Thế giới tuần qua: Quan hệ Hàn-Triều ấm lên, Chính phủ Mỹ đóng cửa

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Mỹ đóng cửa vì thiếu ngân sách đúng dịp kỷ niệm một năm cầm quyền của Tổng thống Trump và Olympic Mùa Đông cải thiện quan hệ liên Triều là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Hai miền Triều Tiên sẽ diễu hành dưới một lá cờ chung tại lễ khai mạc Olympic
Hàn Quốc và Triều Tiên vừa nhất trí sẽ diễu hành chung dưới một "lá cờ thống nhất" trong lễ khai mạc Olympic vào ngày 9/2 tới tại Pyeongchang, Hàn Quốc.
Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, hai miền Triều Tiên sẽ thi đấu dưới một màu cờ tại thế vận hội, sau khi đạt được thỏa thuận hợp nhất đội tuyển ở nội dung khúc côn cầu nữ trên băng.
Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 17/1 nhất trí thành lập một đội khúc côn cầu nữ chung tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang diễn ra từ ngày 9-25/2 tới.
 Hai miền Triều Tiên nhất trí sẽ diễu hành chung dưới một "lá cờ thống nhất" trong lễ khai mạc Olympic
Nếu được Ủy ban Olympic quốc tế thông qua, thì đây sẽ là một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cao cho mối quan hệ hai nước, vốn về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và là bước đột phá chưa từng thấy trong lịch sử giao lưu thể thao giữa hai miền Triều Tiên.
Một đội khúc côn cầu nữ chung  và một cuộc diễu hành chung dưới một “lá cờ thống nhất” trong lễ khai mạc Olympic Mùa đông sẽ là một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cao cho thấy sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hai nước đã đạt được nhất trí về vấn đề này tại cuộc đàm phán diễn ra trước đó cùng ngày tại Bàn Môn Điếm, ngôi làng chứng kiến lễ ký thỏa thuận đình chiến kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Lá cờ được sử dụng tại lễ khai mạc sẽ là biểu tượng cho sự toàn vẹn của bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng từng diễu hành chung tại lễ khai mạc các Thế vận hội năm 2000, 2004 và 2006, song đây lại là lần đầu tiên, một đội vận động viên của một bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ đại diện thi đấu tại Thế vận hội.
Hàn Quốc và Triều Tiên cũng trao đổi ý kiến về quy mô của đoàn Triều Tiên, các sự kiện văn hóa chung và khả năng sử dụng khu trượt tuyết Masikryong của Triều Tiên.
Theo tuyên bố chung sau cuộc gặp, ngoài 30 vận động viên Taekwondo, Triều tiên sẽ cử một đoàn gồm 230 cổ động viên đến Olympic PyeongChang, và một đoàn 150 người gồm cả vận động viên và cổ động viên tham gia Paralympic diễn ra từ 9-18/3. Trước đó, ngày 15/1, Triều Tiên cũng đã nhất trí cử một đoàn nghệ thuật gồm 140 người đến tham gia trình diễn tại Olympic mùa Đông PyeongChang. 
Seoul và Bình Nhưỡng cần phải đạt được quan điểm thống nhất về cách thức nhập cảnh của đoàn thể thao và cổ vũ Triều Tiên, cũng như phía sẽ chi trả toàn bộ chi phí của chuyến đi này.
Theo kế hoạch, mỗi bên sẽ cử 3 quan chức tham gia thảo luận với Ủy ban Olympic Quốc tế tại Lausanne (Thụy Sĩ) vào ngày 20/1 để đưa ra quyết định cuối cùng.
Chính phủ đóng cửa, kinh tế Mỹ có khả năng thiệt hại 6,5 tỷ USD
Chính phủ liên bang Mỹ đã đóng cửa lần đầu tiên trong vòng 4 năm sau khi dự luật chi tiêu ngân sách tạm thời không được Thượng viện thông qua kịp thời hạn (đêm 19/1).
Lãnh đạo đảng Cộng hòa và Dân chủ đều cho biết sẽ tiếp tục đàm phán, tăng khả năng về một giải pháp vào cuối tuần. Văn phòng của Giám đốc quản lý ngân sách Mick Mulvaney cho biết, các tranh cãi có thể được giải quyết trước khi văn phòng chính phủ làm việc lại vào thứ Hai tuần sau, cho thấy rằng, tác động của việc đóng cửa chính phủ chỉ ở mức hạn chế.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố cứng rắn, cho biết sẽ không đàm phán về vấn đề trung tâm là vấn đề di cư, cho đến khi ngân sách chính phủ được nối lại.
“Chúng tôi sẽ không đàm phán về tình trạng của những người nhập cư trái phép trong khi đảng Dân chủ lấy lợi ích của công dân Mỹ hợp pháp để để mặc cả cho những yêu cầu của họ”, Người Phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói.
Trụ sở Quốc hội Mỹ.
Trong bối cảnh chỉ còn 10 tháng nữa là đến kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ, cả 2 đảng đều phải đối mặt với nguy cơ chính trị quan trọng này. Các thành viên đảng Cộng hòa đã quyết định không chấp nhận yêu cầu đàm phán, trong khi phe đảng Dân chủ sử dụng thời hạn cuối để thông qua dự luật ngân sách (đêm 19/1) để buộc phe Cộng hòa nhượng bộ về một số vấn đề - trong đó có việc bảo vệ cho hàng trăm ngàn người nhập cư trẻ không có giấy tờ theo chương trình Những kẻ mơ mộng (DACA) của cựu Tổng thống Obama.
Trước đó, Tổng thống Trump đã gặp lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Charles Schumer, để thảo luận những bất đồng về vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, hai bên không đạt được một thỏa thuận chung.
Chính phủ Mỹ cũng từng đóng cửa vào năm 2013 trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama. Trước đó, trong hai năm 1995 - 1996, chính phủ Mỹ cũng từng phải ngừng hoạt động 21 ngày.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chính phủ Mỹ đóng cửa trong một tuần có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 6,5 tỷ USD.
20 nước cam kết gia tăng lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng
Đại diện ngoại giao của 20 nước tham dự hội nghị về an ninh trên bán đảo Triều Tiên tại Canada ngày 16/1 đã nhất trí xem xét áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên do nước này liên tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, theo đại diện ngoại giao của Mỹ và Canada.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên đã chính thức khai mạc ngày 16/1 tại thành phố Vancouver, Canada. Hội nghị do Mỹ và Canada đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện ngoại giao đến từ 20 nước, trong đó có 11 ngoại trưởng. 
Hàn Quốc, Nhật Bản đều cử Ngoại trưởng đến tham gia hội nghị nhưng không có đại diện của Nga và Trung Quốc, hai nước có vai trò quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
 Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson. 
Tại hội nghị, đại diện ngoại giao của Mỹ và Canada cho biết, 20 nước tham dự đã nhất trí xem xét áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên do nước này đã liên tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ).
Đại diện ngoại giao 20 nước tham dự hội nghị cũng khẳng định cần duy trì sức ép trừng phạt lên Bình Nhưỡng, để nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh Mỹ hoan nghênh các động thái tích cực giữa hai miền Triều Tiên thời gian qua. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bước tiến rõ ràng trong giải quyết bất ổn trên Báo đảo Triều Tiên, trừ phi Bình Nhưỡng cam kết thay đổi. Ông Tillerson cũng cho rằng chưa phải thời điểm để nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
“Tất cả chúng ta phải nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an LHQ. Việc thực hiện đầy đủ là biện pháp thiết yếu cho an ninh của người dân cũng như dấu hiệu rõ ràng về sự tuân thủ đối với các cam kết quốc tế của các nước này”, ông Tillerson nói.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha bày tỏ hy vọng đà can dự với Triều Tiên sẽ được duy trì sau Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018 vào tháng 2 tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho rằng "hiện không phải thời điểm để giảm bớt sức ép hay trao thưởng cho Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng tiến hành đối thoại có thể được xem như bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng".
Theo nghị trình, hội nghị sẽ được chia thành nhiều phiên thảo luận theo các chủ đề gồm Đánh giá tình hình hiện tại, Các biện pháp trừng phạt, Phi hạt nhân hoá, Ngoại giao và các bước đi tiếp theo.
Tuy nhiên, hội nghị lần này có thể không đạt được các kết quả tích cực cụ thể khi Nga và Trung Quốc không tham dự cũng như liên tục chỉ trích.
Trung Quốc cho rằng hội nghị không bao gồm đầy đủ các bên quan trọng tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ mang lại sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Nga khẳng định hội nghị này là không thể chấp nhận được và phản tác dụng đối với tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Romania tiếp tục thay Thủ tướng
Ngày 17/, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã chỉ định Thủ tướng mới. Theo đó, bà Viorica Dancila, thành viên cấp cao của đảng Xã hội Dân chủ (PSD) cầm quyền, sẽ chính thức trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Romania nếu được Quốc hội nước này thông qua. Đây cũng là lần thứ 3 trong vòng chưa đầy 7 tháng Romania tiếp tục có Thủ tướng mới.
Bà Viorica Dancila sẽ chính thức trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Romania nếu được Quốc hội nước này thông qua. 
Trước đó, người tiền nhiệm của bà, ông Mihai Tudose, đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Klaus Iohannis ngày 15/1 và được chấp thuận. Cũng giống cựu Thủ tướng Sorin Grindeanu (mất chức hồi tháng 6/2017), ông Tudose không còn tiếp tục ngồi lại “ghế nóng” được nữa do mất đi sự ủng hộ của đảng PSD hiện đang nắm đa số ghế tại Quốc hội. Đảng PSD do ông Liviu Dragnea làm chủ tịch nhưng ông này đã bị cấm không được trở thành Thủ tướng từ năm 2015 do cáo buộc gian lận phiếu bầu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2012 và chiếm dụng bất hợp pháp khoản viện trợ của EU trong hơn 10 năm (2000-2012).
Bà Viorica Dancila, 54 tuổi, thành viên của Nghị viện châu Âu, được cho là người hòa nhã, có năng lực và được hy vọng sẽ đủ năng lực để giải quyết tình trạng bất ổn chính trị đang diễn ra tại quốc gia Đông Âu này. Theo quy trình bổ nhiệm, bà Vioria Dancila sẽ tiếp nhận vị trí Thủ tướng Romania sau khi được Quốc hội phê chuẩn trước ngày 1/2 tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần