Thế giới tuần qua: Úp mở số phận cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số phận cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tiên; thông tin mới về thảm kịch rơi máy bay MH17... là những sự kiện nổi bật trong tuần qua.

Cảm kích thái độ của Triều Tiên, ông Trump nói hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra
Tổng thống Mỹ mô tả, tuyên bố để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ của Bình Nhưỡng là động thái “nồng ấm và hiệu quả".
Một ngày sau khi hủy cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có phát biểu tích cực, cho rằng cuộc gặp có thể diễn ra vào ngày 12/6 như kế hoạch.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump dự kiến diễn ra tại Singapore vào 12/6.
“Chúng tôi sẽ xem điều gì xảy ra. Chúng tôi đang nói chuyện với họ”, ông Trump nói với các phóng viên khi ông rời Nhà Trắng vào sáng thứ Sáu, giờ địa phương. “Họ rất muốn hội nghị diễn ra. Chúng tôi cũng muốn điều này. Hội nghị thậm chí có thể diễn ra vào ngày 12”, ông nói thêm, đề cập đến thời điểm đã được sắp xếp để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Singapore.
Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra khi ông tới Annapolis để phát biểu tại Học viện Hải quân, ngay sau khi ông cũng bày tỏ sự lạc quan trên Twitter về việc mở cuộc đối thoại với ông Kim Jong-un
Chỉ trước đó một ngày, ông Trump đã viết một lá thư thông báo quyết định hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên vì những phát ngôn thù địch từ Bình Nhưỡng trong những ngày gần đây.
Nhưng trong một Tweet vào ngày 25/5, Tổng thống Mỹ đã mô tả, tuyên bố để ngỏ khả năng đàm phán với Tổng thống Trump của Bình Nhưỡng là động thái “nồng ấm và hiệu quả”, đồng thời là một tin tốt lành.
Ngay sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan khẳng định nước này vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ để giải quyết mọi vấn đề giữa hai bên.
Ông Kim Kye-gwan nhấn mạnh lãnh đạo Kim Jong-un nỗ lực hết sức để tổ chức hội đàm với Tổng thống Trump và Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Washington bất cứ lúc nào, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.
Vụ máy bay MH17: Tổng thống Putin yêu cầu Nga phải được tham gia điều tra mới công nhận kết quả
Ngày 25/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga cần trực tiếp tham gia vào quá trình điều tra thì mới có thể chấp nhận kết quả cuối cùng vụ máy bay MH17 bị rơi ở Ukraine.
Trước cáo buộc cho rằng Nga đứng đằng sau vụ bắn rơi máy bay MH17, Tổng thống Putin tuyên bố Moscow cần trực tiếp tham gia vào quá trình điều tra thì mới có thể chấp nhận kết quả cuối cùng. “Chúng tôi đã gợi ý để được tham gia vào quá trình điều tra thảm kịch này ngay từ đầu. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là chúng tôi lại bị loại khỏi cuộc điều tra”, ông Putin nói.
“Phía Ukraine đang làm việc tại đó, dù họ đã vi phạm các quy tắc quốc tế và không đóng cửa không phận tại khu vực có chiến sự. Để có thể công nhận kết quả điều tra của họ, chúng tôi đề nghị phải được tham gia trực tiếp vào quá trình điều tra”, ông Putin nhấn mạnh.
Vụ rơi máy bay MH17 ở miền Đông Ukraine vào năm 2014, làm tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Tổng thống Putin tuyên bố: “Trong bất cứ trường hợp nào, Nga sẽ tiến hành việc điều tra này một cách chu đáo, tôn trọng và chúng tôi sẽ phân tích tất cả những gì được nêu ra và sẽ nói rõ quan điểm của mình”.
Cùng ngày, chính phủ  Hà Lan chính thức lên tiếng yêu cầu chính phủ Nga chịu trách nhiệm cho vụ rơi máy bay MH17 ở miền Đông Ukraine vào năm 2014, làm tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Trong thông cáo ngày 25/5, nội các Hà Lan nói rằng bước tiếp theo có thể là đưa vụ việc ra tòa án quốc tế để nhận sự phán quyết. "Chúng tôi kêu gọi Nga nhận trách nhiệm và hoàn toàn hợp tác trong tiến trình tìm kiếm sự thật, đạt được công lý cho các nạn nhân của chuyến bay MH17",  Ngoại trưởng Hà Lan Stef Block cho biết.
Chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraine, khu vực do lực lượng nổi dậy thân Nga kiểm soát, vào tháng 7/2014. Toàn bộ 298 người trên chuyến bay, khi đó đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, đã thiệt mạng. Trong số người thiệt mạng có 28 người Australia.
Trước đó, hôm 24/5, các điều tra viên quốc tế trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines lần đầu khẳng định tên lửa BUK được dùng để bắn rơi chiếc phi cơ được vận chuyển từ một lữ đoàn của quân đội Nga.
Nhóm Điều tra Liên hợp (JIT) đã đi đến kết luận rằng tên lửa BUK-TELAR bắn rơi MH17 đến từ Lữ đoàn Tên lửa chống máy bay 53, đóng tại vùng Kursk thuộc Nga. Lữ đoàn 53 là một phần của lực lượng vũ trang Nga.
Đáp lại, phía Nga khẳng định hoàn toàn không liên quan đến vụ việc và đặt ra một số giả thuyết cho thấy Ukraine phải chịu trách nhiệm cho vụ bắn rơi MH17. Hôm 24/5, Moscow tuyên bố chưa hề có bệ phóng tên lửa của Nga từng được chuyển vào lãnh thổ Ukraine.  
Ông Nicolas Maduro tái đắc cử Tổng thống Venezuela
Ủy ban bầu cử Venezuela ngày 20/5 thông báo ông Nicolas Maduro tái đắc cử Tổng thống nước này với chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra cùng ngày.
Theo công bố từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela, với hơn 90% số phiếu đã được kiểm, ông Maduro đã giành được trên 5,8 triệu phiếu ủng hộ. Đứng ở vị trí thứ hai là ứng cử viên đối lập Henri Falcon với 1,8 triệu phiếu ủng hộ. 
Ông Nicolas Maduro tái đắc cử Tổng thống Venezuela với chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 20/5.
Theo thông báo của Ủy ban bầu cử, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở mức 46,1%, giảm so với mức 80% trong cuộc bỏ phiếu năm 2013.
Với kết quả đưa ra, những người ủng hộ Tổng thống Maduro tại một số khu vực ở thủ đô Caracas và các khu vực lân cận đã đổ ra đường ăn mừng chiến thắng.
Tuy nhiên,  ứng cử viên của phe đối lập chính, ông Henri Falcon tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử, nói rằng cuộc bầu cử không hợp lệ. "Chúng tôi không công nhận quy trình bầu cử này là hợp lệ… Chúng ta sẽ phải tổ chức bầu cử lại ở Venezuela", ông Falcon nói.
Đây là cuộc bầu cử mà phe đối lập Venezuela tẩy chay và cho rằng có nhiều sai phạm. Chính phủ Venezuela khẳng định cuộc bỏ phiếu là tự do và bình đẳng, nhưng đại đa số phe đối lập tẩy chay bầu cử.
Có một vài ứng cử viên đối lập chạy đua với ông Maduro, nhưng chỉ có ông Falcon được coi là có thể cạnh tranh. Ông Falcon từng là một thống đốc bang dưới thời Tổng thống quá cố Hugo Chavez. Ông có cùng xuất thân từ Đảng Xã hội chủ nghĩa như ông Maduro, nhưng bỏ đảng này vào năm 2010 để tham gia phong trào đối lập.
Ông Falcon tranh cử, bất chấp việc phe đối lập tẩy chay bầu cử, và nói rằng ông tin phần đông người dân Venezuela muốn ông Maduro phải rời ghế Tổng thống.
Cuộc bầu cử tại Venezuela diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Nền kinh tế nước này đã suy thoái 5 năm liên tiếp và siêu lạm phát với tốc độ hàng trăm phần trăm vẫn đang hoành hành.
Mặt khác, Venezuela cũng phải đối mặt với những sức ép từ bên ngoài khi Mỹ đã liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân và tổ chức quốc gia Nam Mỹ này. Mỹ, và Liên minh châu Âu (EU) và một số nước ở Mỹ Latinh đã phát tín hiệu có thể không công nhận kết quả cuộc bầu cử lần này củaVenezuela. 
Triều Tiên hoàn thành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri 
Ngày 24/5, Triều Tiên thông báo nước này đã hoàn tất việc phá dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, sự kiện được đánh giá là cử chỉ thiện chí tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến vào 12/6 tới.
Ngày 24/5, Triều Tiên đã hoàn thành việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Thông tin này được xác nhận bởi phóng viên của các hãng tin trên có mặt chứng kiến sự kiện này.
Chứng kiến lễ dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên có 28 nhà báo nước ngoài đến từ Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Hàn Quốc.  Theo các nhà báo quốc tế có mặt tại hiện trường, Triều Tiên hoàn tất công tác phá dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri theo đúng cam kết trước đó.
 Ngày 24/5, Triều Tiên hoàn tất công tác phá dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri theo đúng cam kết trước đó.
Đại diện của Viện vũ khí hạt nhân Triều Tiên khẳng định rằng Bình Nhưỡng cam kết xây dựng thế giới phi hạt nhân, đồng thời cho biết toàn bộ khu vực bãi thử hạt nhân Punggye-ri được di chuyển tới nơi khác và không thể thưc hiện được các vụ thử hạt nhân tại đây trong tương lai.
Cùng ngày, các quan chức Hàn Quốc đánh giá việc Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân trên sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn hoàn bán đảo Triều Tiên.

Bình luận này được đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc trong ngày 24/5. Các thành viên hội đồng đã đánh giá về việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri cũng như thảo luận các biện pháp tiếp theo.
Noh Kyu-duk, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng việc phá d ỡ bãi thử hạt nhân trên sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên."
Trước đó, Triều Tiên thông báo sự kiện này có thể diễn ra trong ngày 23-25/5 tùy điều kiện thời tiết. Cụ thể, nước này sẽ đóng cửa toàn bộ đường hầm dưới lòng đất và các cơ sở liên quan tại bãi thử hạt nhân này bằng chất nổ.
Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, nơi nước này đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017.
Sự kiện này có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang xúc tiến chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un dự kiến diễn ra ngày 12/6 tới tại Singapore.
Việc phá bỏ bãi thử hạt nhân được xem là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận của Bình Nhưỡng nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân và gửi một tín hiệu mạnh mẽ từ Nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Tổng thống Donald Trump rằng ông Kim vẫn mong muốn đàm phán.