Thế giới tuần qua: Triều Tiên đe dọa phóng tên lửa tấn công đảo Guam của Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Trump cảm ơn ông Putin vì cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga, tàu sân bay Mỹ sẽ đến Việt Nam vào năm tới, Triều Tiên lên kế hoạch phóng 4 tên lửa đạn đạo tấn công đảo Guam của Mỹ… là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Tàu sân bay Mỹ sẽ đến Việt Nam vào năm tới
Tàu hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam vào năm tới, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố hôm 8/8.
Đây là dấu hiệu mới nhất trong việc tăng cường quan hệ giữa 2 nước.
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã nhất trí về chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ trong cuộc gặp tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Ba (8/8).
Đây được cho là lần đầu tiên một chiếc hàng không mẫu hạm của Mỹ đến Việt Nam kể từ năm 1975.
Theo truyền thông quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bàn bạc về khả năng việc tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 5.
Quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể sau chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, được xác lập năm 2013, tiếp tục phát triển hiệu quả và thực chất trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và quốc tế, là sự tiếp nối chuyến thăm Mỹ năm 2015 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một loạt các thoả thuận kinh tế lớn đã được doanh nghiệp hai bên ký kết với trị giá hơn 10 tỷ đô la, góp phần tạo việc làm và tăng trưởng ở cả hai nước.
Triều Tiên lên kế hoạch phóng 4 tên lửa đạn đạo tấn công đảo Guam của Mỹ
Triều Tiên sẽ phát triển kế hoạch phóng 4 tên lửa tầm trung tấn công đảo Guam, Mỹ vào giữa tháng 8 trước khi trình lên lãnh đạo Kim Jong-un quyết định thời điểm tiến hành.
Bản báo cáo chi tiết về kế hoạch tấn công cho thấy căng thẳng leo thang giữa Bình Nhưỡng và Washington sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “cơn thịnh nộ” nếu đe dọa Mỹ.
 Tên lửa Hwasong12 của Triều Tiên
Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đã gọi lời đe dọa của ông Trump là “vô nghĩa”.
Cũng theo KCNA, quân đội Triều Tiên đang chuẩn bị kế hoạch để tấn công lực lượng quân đội Mỹ tại căn cứ quân sự chính ở Guam và gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Washington.
Hiện có khoảng 163.000 người và một căn cứ quân sự, bao gồm một phi đội tàu ngầm, một căn cứ không quân và một nhóm bảo vệ bờ biển trên đảo Guam.
Tên lửa Hwasong12 sẽ bay qua 3.356km trong hơn 1.000 giây và sẽ trúng vùng biển cách Guam 30 - 40 km, Tướng Kim Rak Gyom - Tư lệnh Lực lượng chiến lược, quân đội Triều Tiên tuyên bố.
Căng thẳng đã tăng cao trong tuần này khi lời cảnh cáo của ông Trump yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa.
Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử bom nguyên tử năm ngoái và 2 lần phóng thử tên lửa đạn đạo hồi tháng 7. 
 Ông Trump cảm ơn Tổng thống Putin vì cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cám ơn Tổng thống Nga Putin vì ra lệnh cắt giảm đội ngũ ngoại giao của Mỹ ở Nga, một lần nữa cho thấy cư xử mềm mỏng với Nga.
Giữ yên lặng sau gần 2 tuần kể từ khi ông Putin ra lệnh cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Nga hôm 30/7, ông Trump hôm 10/8 đã phát biểu rằng, ông cám ơn Tổng thống Nga vì giờ biên chế nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nga đã giảm xuống và nước Mỹ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cám ơn Tổng thống Nga Putin vì ra lệnh cắt giảm đội ngũ ngoại giao của Mỹ ở Nga.
Động thái này của ông Trump được cho là khác biệt hoàn toàn so với phản ứng của các Tổng thống khác.
Phản ứng này cũng mâu thuẫn hoàn với phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ khi gọi hành động của Moscow là “đáng tiếc”.
Các ủy ban của Quốc hội và cố vấn đặc biệt đang điều tra kết luận của cơ quan tình báo Mỹ về việc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét về khả năng thông đồng giữa đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Trump và các quan chức Nga. Moscow đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Trước đó, Tổng thống Putin đã yêu cầu cắt giảm 755 trong tổng số 1.200 nhân viên tại Đại sứ quán và lãnh sự quán vào tháng 9 nhằm đáp trả với lệnh trừng phạt mới do Quốc hội Mỹ thông qua. Động thái cũng được coi là nhằm “trả đũa” quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga tại Mỹ của cựu Tổng thống Barack Obama sau khi các báo cáo của cơ quan tình báo cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử.
Căng thẳng Mỹ-Triều thổi bay 1.000 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu
Theo chỉ số Datastream của Reuters, tổng giá trị vốn hóa của gồm hơn 7.000 cổ phiếu trên toàn cầu đã giảm gần 1.000 tỷ USD, từ mức cao kỷ lục 61.360 tỷ của đầu tuần xuống còn 60.430 tỷ USD khi đóng cửa vào cuối tuần.
Theo dữ liệu Datastream của Reuters, tổng giá trị vốn hóa của hơn 7.000 cổ phiếu trên toàn cầu đã giảm từ mức cao kỷ lục 61.360 tỷ của đầu tuần xuống còn 60.430 tỷ USD khi đóng cửa vào cuối tuần. Như vậy khoảng 1.000 tỷ USD vốn hóa đã bị “bốc hơi” khỏi thị trường.
Thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần qua đã chứng kiến sự rung lắc mạnh, dù trong phiên cuối cùng của tuần, thị trường đã hồi phục chút ít và tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại bất chấp căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn đang leo thang.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8 với các chỉ số tăng điểm, phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh trong phiên giao dịch trước đó, nhờ cổ phiếu ngành công nghệ, dịch vụ tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe tăng.
Mặc dù vậy, thị trường Phố Wall vẫn ghi nhận một tuần giảm điểm vì bất ổn địa chính trị kéo dài, đặt biệt chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3. Có thể nói chứng khoán Mỹ đang trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ sau đợt giảm khi ông Donald Trump thắng cử tổng thống hồi tháng 11/2016.
 Thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần qua đã chứng kiến sự rung lắc mạnh.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu giảm mạnh nhất kể từ bầu cử Mỹ và thị trường mới nổi cũng trong tình trạng giảm sâu, trong khi chỉ số MSCI All Country World Index có tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 4/11/2016. Cổ phiếu châu Âu giảm liên tục trong 3 ngày liên tiếp.
Do nhiều thị trường đã thiết lập mức đỉnh trong vài tuần qua, các cổ phiếu trở nên rất mong manh trước làn sóng bán tháo. Vì vậy căng thẳng Mỹ-Triều đã châm ngòi để làn sóng ấy bùng nổ.
Đồng yen Nhật và vàng đã trở thành những “vịnh tránh bão” an toàn. Đồng yen tính chung trong tuần tăng 1,5%, lên mức cao nhất 4 tháng so với USD. Yen Nhật Bản luôn là đồng tiền hưởng lợi khi rủi ro địa chính trị xuất hiện bởi nước này là chủ nợ lớn nhất thế giới.
Ngược lại giá vàng tăng lên mức cao nhất 2 tháng.
Cuộc “khẩu chiến” giữa Tổng thống Trump và Triều Tiên đang leo thang sau khi tối qua ông Trump viết lên Twitter rằng Mỹ đã sẵn sàng các biện pháp quân sự và sẽ hành động ngay lập tức nếu Triều Tiên cư xử thiếu khôn ngoan.
Trước đó, để đáp lại lời đe dọa Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “lửa và sự cuồng nộ”, Bình Nhưỡng tuyên bố có thể tấn công vào đảo Guam – nơi đặt căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Hong Kong đều giảm mạnh.
“Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với tình hình Triều Tiên. Trước đây thị trường không thật sự phản ứng với diễn biến tại Bán đảo Triều Tiên. Nhưng lần này lại khác, sự đe dọa đã tăng lên một mức khác hẳn, thị trường không thể chịu đựng được rủi ro”, nhà chiến lược chứng khoán Neil Mellor (Mỹ) nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần