Thế giới tuần qua: Tiền đề thuận lợi cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên thành công tốt đẹp và việc đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để bắt đầu đàm phán thành lập chính phủ mới tại Đức là những sự kiện nổi bật trbieetsDNTP.

Sau đàm phán liên Triều, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt
Triều Tiên sẽ cử đoàn tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang tháng tới, trong khi Seoul chuẩn bị dỡ bỏ tạm thời một số lệnh trừng phạt. Đây là tuyên bố được đưa ra trong cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 9/1.
Các quan chức Triều Tiên tại cuộc đàm phán chính thức đầu tiên với Hàn Quốc trong 2 năm cho biết, đoàn tham gia Thế vận hội sẽ bao gồm các vận động viên, quan chức cấp cao và một đội cổ động.
Các quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc tại cuộc đàm phán chính thức đầu tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Roh Kyu-deok cho biết, Seoul sẽ cân nhắc các bước tiếp theo cùng với Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và các nước liên quan khác để hỗ trợ Triều Tiên đến tham  gia Thế vận hội.
Tại cuộc đàm phán hôm 9/1, Seoul đã đề xuất các cuộc thảo luận quân sự liên Triều nhằm giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và cuộc tái hợp của các thành viên gia đình bị ly tán bởi chiến tranh vào đúng dịp Tết Nguyên đán. 
Hàn Quốc cũng đã đề xuất rằng các vận động viên từ hai miền Triều Tiên sẽ diễu hành cùng nhau trong lễ khai mạc và các hoạt động chung khác trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung trả lời phóng viên bên ngoài phòng đàm phán. 
Thái Lan cảnh báo truy tố các quan chức nếu không truy bắt cựu Thủ tướng Yingluck
Ngày 11/1, Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách an ninh quốc phòng, Đại tướng Prawit Wongsuwon cho biết, các quan chức nước này có thể bị truy tố theo Bộ luật hình sự nếu họ không tiến hành điều tra, truy bắt cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra về nước xét xử
Theo Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon, giới chức Thái Lan có thể bị buộc tội nếu không điều tra và truy bắt cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra về nước xét xử.
Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách an ninh quốc phòng, Đại tướng Prawit Wongsuwon.
Phó Thủ tướng Prawit cảnh báo các công tố viên, cảnh sát và Bộ Ngoại giao phải phối hợp truy tìm cựu Thủ tướng Yingluck, nếu không sẽ bị truy tố theo Khoản 157 của Bộ luật hình sự. Điều luật này quy định về hành vi không thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm đối với các quan chức nhà nước.
Trước đó, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai ngày 9/1 xác nhận cựu Thủ tướng Yingluck hiện đang ở London, Anh, sau khi ảnh của bà ở Anh lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thái Lan từ chối bình luận về việc liệu chính quyền nước này có ý định dẫn độ bà Yingluck hay không.
Bức ảnh thứ nhất xuất hiện hôm 29/12 gây xôn xao trong dân chúng Thái Lan khi lần đầu tiên họ nhìn thấy cựu Thủ tướng Yingluck kể từ khi bà trốn chạy khỏi Thái Lan. Hôm 4/1, bức ảnh khác xuất hiện trên mạng xã hội Twitter cho thấy bà Yingluck đang tươi cười chụp cùng một phụ nữ chưa rõ danh tính bên ngoài trung tâm mua sắm Harrods ở London.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng Chưởng lý Thái Lan (OAG) cho biết, cơ quan này vẫn chưa đề nghị Vương quốc Anh để dẫn độ bà Yingluck về quy án do thiếu thông tin về nơi ở.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Prawit vẫn nghi ngờ cựu Thủ tướng Yingluck đã sử dụng hộ chiếu của nước khác nhập cảnh vào Anh vì 4 hộ chiếu do Thái Lan cấp đã bị hủy và Đại sứ Anh tại Thái Lan từ chối đề cập việc nước này cấp hộ chiếu cho bà Yingluck.
Trong khi đó, tờ Nation của Thái Lan ngày 11/1 trích dẫn các nguồn tin trong đảng Pheu Thai của cựu Thủ tướng Yingluck cho biết bà đã sử dụng hộ chiếu doanh nhân để nhập cảnh Anh và hiện chưa xin được tị nạn chính trị.
Thủ tướng Merkel đạt được thỏa thuận “đột phá”, mở đường cho nhiệm kỳ thứ 4
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội đối lập, ông Martin Schulz ngày 12/1 đã đạt được thỏa thuận sơ bộ "mang tính đột phá" để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ mới, đưa nước Đức  thoát khỏi bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua.
Sau gần 1 tuần đàm phán khó khăn, trong đó cuộc gặp cuối cùng kéo dài 24 tiếng liên tục tại thủ đô Berlin, ngày 12/1, lãnh đạo liên đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã đạt được tiến triển "mang tính đột phá" với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ mới trong vài tuần tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch đảng SDP Martin Schulz ngày 12/1, Thủ tướng Angela Merkel, lãnh đạo liên đảng CDU/CSU cầm quyền hoan nghênh và đánh giá  thỏa thuận vừa đạt được là một "khởi đầu mới cho Đức".
Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch đảng SDP Martin Schulz tại cuộc họp báo chung.
"Chúng tôi đã thảo luận liên tục trong 24 giờ qua và tôi không chắc chúng tôi sẽ thành công", bà Merkel nói. "Tôi nghĩ chắc chắn sẽ rất khó khăn nhưng chúng tôi đã tiến hành các cuộc đàm phán trên tinh thần phải tìm bằng được một giải pháp".
Nhà lãnh đạo Đức đã hoan nghênh cam kết đạt được cho phép bà tiếp tục giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 4 năm, cũng như đưa nước này thoát khỏi bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua.
Bà Merkel khẳng định mong muốn thành lập một Chính phủ ổn định trong những năm tới: “Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo đã nhất trí thông qua văn kiện này. Đây là kết quả các cuộc đàm phán thăm dò, với sự tham dự của nhiều thành phần và dựa trên những cơ sở rộng rãi. Chúng tôi sẽ khuyến nghị đảng sớm thông qua để có thể bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập Chính phủ ổn định”.
Đảng Dân chủ Xã hội từng là một phần của "đại liên minh" với các đảng bảo thủ của bà Merkel lãnh đạo đất nước trong 4 năm qua. Tuy nhiên, sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 năm ngoái, với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, đảng này đã tuyên bố trở thành phe đối lập và chỉ thay đổi quyết định sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Đức.
Thỏa thuận dài 28 trang này bao gồm một cam kết "hợp tác chặt chẽ với Pháp để cải tổ và củng cố Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách bền vững, nhằm giúp toàn liên minh ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu".  Dự thảo thỏa thuận trên đề ra các mục tiêu chính sách trong suốt nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ 4 của bà Merkel.
Việc đạt được thỏa thuận đã phần nào giúp giảm áp lực đối với bà Merkel cũng như Liên minh CDU/CSU của mình và xóa tan những nghi ngại về tầm ảnh hưởng của "quốc gia đầu tàu châu Âu" này trong các vấn đề quốc tế khi chưa có chính phủ mới. 
Thời tiết cực đoan tại nhiều nước trên thế giới
Vùng bờ Đông của nước Mỹ đang được ví là "lạnh như sao Hỏa", khi nhiệt độ giảm tới -50 độ C do tác động của những đợt gió lạnh và tuyết rơi dày. Nhiệt độ tại đỉnh núi Washington, đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc nước Mỹ hạ xuống mức -68 độ C, lập kỷ lục lạnh thứ hai trên hành tinh sau Nam Cực.
Vùng bờ Đông của nước Mỹ đang được ví là lạnh như sao Hỏa.
Trung Quốc cũng đang bị giá lạnh đang tấn công khi tuyết rơi dày và thời tiết xuống mức đóng băng tại nhiều khu vực ở miền bắc, trung và đông nước này.
Tại miền Bắc Ấn Độ, một số vùng đã hứng chịu tuyết rơi dày, nước cũng bị đóng băng.  Nhiệt độ tại thủ đô New Delhi có lúc xuống 5 độ C.
Canada cũng đang hứng chịu đợt lạnh kỷ lục với nhiệt độ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 57 năm.
Còn tại phía Nam Bán cầu, nhiệt độ ở TP Sydney, Australia có hôm lên tới 47,3 độ C. Nắng nóng kỷ lục cũng gây ra tình trạng cháy rừng nghiêm trọng ở khu vực phía Nam, buộc Australia phải ban bố cảnh báo khẩn cấp tại nhiều bang.
Tại Pháp, Nhiệt độ trung bình trên toàn quốc là 11,5 độ C, cao hơn 6 độ so với mức bình thường; có nơi nhiệt độ tăng cao kỷ lục như ở thành phố Cannes chạm mức 22,9 độ C.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần