Luật sư nói về vụ chồng đâm chết người để giải cứu vợ

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sư Trần Thị Ánh - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định, hiện nay vụ án đang trong giai đoạn điều tra, nên không thể nói trước điều gì...

Công an tỉnh Vĩnh Long đang tạm giữ Trần Ngoại Giao (SN 1990, ngụ huyện Long Hồ) để điều tra hành vi giết người khi giải cứu vợ là chị V.T.T.H (SN 1991). Đồng thời tạm giữ nhóm đối tượng tới bắt chị H., để điều điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Việc chị H., bị nhóm người đến nơi cư ngụ để “bắt cóc” theo “đơn đặt hàng” của mẹ ruột chị H.. Dẫn đến anh Giao xông ra giải cứu vợ, bị nhóm đối phương tấn công bằng hơi cay, nên anh Giao dùng thanh kim loại đâm chết 1 người, làm bị thương 2 người khác vào ngày 15/11, tại trước quán nước ven Quốc lộ 53 (xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) khiến dư luận rất quan tâm.
 Cảnh nhóm người do mẹ ruột chị H. thuê đến bắt chị H. Ảnh: Cắt từ clip.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về hành vi của anh Giao trong hoàn cảnh nêu trên, luật sư Trần Thị Ánh - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nhận định hiện nay vụ án đang trong giai đoạn điều tra, nên không thể nói trước điều gì. Tuy nhiên, dư luận đang thắc mắc hành vi của người chồng là “phòng vệ chính đáng” hay “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”? Điều này còn phụ thuộc vào bản chất vụ việc.
Tại điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Do đó, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Còn vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Do đó, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định”.
 Sau khi đâm chết người để giải cứu vợ, anh Giao đến công an đầu thú. Ảnh: Công an Vĩnh Long.
Cũng theo luật sư Trần Thị Ánh, ở vụ việc này dư luận còn thắc mắc nhóm người đến khống chế vợ anh Giao để đưa lên xe, có phải là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật hay không? Trước hết cần biết đối với tội bắt người trái pháp luật được thể hiện qua hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ; Việc khống chế này có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như trói, còng tay… Đối với tội giữ (tạm giữ) người trái pháp luật được thể hiện ở hành vi không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội (như bắt ở trong nhà, bắt ngồi tại chỗ…) trong một thời gian.