Thế giới tuần qua: Tòa Phúc thẩm ngưng lệnh cấm nhập cư của ông Trump

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tòa Phúc thẩm ngưng lệnh cấm nhập cư của ông Trump, Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục từ chối xuất hiện trong phiên thẩm vấn… là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Tòa Phúc thẩm ngưng lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Mỹ

 Người dân biểu tình chống lại sắc lệnh nhập cư của tân Tổng thống Donald Trump.

Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực 9 đã giữ nguyên phán quyết của thẩm phán James Robart ở Seattle hôm 3/2 về việc tạm dừng thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân 7 nước Hồi giáo lớn gây tranh cãi mà Tổng thống Donald Trump ký ngày 27/1.

Phán quyết của Tòa phúc thẩm được đưa ra hôm 9/2 đồng nghĩa với việc người có hộ chiếu từ 7 nước gồm Iran, Iraq, Somalia, Sudan, Syria, Yemen và Libya vẫn tiếp tục được nhập cảnh vào Mỹ. Ông Trump ngay sau đó phản ứng trên Twitter rằng: “Hẹn các người trước toà, an ninh đất nước chúng ta đang bị đặt cược!”. Bộ Tư pháp cũng tuyên bố đang xem xét lại phán quyết của toà án liên bang và cân nhắc các hành động khác.

Bộ Tư pháp, đại diện cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump giờ có thể yêu cầu Tòa án Tối cao - thường tạm dừng các hoạt động của Tổng thống liên quan tới các vấn đề nhập cư và an ninh quốc gia - để can thiệp.

Tổng thống Hàn Quốc hủy lịch tham gia phiên thẩm vấn

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Đại diện Văn phòng phủ Tổng thống bác thông tin bà Park sẽ không xuất hiện trong phiên thẩm vấn của Nhóm công tố viên đặc biệt. Tuy nhiên, lại khẳng định, phiên thẩm vấn chỉ diễn ra khi “niềm tin với Nhóm công tố viên đặc biệt được khôi phục”. Những tuyên bố trên được đưa ra, ngay sau khi phía Tổng thống Hàn Quốc chí trích Nhóm công tố viên để lộ thông tin về thời gian cũng như địa điểm diễn ra phiên thẩm vấn với sự có mặt của bà Park Geun-hye.

Trước đó, giới truyền thông đã đưa tin, đại diện Văn phòng phủ Tổng thống và Nhóm công tố viên đã họp bàn, quyết định tiến hành phiên thẩm vấn trong ngày 9/2. “Quan điểm của chúng tôi là muốn Tổng thống đối mặt với phiên thẩm vấn càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể diễn ra khi niềm tin với Nhóm công tố viên đặc biệt được khôi phục. Chúng tôi cùng Nhóm công tố viên đặc biệt vấn đang tích cực phối hợp chi tiết về những câu hỏi sẽ đưa ra. Do vậy, hoàn toàn không có chuyện bà Park từ chối phiên thẩm vấn”, một trợ lý của Tổng thống Hàn Quốc cho biết.

Giới quan sát nhận định, phiên thẩm vấn có thể diễn ra vào tuần tới, bởi Nhóm công tố viên đang tích cực đẩy nhanh tiến độ để kết thúc quá trình điều tra vào đúng thời hạn ngày 28/2. Thời hạn của tiến trình điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bà Park Geun-hye đã nhận được sự chấp thuận của quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn.

Trong diễn biến liên quan, đảng Saenuri cầm quyền đã quyết định đổi tên mới là Hàn Quốc Tự do nhằm tránh xa vụ bê bối tham nhũng của bạn thân Tổng thống Park Geun-hye. Một phát ngôn viên của Saenuri cho biết, các lãnh đạo đảng sẽ họp và thông qua tên mới vào ngày 13/2. “Chúng tôi quyết định đổi tên đảng thành đảng Hàn Quốc Tự do với cam kết tái sinh”, người phát ngôn đảng Saenuri nói.

Hạ viện Anh chính thức thông qua dự luật Brexit

Dự luật Brexit được Hạ Viện Anh thông qua.

Sau 3 ngày tranh luận và xem xét kỹ lưỡng bản dự thảo dài 140 trang do chính phủ đề xuất, Hạ viện Anh ngày 8/2 đã thông qua “Dự luật Rút khỏi Liên minh châu Âu (EU)”, còn gọi là Brexit với 494 phiếu thuận áp đảo so với 122 phiếu chống, cho phép chính quyền Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 của hiệp ước Lisbon về EU.

Dự luật vẫn cần phải được Thượng viện Anh thông qua trước khi chính thức trở thành luật. Tuy nhiên kết quả của Hạ Viện, nơi hơn 2/3 nghị sĩ phản đối Brexit trước cuộc trưng cầu dân ý 6/2016, đã chấm dứt nhiều ngày tranh luận gay gắt vốn thử thách thế đa số mong manh của bà May trong Quốc hội.

Thượng viện Anh sẽ có 2 ngày xem xét dự luật này từ ngày 20/2 tới. Trong trường hợp Thượng viện bổ sung hay có thêm sửa đổi, dự luật này sẽ lại được đưa trở lại Hạ viện xem xét cho đến khi được cả 2 viện thống nhất và thông qua. Chính phủ của bà May muốn Quốc hội hoàn tất tiến trình pháp lý này vào thời hạn ngày 7/3 tới để Anh đáp ứng thời hạn chót tháng 3/2017 khởi động đàm phán Brexit.

Ứng viên Tổng thống Pháp xin lỗi vì “trả lương khống” cho người thân

Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon.

Trong buổi họp báo ngày 7/2, cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã chính thức xin lỗi về việc “trả lương khống” cho vợ con. “Tôi đã ưu tiên sự tin tưởng nên làm việc cùng vợ con và hiện khiến mọi người phản đối. Đó là sai lầm của tôi. Tôi thật sự lấy làm tiếc”, ông Fillon nói nhưng khẳng định “chưa hề phạm pháp” và tuyên bố vẫn tiếp tục tranh cử vào ghế Tổng thống Pháp trong kỳ bỏ phiếu tháng 4.

Ông thừa nhận vợ là bà Penelope Fillon đã được tuyển làm trợ lý cho ông và người kế nhiệm trong tổng cộng 15 năm, với mức lương trung bình 3.677 euro/tháng (hơn 88 triệu đồng, đã trừ thuế). Theo ông mức lương đó “hoàn toàn phù hợp với một người có bằng về luật, văn chương” và “có vai trò không thể thiếu đối với công việc của một hạ nghị sĩ”. Cựu Thủ tướng Pháp cũng thừa nhận 2 người con là Charles và Marie Fillon cũng từng lần lượt là trợ lý của ông khi là thượng nghị sĩ từ năm 2005 - 2007, hưởng mức lương 3.000 euro/tháng (đã trừ thuế).

Những ngày qua, báo chí Pháp liên tục đưa thông tin nghi ngờ bà Peneloppe Fillon trên thực tế không làm việc mà chỉ hưởng lương. Theo luật pháp Pháp, việc tuyển dụng người nhà làm việc trong văn phòng là điều không bị cấm, nhưng có những điều khoản ràng buộc tương đối rõ ràng về mức lương chi trả cũng như tính chất công việc.

Trước thời điểm dính bê bối này, ông Francois Fillion từng là gương mặt sáng giá nhất trong cuộc đua vào Điện Elysee, nhưng giờ vị trí của ông đã tụt xuống thứ ba trong các ứng cử viên.

Thủ lĩnh tối cao IS bị cô lập ở Iraq

Thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Giới truyền thông dẫn lời Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết, Thủ lĩnh tối cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đang bị cô lập, hoạt động di chuyển của ông ta đã bị hạn chế đáng kể. Hồi cuối tháng 12/2016, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Iraq, tướng Fadil Barwari tuyên bố rằng al-Baghdadi đang ẩn náu trong một hầm ngầm kiên cố ở Mosul và luôn mặc đai tự sát trên người.

Hiện tại, quân đội Iraq và lực lượng liên quân đang tiến hành chiến dịch giải phóng Mossul, sau khi thành phố bị phiến quân IS chiếm giữ từ tháng 6/2014. Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã tăng tiền thưởng lên đến 25 triệu USD cho bất cứ thông tin nào về vị trí của thủ lĩnh Hồi giáo khét tiếng này.

Abu Bakr al-Baghdadi, người Iraq, tên thật là Ibrahim Awad Ibrahim Ali al-Badri, xuất hiện công khai lần đầu tiên tại Mosul vào ngày 3/7/2014, tự nhận là vua Hồi giáo của vùng đất rộng lớn bao gồm cả Iraq và Syria.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần