Thế giới tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ - Triều trở lại quỹ đạo, Tây Ban Nha phế truất Thủ tướng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Donald Trump tuyên bố nối lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và Quốc hội Tây Ban Nha phế truất đương kim Thủ tướng Mariano Rajoy là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Tổng thống Trump sẽ gặp ông Kim Jong Un vào ngày 12/6
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 đã tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol và chính thức tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ vẫn diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Ông Kim Yong-chol sau 2 ngày gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại New York đã đến Nhà Trắng diện kiến và trao một bức thư của lãnh đạo Kim Jong Un đến Tổng thống Trump. Theo CNN, Tổng thống Trump nhận xét bức thư "thú vị", nhưng sau đó ông thừa nhận chưa đọc nó.
Tổng thống Mỹ tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ vẫn diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên sau khi sau khi có cuộc hội đàm kéo dài khoảng gần 90 phút với Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.
"Chúng ta sẽ thỏa thuận, chúng ta sẽ bắt đầu tiến trình (đàm phán với Bình Nhưỡng). Chúng ta sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào ngày 12/6 và tôi nghĩ cuộc thượng đỉnh sẽ thành công", ông Trump phát biểu.
Tổng thống Mỹ tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh lịch với nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ diễn ra đúng kế hoạch ban đầu chỉ một tuần sau khi đột ngột hủy bỏ cuộc thượng đỉnh.
Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định hai bên có thể cần nhiều hơn một cuộc gặp gỡ để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời tiết lộ Mỹ đã đơn phương tạm hoãn hàng trăm lệnh trừng phạt chuẩn bị áp dụng lên Bình Nhưỡng. 
"Tôi sẽ không thực thi chúng trừ khi đối thoại với ông Kim Jong Un thất bại. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không gỡ bỏ cấm vận đang có hiệu lực cho đến khi Triều Tiên bắt đầu giải trừ kho vũ khí hạt nhân.
Kết thúc cuộc gặp, Tổng thống Trump đã ra tận xe ô tô để tiễn ông Kim Yong-chol. Ông Trump khẳng định Mỹ và Triều Tiên sẽ "bắt đầu một mối quan hệ" vào ngày 12/6 tới. 

Tổng thống Trump nêu rõ Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa và xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên "sẽ là một tiến trình", song ông tin rằng tiến trình đó cuối cùng sẽ "thành công".
Trước đó, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol đã có chuyến thăm hiếm hoi tới Nhà Trắng, mang theo lá thư "hồi âm" của nhà lãnh đạo Kim Jong Un gửi Tổng thống Donald Trump.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Washington D.C của một quan chức cấp cao Triều Tiên trong vòng 18 năm qua.
Quốc hội Tây Ban Nha phế truất Thủ tướng Mariano Rajoy
Ngày 1/6, Quốc hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu bất tín nhiệm và phế truất đương kim Thủ tướng Mariano Rajoy do những cáo buộc tham nhũng đối với đảng Nhân dân cầm quyền.
Trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm do lãnh đạo đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha (PSOE) đối lập, ông Pedro Sanchez yêu cầu, Quốc hội Tây Ban Nha chính thức phế truất Thủ tướng Mariano Rajoy với 180 phiếu thuận, 169 phiếu chống và 1 người vắng mặt.
Ngày 1/6, Quốc hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu bất tín nhiệm và phế truất đương kim Thủ tướng Mariano Rajoy.
Để tránh khoảng trống quyền lực sau cuộc bỏ phiếu, Quốc hội Tây Ban Nha đã quyết định ông Pedro Sanchez, lãnh đạo đảng đối lập PSOE theo đường lối xã hội chủ nghĩa, trở thành nhà lãnh đạo mới của nước này. Ngày 25/5 vừa qua, đảng PSOE đã kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Mariano Rajoy sau khi đảng Nhân dân (PP) cầm quyền của ông Rajoy bị buộc tội hưởng lợi từ những quỹ bất hợp pháp.
Sau cuộc bỏ phiếu, ông Rajoy đến chỗ ông Sanchez tại trụ sở Quốc hội và bắt tay tân thủ tướng.
Sự ủng hộ dành cho ông Rajoy sụt giảm mạnh trong vài năm qua sau những cáo buộc tham nhũng đối với đảng PP cầm quyền. Trong tuần trước, tòa án kết tội một số cựu phụ tá của ông Rajoy vì lập ra những quỹ ngầm nhằm hỗ trợ tài chính cho đảng PP thắng cử.
Bản thân ông Rajoy không bị cáo buộc nhưng cũng phải dự nhiều phiên điều trần liên quan tới vụ án. Ông Rajoy là thủ tướng đầu tiên của Tây Ban Nha thất bại trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ khi nước này chuyển sang nền dân chủ vào năm 1977.
Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu ngày 1/6, ông Rajoy đã đoán được số phận của mình khi thừa nhận “ông Pedro Sanchez sẽ là người đứng đầu chính phủ mới và hãy cho tôi là người đầu tiên được chúc mừng ông”.
Dự kiến, ông Pedro Sanchez, 46 tuổi, có thể nhậm chức vào ngày 4/6 và chỉ định nội các của ông vào tuần tới. Ông Sanchez cam kết sẽ tiến hành tổng tuyển cử nhưng nói rằng chính phủ thiểu số của ông cần thêm vài tháng để tập trung cải cách xã hội và giáo dục trước khi tổ chức cuộc bầu cử mới. Ông Sanchez được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn khi đảng PSOE chỉ có 84 ghế trong tổng số 350 ghế trong Quốc hội Tây Ban Nha. 
Trung Quốc được nhắc đến nhiều trong mở đầu Đối thoại Shangri-La
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Mỹ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong mối quan hệ “hướng vào mục tiêu thành quả”. Bên cạnh đó, hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là mang tính áp bức và Lầu Năm Góc sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ” nếu cần thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. 
“Tôi tin rằng sẽ có hậu quả lớn hơn trong tương lai khi khi các quốc gia mất đi mối quan hệ hòa hợp với láng giềng”, Bộ trưởng Mattis cho hay.
Cũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi châu Á là tương lai kinh tế thế giới, bên cạnh đó ông cũng đề cập đến Trung Quốc.

“Tôi tin tưởng rằng châu Á cũng như thế giới sẽ có tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác với tin cậy”, Thủ tướng Modi nói. 

Mặc dù có ca ngợi láng giềng Trung Quốc nhưng Ấn Độ từ lâu đã theo dõi động thái của Bắc Kinh trong khu vực với cảnh giác cao, đặc biệt là tình hình tại Biển Đông.Thủ tướng Modi nêu rõ: “Ấn Độ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở cùng dẫn dắt chúng ta theo đuổi phát triển và thịnh vượng. Trong đó bao gồm mọi quốc gia cùng thuộc khu vực và những đất nước khác có liên quan. Chúng ta đều nên được cho phép hưởng lợi ích ngang bằng từ việc tận dụng không gian biển và bầu trời mà không bị phân biệt. Khi chúng ta đều thống nhất tuân theo điều này thì tuyến đường biển sẽ đem đến thịnh vượng và là hành lang cho hòa bình”.
Mỹ áp thuế nhôm, thép lên một loạt đồng minh
Washington thông báo áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico từ 1/6, gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, Washington tiến hành kế hoạch đánh thuế 25% lên mặt hàng thép và 10% lên mặt hàng nhôm nhập khẩu. Quyết định này có thể khiến EU, Canada và Mexico phản ứng mạnh mẽ, gia tăng căng thẳng thương mại.
Ông Ross đồng thời xác nhận việc sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) "mất nhiều thời gian hơn mong đợi". Thảo thuận với các nước châu Âu "có tiến triển", tuy nhiên không đủ để Mỹ quyết định miễn thuế, ông phát biểu trong cuộc họp báo qua điện thoại từ Paris.
Washington thông báo áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico từ 1/6,
Ông Ross cũng chuẩn bị có cuộc đàm phán tại Bắc Kinh, nơi ông sẽ nỗ lực giành được các hợp đồng xuất khẩu thêm nhiều hàng hóa của Mỹ hơn trong nỗ lực cắt giảm thâm hụt thương mại 375 tỷ USD­­­ của Mỹ với Trung Quốc.
Washington đang tạo áp lực để Bắc Kinh ký kết một hợp đồng mua hàng nông sản và năng lượng dài hạn.
Đây được xem như một phần trong thỏa thuận thương mại lớn nhằm giảm khoản thâm hụt thương mại 337 tỷ USD với Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dự kiến sẽ thảo luận về danh sách một loạt các mặt hàng mà Trung Quốc có thể mua từ Mỹ trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tuần này
Ông Ross dự kiến sẽ tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu có thể thay thế cho hàng hóa mà Trung Quốc đang nhập từ các nước khác như sản phẩm tinh chế, khí hóa lỏng, hàng nông sản như thịt bò, đậu nành và gia cầm.
Tương tự, trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người dẫn đầu trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc, đã đề cập đến khả năng tăng khoảng 50-60 tỷ USD hàng năm trong xuất khẩu.