô xát với lực lượng Israel ở dọc hàng rào an ninh dải Gaza.
4 người Palestine đã bị thiệt mạng và hàng trăm người bị thương tại Bờ Tây và dải Gaza trong cuộc đụng độ bạo lực giữa lực lượng Israel và người biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
 Tình hình xung đột giữa người Palestine và Israel ngày một căng thẳng.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Y tế Palestine, có 2 người đã bị bắn thiệt mạng ở dải Gaza, trong đó, có một người là người khuyết tật ngồi trên xe lăn và 2 người khác thiệt mạng ở Bờ Tây. Ngoài ra, đã có ít nhất 367 người bị thương, phần lớn do hơi cay và đạn cao su, một số trong tình trạng nguy kịch, theo giới chức Y tế Palestine.
Tình hình xung quanh Gaza vẫn rất căng thẳng khi Israel cảnh báo lãnh đạo của tổ chức Hồi giáo Hamas nếu còn tiếp tục nã đạn pháo từ vùng ven biển.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cách đây một tuần, 16 tên lửa đã được phóng từ Gaza nhắm vào Israel, Tướng Ronen Manelis cho biết. Các tên lửa được cho là phóng đi từ nhóm Hồi giáo Hamas và một số tổ chức Hồi giáo nhỏ hơn.
Tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của ông Trump đã gây ra bất ổn bùng phát tại khu vực. Hàng chục nghìn tín đồ đã đến nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở TP cổ Jerusalem để cầu nguyện vào ngày thứ Sáu (15/12) và ở lại biểu tình phản đối sau khi kết thúc cầu nguyện.
Hàng ngàn người Jordani cũng tụ họp để phản đối ở trung tâm TP Amman, truyền hình địa phương phát sóng các cảnh quay trực tiếp của các cuộc biểu tình nhỏ hơn ở những nơi khác trong nước. 
Tổng thống Putin yêu cầu rút binh sĩ Nga khỏi Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm căn cứ quân sự Hmeymim thuộc tỉnh Latakia của Syria và ra lệnh Bộ Quốc phòng bắt đầu rút toàn bộ lực lượng Nga khỏi Syria.
Ngày 11/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thăm căn cứ quân sự Hmeymim ở tỉnh Latakia, Syria, lần đầu tiên kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 9/2015. 
Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu rút binh sĩ Nga khỏi Syria.
Phát biểu trước các binh sĩ quân đội Nga tại căn cứ quân sự Hmeymim ở Syria, Tổng thống Putin cho biết, ông đã yêu cầu Bộ Quốc phòng và giới chức quân sự Nga bắt đầu rút quân khỏi Syria. “Tôi ra lệnh cho Bộ Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng bắt đầu rút nhóm quân đội Nga đến các căn cứ thường trực”, ông Putin nói với các quan chức quân đội.
Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định, sau chiến dịch quân sự 2 năm tại Syria, quân đội Nga và Syria đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo Tổng thống Putin, lực lượng quân đội Nga và quân đội chính phủ Syria đã nhổ tận gốc nhóm khủng bố quốc tế IS ở Syria. “Trong hơn 2 năm qua, Quân đội Nga đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội Syria tiêu diệt tận gốc nhóm khủng bố quốc tế. Theo quan điểm này, tôi quyết định: Hầu hết quân đội đang thường trực ở Cộng hòa Hồi giáo Syria sẽ trở về nhà”, ông Putin phát biểu với các binh sĩ Nga.
Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh Nga luôn sẵn sàng giáng đòn chí tử đối với khủng bố, nếu chúng cố gắng phá hoại hòa bình ở Syria,
Cũng tại chuyến thăm, Tổng thống Putin đã chúc mừng các quân nhân Nga được triển khai đến căn cứ quân sự Hmeymim đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh bại khủng bố ở Syria. “Các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống quân phiến loạn ở Syria. Tôi chân thành chúc mừng các đồng chí”, Tổng thống Nga nói biết thêm.
“Tôi tin tưởng các đồng chí sẽ tiếp tục tận tâm phụng sự Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia và công dân của chúng ta”, ông Putin phát biểu.

Lãnh đạo Syria đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tổng thống Putin, Bộ Quốc phòng và nhân dân Nga giúp bảo vệ đất nước khỏi họa khủng bố. Trong chuyến thăm bất ngờ tới Syria, Tổng thống Nga Putin cũng có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Bashar al-Assad. 
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Triều Tiên dừng các hành động khiêu khích
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 15/12 tái khẳng định Triều Tiên cần phải chấm dứt các hành vi khiêu khích, một điều kiện tiên quyết trước khi ngồi vào bàn đàm phán.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 15/12 về căng thẳng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi "chấm dứt lâu dài hành vi đe dọa của Triều Tiên" trước khi tiến hành các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng.
 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson 
Ngoại trưởng Tillerson cho biết, mặc dù không muốn chiến tranh với Bình Nhưỡng nhưng nước này vẫn để ngỏ mọi lựa chọn.
“Mỹ sẽ sử dụng mọi biện pháp để tự vệ trước sự hung hăng của Triều Tiên. Những chúng tôi vẫn hy vọng ngoại giao sẽ mang lại giải pháp cho vấn đề này. Như tôi đã nói hồi đầu tuần, Triều Tiên phải chấm dứt thái độ thù địch trước khi đàm phán có thể bắt đầu”, ông Tillerson nói.
Tuyên bố của ông Tillerson dường như đi ngược lại với phát biểu của chính ông đầu tuần qua khi cho biết Mỹ có thể đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết gì.
Trước đó, cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phủ nhận tuyên bố của ông Tillerson khi khẳng định lập trường quan điểm của Tổng thống Trump về vấn đề Triều Tiên không thay đổi cũng như ám chỉ khả năng đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết chỉ là ý kiến cá nhân.
"Triều Tiên phải quay trở lại bàn đàm phán. Chiến dịch gây áp lực phải tiếp tục cho đến khi đạt được vấn đề phi hạt nhân hóa", Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh.
Ông Tillerson cũng đã bày tỏ hy vọng trong tuần này rằng Mỹ và Triều Tiên có thể đàm phán để giải quyết xung đột về vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Ngoại trưởng Tillerson cũng kêu gọi Trung Quốc và Nga tăng sức ép lên Triều Tiên bằng cách thực hiện nghiêm túc các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ, ông Ja Song-nam, hoàn toàn phớt lờ kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong bài phát biểu. Đại sứ Ja khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không đe dọa bất kỳ nước nào miễn là lợi ích của họ không bị xâm phạm.
Đại sứ Triều Tiên mô tả cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ  là "một biện pháp tuyệt vọng do Mỹ tổ chức vì lo sợ sức mạnh hạt nhân của chúng tôi".
EU đồng ý phê chuẩn khởi động giai đoạn 2 cuộc đàm phán Brexit
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 15/12 thông báo các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí mở giai đoạn đàm phán tiếp theo về việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit.
Các nhà lãnh đạo EU chính thức phê chuẩn quyết định khởi động giai đoạn 2 về việc đàm phán Brexit, sau khi đạt một thỏa thuận về các điều khoản "ly hôn" với Anh.
Ngày 15/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo các lãnh đạo EU đã nhất trí mở giai đoạn đàm phán tiếp theo và gửi lời chúc mừng Thủ tướng Anh Theresa May. Các nhà lãnh đạo châu Âu vừa kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 14-15/12. 
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Anh Theresa May. 
Giai đoạn 2 sẽ tập trung vào một quá trình chuyển tiếp và quan hệ thương mại giữa hai bên sau thời điểm Anh chính thức rời đi vào ngày 29/3/2019. 

Chủ tịch Tusk cảnh báo giai đoạn đàm phán sắp tới sẽ khó khăn hơn các cuộc thương lượng về điều khoản "ly hôn" vừa qua.
Theo ông Tusk, EU cần Anh làm rõ quan điểm của nước này về việc xây dựng quan hệ song phương trong tương lai sau khi London rời khỏi thị trường chung. 
Đây có thể tạm coi là tin vui đối với chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May sau khi Quốc hội nước này đã nhất trí ủng hộ một nội dung sửa đổi Dự luật Brexit của chính phủ, theo đó yêu cầu đảm bảo pháp lý để các nghị sĩ được quyền bỏ phiếu đối với bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào giữa Anh và EU. 
Phát biểu sau quyết định này, Thủ tướng Theresa May cho biết London đang nỗ lực để đảm bảo một thỏa thuận thương mại tốt nhất với EU trong khi giành lại quyền kiểm soát trong các vấn đề như nhập cư.
Thủ tướng Anh cũng bày tỏ cảm ơn tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
Bà May khẳng định: "Hôm nay là một bước đi quan trọng trên con đường hướng tới một Brexit suôn sẻ và trật tự, đồng thời củng cố quan hệ đối tác đặc biệt và sâu sắc giữa Anh và EU trong tương lai". 
Trước đó, ngày 7/12, Anh và EU đã đạt được tiến bộ đầy đủ về các điều khoản "ly hôn" bao gồm vấn đề thanh toán tài chính, biên giới Ireland và quyền công dân sau Brexit.
Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán về thương mại và giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit sẽ có thể được khởi động vào đầu năm 2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần