Nga khánh thành cầu Crimea vượt biển dài nhất châu Âu
Cây cầu Crimea, dài 19km, nối vùng Krasnodar, miền nam nước Nga với bán đảo Crimea đã được hợp long ngày 15/5 với sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin.
Cây cầu nói trên được xây dựng bắc qua eo biển Kerch, kết nối Crimea và khu vựcKrasnodar của Nga. “Nguyên thủ quốc gia Nga sẽ xem xét sự sẵn sàng của Trung tâm Thống nhất quản lý lưu thông đường bộ và toàn thể cơ quan điều phối vận hành dành cho công tác giao thông vận tải qua eo biển Kerch”, thông cáo của Điện Kremlin cho biết.
Việc lưu thông ô tô trên cầu Crimea sẽ được bắt đầu từ ngày 16/5. Theo AFP, với chiều dài 19km, cầu Crimea được khởi công xây dựng từ tháng 2/2016, sẽ là cây cầu dài nhất không chỉ của Nga mà còn của cả châu Âu.
Tổng chi phí xây dựng cầu Crimea, dài 19km là 228 tỷ rúp, khoảng gần 4 tỷ USD. Phần đường bộ của cầu được hoàn tất sớm hơn kế hoạch đến 6 tháng.
Trước đây, việc lưu thông giữa khu vực Crimea và miền nam nước Nga gặp nhiều khó khăn do các phương tiện phải xếp hàng để di chuyển bằng phà.
Cây cầu này đã được mô tả là công trình phức tạp nhất trong lịch sử Nga. Cây cầu Crimea khi được đưa vào sử dụng với 4 làn xe, dự kiến thu hút khoảng 40.000 lượt xe ô tô và 47 chuyến tàu mỗi ngày, khoảng 14 triệu hành khách và 13 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sẽ góp phần thuận lợi cho việc đi lại giữa 2 nơi.
Kế hoạch xây dựng cây cầu được bắt đầu không lâu sau khi Nga tiến hành sáp nhập Crimea hồi đầu năm 2014.
Xe cộ trên đường bộ sẽ được phép lưu thông vào năm 2018 trong khi đường xe lửa sẽ phải đợi đến năm 2019. Công trình này là một phần nỗ lực của Nga nhằm giúp Crimea sớm hội nhập với nga.
Triều Tiên dọa bỏ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ nếu bị ép
Triều Tiên cảnh báo, có thể cân nhắc lại về hội nghị thượng đỉnh với Mỹ nếu nước này bị tạo áp lực “đơn phương” phải từ bỏ chương trình hạt nhân.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan tuyên bố, nước này không quan tâm tới bất kỳ cuộc đối thoại hạt nhân nào mà Bình Nhưỡng bị ép buộc từ bỏ vũ khí hạt nhân, hãng tin nhà nước KCNA đưa tin.
Hãng tin nhà nước KCNA đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan tuyên bố, nước này không quan tâm tới bất kỳ cuộc đối thoại hạt nhân nào mà Bình Nhưỡng bị ép buộc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Chúng tôi sẽ không quan tâm tới các cuộc đàm phán nếu họ chỉ cố gắng đơn phương đẩy chúng tôi vào ngõ cụt và ép buộc chúng tôi từ bỏ vũ khí hạt nhân”, Thứ trưởng Triều Tiên nhấn mạnh. Triều Tiên có thể sẽ xem xét lại việc tham gia hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Mỹ hay không, ông Kim Kye-gwan nói thêm.
Ông kêu gọi Washington tham gia các cuộc đàm phán với sự chân thành và sẽ được đáp lại bằn một "phản ứng thích hợp" từ Bình Nhưỡng.
Triều Tiên hôm 16/5 đã hủy cuộc đàm phán cấp cao với Seoul do cuộc tập trận quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Hãng KCNA đã lên án cuộc tập trận chung Max Thunder giữa Seoul và Washington là đi ngược lại xu thế hàn gắn quan hệ gần đây. Được biết, cuộc tập trận chung Max Thunder này có sự tham gia của máy bay chiến đấu tàng hình và máy bay ném bom B-52 của Mỹ.
Việc hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore có thể phá hủy nỗ lực tạo nên thành tựu ngoại giao lớn nhất của ông Trump trong quá trình cầm quyền.
Máy bay Boeing 737 rơi ở Cuba, hơn 100 người thiệt mạng
Truyền thông Cuba cho biết hơn 100 người chết trong vụ rơi máy bay Boeing 737 ở thủ đô Havana, Cuba, ngày 18/5, chỉ có 3 người sống sót, nhưng đều đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo công bố sơ bộ của chính phủ Cuba, có tổng số 105 hành khách và 9 người trong phi hành đoàn trên chuyến bay CU972 của hãng Cubana de Aviación bị rơi ngày 18/5 sau khi cất cánh tại sân bay José Martí ở thủ đô La Habana.
Chiếc máy bay xấu số bay chặng nội địa Havana - Holguin. Trong số 105 hành khách của chuyến bay, có năm trẻ nhỏ, trong đó một em dưới 2 tuổi. Cubana de Aviación cũng cho biết đa số hành khách là công dân Cuba, chỉ có khoảng 5 hành khách nước ngoài cùng phi hành đoàn.
Truyền thông Cuba cho hay, chiếc máy bay này được hãng hàng không quốc gia Cubana de Aviación thuê lại và do tổ bay người nước ngoài điều khiển.
Giới chức Cuba hiện chưa thông báo cụ thể về con số thương vong cũng như nguyên nhân máy bay gặp nạn. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel có mặt tại hiện trường vụ tai nạn thảm khốc và cho biết “có số lượng lớn nạn nhân”.
Tại hiện trường, anh Gilberto Menendez, chủ một cửa hàng ăn gần nơi máy bay gặp nạn cho biết: “Chiếc máy bay chưa lên cao, chỉ khoảng 100m và vẫn hoàn toàn trong tầm nhìn của tôi, và khi đó tôi thấy nó đột ngột rơi thẳng xuống đất và phát nổ ngay lập tức.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã có mặt tại hiện trường và trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, trong khi Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo tới bệnh viện để thăm các nạn nhân và chia buồn, động viên với thân nhân.
Do chiếc máy bay đâm xuống vùng đồng ruộng trồng sắn, không có nhà dân nên may mắn không có thiệt hại dưới mặt đất.
Lịch sử hàng không Cuba ghi nhận đây là vụ tai nạn máy bay dân sự thảm khốc thứ 3 trong gần 30 năm trở lại đây. Năm 1989, một chiếc máy bay của Cuba bay chặng Havana tới Milan, Italia bị rơi sau khi cất cánh khiến toàn bộ 126 người trên máy bay và 24 người dưới mặt đất thiệt mạng.
Tai nạn thảm khốc liên quan đến máy bay dân sự tại Cuba gần nhất xảy ra năm 2010 khiến 68 người chết khi máy bay của hãng hàng không AeroCaribbean bay chặng Santiago tới Cuba rơi ở trung tâm lãnh thổ Cuba do thời tiết xấu.
Mỹ “thêm dầu vào lửa” ở Trung Đông
Tiếp sau quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ngày 14/5, Mỹ đã chính thức mở Đại sứ quán tại vùng đất thiêng này. 86 đại sứ nước ngoài tại Israel được mời tham dự buổi lễ, song chỉ có 33 đại diện có mặt.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Liên đoàn Ả Rập đã tiến hành họp khẩn. Nhiều nước trong đó có cả các đồng minh của Mỹ đã phản đối động thái trên của Mỹ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích quyết định của Mỹ là bất chấp "lẽ phải và công lý" và coi thường cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Palestine gọi đây là "cú tát vào mặt" người Palestine và thế giới Ả Rập, cho rằng Mỹ không còn được coi là bên hòa giải công bằng tại Trung Đông.
Các lãnh đạo Hồi giáo của Ai Cập cũng chỉ trích quyết định trên của Mỹ, coi đây là hành động khiêu khích tới 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới.
Trong khi đó, hàng chục nghìn người Palestine đã tuần hành và xảy ra đụng độ với lực lượng Israel tại Gaza. Ít nhất 58 người Palestine thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương. Palestine đã quyết định đệ đơn kiện Israel vi phạm tội ác chiến tranh lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) liên quan tới các hoạt động xây dựng khu định cư ở các phần đất bị chiếm đóng.
Vấn đề quy chế của TP Jerusalem vẫn luôn là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và toàn bộ TP Jerusalem vào lãnh thổ của mình. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.